Đà Nẵng cuối tuần

CÀ PHÊ

Vẹn tròn hương vị

13:26, 24/02/2024 (GMT+7)

Nhắc đến cà phê, mỗi người khi thưởng thức sẽ đọng lại muôn vàn cảm nhận nào thơm, ngọt, đậm hay đắng. Qua thời gian, từ cà phê phin nguyên bản đến nay có thêm cách pha chế như rang xay hay biến tấu thành cà phê muối, trứng… Dù ở hương vị nào thì cà phê vẫn vẹn tròn hương vị cả quá khứ lẫn hiện tại, ẩn hiện nhiều cuộc đời và rong ruổi trên hành trình đời sống tinh thần của đa số người Việt.

Thưởng thức cà phê muối pha phin truyền thống đủ đầy hương vị đắng, ngọt, thơm, béo giúp người uống có khoảng lặng để cảm nhận cuộc sống xung quanh. Ảnh: H.T.V
Thưởng thức cà phê muối pha phin truyền thống đủ đầy hương vị đắng, ngọt, thơm, béo giúp người uống có khoảng lặng để cảm nhận cuộc sống xung quanh. Ảnh: H.T.V

Giữ gìn hương vị truyền thống

Theo nhịp sống hiện đại thì khẩu vị thưởng thức cà phê mỗi người sẽ thay đổi khác nhau, người thích uống cà phê phin cảm nhận cái đậm đà, đắng ngắt hay dùng cà phê pha máy với hương thơm phảng phất, dịu nhẹ. Với tín đồ “nghiện” cà phê thì họ vẫn chọn pha phin truyền thống, đặc biệt hơn khi ngồi nơi góc đường, hòa vào dòng người qua lại. Với tôi, ngồi hàng quán sang trọng, mát lạnh điều hòa để thưởng thức cà phê không “đã”  khi ngồi bên đường, nhộn nhịp còi xe tứ phía, tiếng lách cách tách phin va vào nhau, âm thanh cười nói rộn ràng người qua lại và chậm rãi ngắm nhìn từng giọt cà phê rơi vụn dưới đáy ly rồi nhấm nháp từng ngụm cà phê tan chảy nơi đầu lưỡi. Cách thưởng thức này đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người. Hầu hết những tín đồ cà phê cho rằng, ngày nào thiếu tách cà phê phin đi kèm cách nhâm nhi đường phố thì ngày đó như mất đi một nửa năng lượng làm việc.

Ở Đà Nẵng hiện có nhiều cách pha chế cà phê nhưng cà phê phin vẫn đi đầu xu hướng thưởng thức. Kể đến là cà phê núp hẻm 166 Hùng Vương (quận Hải Châu) của vợ chồng ông Nguyễn Hùng (65 tuổi) với tuổi đời gần 30 năm. Quán ông Hùng chỉ đơn giản kê chiếc bàn gỗ cũ dùng để đựng ly, tách, dụng cụ pha chế và xung quanh là vài bộ bàn ghế nhựa với đủ sắc đỏ, xanh, vàng. Riêng ông và vợ sẽ đứng pha chế cà phê không ngơi tay từ sáng sớm đến chiều muộn. Tôi thường xuyên ghé địa chỉ này để thưởng thức cà phê và có đôi lần trò chuyện cùng ông.

Ông Hùng nói, mấy chục năm qua, để giữ trọn vị cà phê truyền thống, ông chọn mua cà phê nơi uy tín rồi về tự pha chế theo công thức thủ công từ canh lượng cà phê vừa đủ, cách ủ cà phê trước khi pha hay đong nước sôi vừa phải yêu cầu, không quá nóng cũng không quá nguội. Những bước trên sẽ cho ra một tách cà phê đầy đủ hương vị, có thể thêm đường hay sữa tùy khẩu vị mỗi người. Ông Hùng bán cà phê khi tóc còn xanh nay nhuốm màu muối tiêu nhưng lượng khách đến quán vẫn ổn định, vẫn giữ thói quen dùng cà phê, vẫn chiếc ghế sờn màu bên cạnh bức tường cũ kỹ bởi họ đến không chỉ thưởng thức cà phê mà muốn tìm lại chút bình yên giữa phố thị nhộn nhịp, những đổi thay cuộc đời mà họ từng trải qua. Những khách hàng khi còn sinh viên đến nay thành đạt ở nhiều cương vị, trải qua thăng trầm, bôn ba nhiều nơi nhưng mỗi khi về đây cũng ghé thăm lại hương vị cà phê phin bên đường mà điều đó tiền bạc khó có thể mua được.

Hay như vợ chồng chị Phan Thị Thanh Nhi (32 tuổi) quyết định rời thành phố Huế nơi chôn nhau cắt rốn gói ghém niềm tin và hy vọng đến Đà Nẵng để cho ra đời thương hiệu “Cà phê muối Huế - N cafe”. Ở đây, cà phê muối pha chế mang đậm hương vị cố đô có mặt ở 3 chi nhánh đường Trần Phú, Đống Đa, Tản Đà với đầy lòng tâm huyết và đam mê. Giống ông Hùng, chị Nhi bày tỏ, quán vẫn giữ cách pha chế cà phê phin nguyên bản qua những tách phin rồi hòa tan cùng hạt muối Huế mặn mòi, chất lượng, có thể thêm chút sữa đặc, sữa kem. Sau gần 7 năm lập nghiệp, có thể nói, chị Nhi là người đầu tiên đưa cà phê muối đến gần hơn khách hàng Đà Nẵng bởi cà phê muối có nguồn gốc ở Huế.

