Đà Nẵng cuối tuần

CÀ PHÊ

Cà phê "made in Da Nang"

13:26, 24/02/2024 (GMT+7)

Trước làn sóng các thương hiệu cà phê tên tuổi trong và ngoài nước đổ bộ thị trường Đà Nẵng gần đây, những hệ thống cà phê “made in Da Nang” vẫn tự tin xây dựng phong cách đặc trưng và tìm chỗ đứng trên sân nhà. Ở đó, ly cà phê không còn là câu chuyện ăn - uống đơn thuần mà trở thành cầu nối quảng bá du lịch và văn hóa địa phương.

Nhiều hệ thống cà phê tại Đà Nẵng hướng tới quảng bá du lịch, lan tỏa hình ảnh thành phố đến du khách. Ảnh: Trình Cà phê
Nhiều hệ thống cà phê tại Đà Nẵng hướng tới quảng bá du lịch, lan tỏa hình ảnh thành phố đến du khách. Ảnh: Trình Cà phê

Lan tỏa thông điệp du lịch và văn hóa

Nhiều người dân, du khách đến Trình Cà phê - hệ thống cà phê “made in Da Nang” không khỏi thích thú với hình ảnh cầu Rồng, bán đảo Sơn Trà, biển Đà Nẵng cùng nữ hoàng linh trưởng voọc chà vá chân nâu được thể hiện nổi bật trên cốc cà phê tại quán. Đặc biệt hơn, chỉ cần quét camera điện thoại vào cốc sẽ thấy những hình ảnh trên chuyển động cùng tiếng gió biển, tiếng chim hót đầy sống động thông qua công nghệ thực tế ảo.

Trong bức tranh đời sống của mỗi vùng đất, Đà Nẵng vẫn luôn có những giá trị riêng. Ở đó, hương vị cà phê, những quán xá hay mỗi người dân sẽ là sợi dây kết nối du khách trong và ngoài nước từ chính đặc trưng văn hóa bản địa.

“Mình mong muốn khách đến quán không chỉ uống cà phê mà còn được lan tỏa những thông điệp về du lịch và văn hóa của thành phố”, anh Nguyễn Quang Thanh Sơn, chủ thương hiệu Trình chia sẻ. Thương hiệu này được vợ chồng anh xây dựng và phát triển từ năm 2018, sau gần 2 năm mày mò tìm hiểu thị trường và định hình hướng đi. Bước sang năm thứ 6 hoạt động, chuỗi cà phê này đã quen thuộc với nhiều người dân, du khách tại 4 cơ sở. Ở đó có món cà phê bơ - món ưa thích của nhiều vị khách được coi là đặc sản với hai nguyên liệu tự nhiên là cà phê sạch và quả bơ tươi. Anh Sơn kể: “Mỗi thành phố du lịch luôn có những điều để du khách nhớ tới và muốn trải nghiệm, trong đó có cà phê. Như Hà Nội có cà phê trứng, Huế có cà phê muối, Thành phố Hồ Chí Minh có cà phê vợt… Mình là người Đà Nẵng, vợ mình người Đắc Lắk - nơi có rẫy trồng bơ, tại sao không tạo ra ly cà phê bơ đặc trưng chỉ có ở Trình, có ở Đà Nẵng để giới thiệu với người dân và du khách?”.

Du khách đến Trình còn có thể nhận được những bộ sticker mang chủ đề của thành phố bên sông Hàn, tham gia các sự kiện chợ phiên bản địa hay check-in trong không gian mang đậm nét thuần Việt của quán với cờ đỏ sao vàng, mái ngói… Những hình ảnh này được nhiều du khách, đặc biệt là du khách trẻ chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và được trang chủ của ngành du lịch thành phố - Danang Fantasticity giới thiệu, góp phần quảng bá một Đà Nẵng trẻ trung, hấp dẫn.

Cũng như Trình, The Power House là thương hiệu cà phê “local” (địa phương) quen thuộc với người dân và du khách trong những năm gần đây. Có thời gian sống và làm việc ở Việt Nam gần 1 năm và thường uống cà phê ở The Power House, anh Philip Chong, quốc tịch Mỹ chia sẻ: “Tôi đã có dịp đến nhiều thành phố và khá ưng ý với hương vị cà phê ở Việt Nam. Các quán xá ở đây đa dạng về giá cả, phong cách, hình thức phục vụ… Riêng với Đà Nẵng, chỉ cần đi bộ dọc hai bờ sông Hàn hay khu vực trung tâm là dễ dàng tìm được một quán cà phê đông khách với giá phải chăng, gặp gỡ được nhiều người dân địa phương đầy thân thiện”.

Hình thành không gian cà phê bản sắc

Nhà rang xay và bán lẻ cà phê hàng đầu thế giới Starbucks có một thông điệp: “Với mỗi cốc cà phê, chúng tôi cố gắng đưa cả di sản của chúng tôi và trải nghiệm đặc biệt vào cuộc sống”. Di sản của Starbucks được xây dựng một phần từ sự đồng bộ về hương vị cà phê, không gian quán, nhân sự và nhận diện thương hiệu trên toàn cầu.

Sự đồng bộ đó của Starbucks và những thương hiệu quốc tế nói chung là điều mà những người tâm huyết xây dựng thương hiệu cà phê mang bản sắc riêng của Đà Nẵng như anh Sơn và anh Định hướng tới. Trước làn sóng các thương hiệu này cùng nhiều tên tuổi trong nước đổ bộ thị trường Đà Nẵng những năm gần đây, họ vẫn tự tin xây dựng chỗ đứng từ chính giá trị văn hóa, đời sống địa phương. Ngoài Trình Cà phê và The Power House, còn có những The Local Beans Coffee, Nam House, Nối, Ikigai Garden, Gé… là những hệ thống cà phê đã và đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng.

Khẳng định “cà phê ở Đà Nẵng ngon là tất nhiên”, anh Phan Định, chủ thương hiệu The Power House cho rằng, thành phố nằm không quá xa những vùng trồng cà phê lớn của đất nước như Tây Nguyên hay Quảng Trị. Quy trình sản xuất nên hạt cà phê, làm ra một ly cà phê cũng ngày một chỉn chu, chuyên nghiệp và có sự đầu tư nên có thể hoàn toàn an tâm về chất lượng cà phê Đà Nẵng. Nhấn mạnh yếu tố văn hóa - đời sống, anh chia sẻ: “Người Đà Nẵng hầu như ai cũng thích uống cà phê. Mình quen với hình ảnh cà phê Long. Buổi sáng, mọi người ngồi quây quần, trò chuyện cùng nhau trong không gian có bàn ghế san sát. Hình ảnh đó tạo nên không khí xôm tụ đặc trưng của cà phê phố phường. Đó chính là văn hóa”.

Những điều anh Định nói dường như cũng là suy nghĩ chung của những người mở quán cà phê mang thương hiệu Đà Nẵng. Họ tin rằng, trong bức tranh đời sống của mỗi vùng đất, Đà Nẵng vẫn luôn có những giá trị riêng. Ở đó, hương vị cà phê, những quán xá hay chính mỗi người dân sẽ là sợi dây kết nối du khách trong và ngoài nước từ chính đặc trưng văn hóa bản địa. Từ quan điểm này, anh Nguyễn Quang Thanh Sơn cho biết, đây cũng là tiêu chí mà Trình Cà phê hướng tới: “Mình có dịp đi nhiều nơi và nhận ra du khách nước ngoài rất thích cảm giác “đan xen”, hòa mình vào những không gian nhộn nhịp của địa phương với điển hình là một quán cà phê. Vì thế, mình muốn xây dựng quán cà phê theo hướng bình dị, tươi vui mà ở đó có người dân, du khách trong nước và nước ngoài từ đa quốc gia cùng ngồi lại”.

Theo anh Sơn, sẽ là điều tốt nếu thành phố thành hình được một không gian cà phê tập hợp những thương hiệu nổi bật của địa phương. Trên tinh thần “buôn có bạn, bán có phường”, một khu tổ hợp quán xá đặc trưng sẽ kích thích sự phát triển chung về kinh tế - xã hội và đặc biệt là du lịch. Điều đó sẽ thành công khi mỗi cá thể tham gia tập trung hoàn thiện chất lượng phục vụ trên một không gian chỉn chu. “Trên quan điểm của mình, nếu thành phố quy hoạch được hệ sinh thái hoàn thiện xung quanh không gian cà phê như: cơ sở hạ tầng, bãi đậu xe, đường sá, điểm du lịch… thì các thương hiệu phù hợp sẽ tìm đến và thu hút du khách”, anh Sơn nhấn mạnh.

Đã review hơn 500 quán cà phê khắp Đà Nẵng, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh và Chieng Mai (Thái Lan), anh Hùng Trần, chủ kênh Tiktok Tuidicaphe chia sẻ: “Nhu cầu của mọi người bây giờ đã không còn bó hẹp ở chuyện ăn uống đơn thuần mà là trải nghiệm đồ uống ngon, hình ảnh check-in đẹp để có thể chia sẻ lên mạng xã hội, không khí quán xá thoải mái… Do đó, để hình thành một không gian cà phê mang bản sắc địa phương của thành phố, các cơ sở cần đầu tư về chất lượng dịch vụ và phong cách, trước hết là phục vụ đời sống người dân, sau đó là hướng đến du lịch. Thuận lợi là thành phố đang ngày càng có nhiều thương hiệu cà phê ngon, phong cách ấn tượng, phân khúc phong phú. Nhiều bạn chủ quán có góc nhìn sáng tạo trong tiếp cận khách và kết nối du lịch”.

Sẽ là điều tốt nếu thành phố thành hình được một không gian cà phê tập hợp những thương hiệu nổi bật của địa phương. Trên tinh thần “buôn có bạn, bán có phường”, một khu tổ hợp quán xá đặc trưng sẽ kích thích sự phát triển chung về kinh tế - xã hội và đặc biệt là du lịch.

XUÂN SƠN

.