“Cà phê muối có thể pha chế từ cà phê máy nhưng chúng tôi dùng pha phin truyền thống để giữ độ thơm đúng vị mà chỉ có pha phin mới mang lại hương vị đó. Sâu xa hơn, tôi luôn muốn gìn giữ nét truyền thống Việt khi bài trí không gian quán từ bộ bàn ghế gỗ thấp, bình trà nhôm cùng ly thủy tinh nhỏ. Tôi mong muốn, cà phê muối sẽ là thức uống được nhắc đến như một món quà đặc sản khi du khách trong và ngoài nước ghé đến Đà Nẵng”, chị Nhi vui vẻ nói.

Chị Nhi luôn chia sẻ công thức chung khi pha chế cà phê muối nhưng chị bảo vẫn phải “dắt túi” công thức riêng, biến tấu riêng để tạo sự độc lạ, như một cánh hoa tỏa sắc hương lạ giữa một khu rừng với vạn loài hoa. Tôi từng thử vị cà phê muối khá nhiều quán ở Đà Nẵng lẫn Huế nhưng cà phê muối quán chị Nhi vẫn là một ẩn số khó tìm. Một hương vị ngọt ngào nhưng vẫn có chút đắng của cà phê hòa trộn vị mặn chát của muối, beo béo của kem và sữa, tất cả hòa quyện làm tôi thức tỉnh mọi giác quan, bất giác có thể buông thành tiếng “Ngon chi lạ”.

Hướng đến đa dạng khẩu vị

Để đáp ứng nhu cầu số đông khách hàng, ngoài cà phê phin thì không thể không nhắc đến cà phê pha máy bởi vừa tiết kiệm thời gian nhưng vẫn giữ trọn hương vị. Chính sự tiện lợi đó, nhiều quán cà phê ngoài xây dựng không gian cho khách hàng thì mạnh dạn đầu tư khu vực rang xay cà phê tại chỗ để khách hàng có thể ngắm nhìn toàn bộ quá trình đầu vào cũng như thành phẩm cà phê như 43 Factory Coffee Roaster (422 Ngô Thì Sĩ) hay Passport Coffee Roastery (3 Trường Thi 6)…

Theo anh Nguyễn Đức Long, chủ quán Passport Coffee Roastery, quán mang thông điệp là chiếc thẻ thông hành và mong muốn khách hàng có thể trải nghiệm hương vị cà phê không chỉ trong nước như Robusta sẻ Gia Lai, Catimo Sơn La, Heirloom Đơn Dương, Cầu đất Đà Lạt mà còn thưởng thức hương vị cà phê của các nước trên thế giới như Ethiopia Kochere, Colombia Las Brisas, Kenya Guama… Ngoài ra, quán có xưởng rang nhỏ, để những ai có nhu cầu có thể đến xem cách rang xay cà phê rồi sau đó thưởng thức những ly cà phê thơm nức hoặc có thể chọn loại cà phê yêu thích và tự tay rang xay cà phê dưới sự hướng dẫn của nhân viên. Song song, quán nhận rang cà phê và đóng gói theo khẩu vị khách hàng. Phần lớn khách đến quán sẽ uống cà phê đen hoặc cà phê sữa. Thường khách quen ở quán dùng ít sữa và ít đường bởi quán đang cố gắng đưa trải nghiệm uống cà phê đậm vị để giữ hương vị nguyên bản của cà phê.

Khi tôi hỏi vị cà phê trong nước và ở các nước trên thế giới có gì khác nhau thì anh Long hồ hởi nói: “Trong cà phê hay uống thường có đầy đủ các vị chua, đắng, mặn, ngọt bởi thêm đường, sữa đặc hay sữa tươi. Sự khác nhau của cà phê trong nước và nước ngoài hiểu đơn giản là hàm lượng các hợp chất hay vị có sẵn sẽ tương tác với nhau cao hơn. Ví như khi ta ăn quả chanh vỏ xanh sẽ khác vị so với quả chanh vỏ vàng, một bên là chua gắt còn một cái sẽ chua ở mức dễ chịu. Hai loại cà phê cũng tương tự, sự tương tác của các hợp chất sẽ cho ra một kết quả khác, dù cùng một giống cà phê.

Giống như vậy, giữa cách pha chế cà phê máy hay phin truyền thống thì ở hình thức nào, tôi nghĩ những ai trót lòng đắm say cà phê thì đều có thể dung hòa theo hai cách thưởng thức”, anh Long mô tả và nói, phân biệt cà phê thật hay pha trộn thì những người sỏi cà phê sẽ nhận ra ngay khi nếm, bởi cà phê thật sẽ thơm, đậm vị, cà phê pha trộn thường thêm bơ và hương liệu. Vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng và chọn nơi uy tín để thưởng thức cà phê một cách trọn vẹn cũng như bảo đảm sức khỏe dài lâu.

Còn với số đông người trẻ khác khi thưởng thức cà phê sẽ hướng đến hương vị Âu, Hàn, Nhật, anh Trần Văn Ky (35 tuổi), người pha chế tại khách sạn 5 sao Bay Capital Danang (19 Quang Trung, quận Hải Châu) cho biết, một số người trẻ lại có cách thưởng thức cà phê giống gu người nước ngoài, họ sẽ ưa chuộng theo hai loại cà phê và sữa tươi hoặc cà phê và nước lọc. Hai hương vị này thích hợp cho những ai dễ bị say cà phê và không hảo vị đậm của cà phê, hình thức này sẽ áp dụng để uống giải khát chứ không phải thưởng thức như nét văn hóa người Việt truyền thống.

HUỲNH TƯỜNG VY

.