Đà Nẵng cuối tuần

SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH

Những người mê sách

08:19, 18/02/2024 (GMT+7)

Nhà hùng biện La Mã cổ đại Marcus Tullius Cicero từng nói “nhà không có sách giống như thân thể không có linh hồn”. Trong nhà, có một tủ sách đã là quý, nhưng có tủ sách được sàng lọc nội dung chặt chẽ, có chất lượng càng cho thấy chủ nhân đã dành nhiều tâm huyết tìm kiếm, sưu tầm. Những cuốn sách là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc đời họ. Giữa những ngôi nhà - có - sách ấy, chuyện đọc trở thành niềm vui và đôi khi, xen lẫn trong đó là niềm hy vọng có thể lan tỏa văn hóa đọc đến tất cả mọi người.

Gia đình anh Ngô Thanh Tuấn thường xuyên sinh hoạt trong không gian phòng đọc sách. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Gia đình anh Ngô Thanh Tuấn thường xuyên sinh hoạt trong không gian phòng đọc sách. Ảnh: Nhân vật cung cấp

1. Sau hơn 10 năm quay lại ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Lý Nhân Tông (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), chào đón tôi vẫn là hình ảnh người đàn ông gầy gò ngồi đọc sách giữa những chồng sách cao quá đầu người. Phần lớn không gian ngôi nhà dành cho hơn 20.000 cuốn sách đủ thể loại mà ông sưu tầm suốt nhiều năm qua. Sách được xếp theo từng nhóm chủ đề, nhóm tác giả nằm trên kệ, trên cầu thang, trên tủ, trên bàn hay dọc hai bên tường lối đi dẫn xuống nhà bếp. Thậm chí, sách nằm tràn lên chiếc giường được kê tạm bằng mấy tấm ván ép, chỉ dành lại một khoảng trống vừa đủ để ông ngả lưng.

Gần 80 tuổi, việc đọc với ông Trần Phước Tuấn quen thuộc như chuyện người ta thưởng thức tách cà phê đắng mỗi ngày. Ông kể, quyển sách đầu tiên mình bỏ tiền mua là “Dưới mái học đường”, phóng tác của Cao Văn Thái từ cuốn “Les grands cœurs” của văn hào người Ý Edmond de Amicis. Quyển sách đầu đời này mở ra trong tâm hồn ông những trang viết đẹp nhất về thời học trò áo trắng và sở thích đọc sách cũng từ đó mà nhiều thêm.

Lên Đệ Ngũ (lớp 7 ngày nay), ông đã sắm cho mình một tủ sách Tự lực văn đoàn, thuộc dạng “chơi sách” có cỡ trong đám bạn bè trước năm 1970. Thời ấy, để thỏa mãn cơn “thèm sách”, ông “ăn dầm nằm dề” ở mấy tiệm cho thuê sách và lân la đến những nhà sách Sông Đà trên đường Độc Lập (này là đường Trần Phú), nhà sách Văn Hóa trên đường Khải Định (nay là đường Ông Ích Khiêm).

Những hôm nghỉ học, ông qua tận nhà sách Quế Chi ở quận Ba (nay là quận Sơn Trà) chỉ để “đọc chùa”. Như nhiều học sinh thời ấy, vì mê truyện tàu, truyện chưởng Ỷ thiên đồ long ký, Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa, Lưu trai chí dị, Tần Thủy Hoàng, Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Lưu Công kỳ án… nên ngoài tìm đọc, ông còn dành dụm tiền ăn vặt để mua về để trong nhà.

Không chỉ là người đọc sách nghiêm túc, ông Tuấn còn là “trùm săn sách cũ”. Bởi theo ông, với những cuốn sách hay đã xuất bản quá lâu hoặc không còn xuất bản, sách cũ càng thêm quý. Đó cũng là nguyên nhân khiến hành trình đi tìm những cuốn sách quý, có giá trị của ông không hề đơn giản. Có những tập sách ông mất hai, ba năm mới mua đủ bộ.

Ở thành phố bên sông Hàn, ông Tuấn là người đọc hiếm hỏi có đủ tác phẩm nổi tiếng của nhà văn, nhà biên kịch Mỹ gốc Italy Mario Gianluigi Puzo như Bố Già, Ông trùm cuối cùng, Luật im lặng, Gia đình giáo hoàng, Đất máu Sicily, Tổng thống K. thứ tư, Đất tiền đất bạc, Đất khách quê người, Những kẻ điên rồ phải chết, Đấu trường u ám… Bên cạnh rất nhiều tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn, ông dành sự quan tâm đặc biệt đến dòng sách về kinh phật, phong thủy, văn học hiện đại. Một số tác phẩm tâm đắc, ông mua liền hai cuốn, một đặt trên lầu, một đặt tầng trệt để tiện đâu đọc đó, không phải mất công tìm.

Trong niềm vui của một người có tủ sách vào loại “khủng” ở Đà Nẵng, ông thoáng chút chua chát khi nói rằng, trong cuộc đời yêu sách của mình, không ít lần vì sách mà mất bạn. Bởi lẽ, ông trọng chữ tín, trọng người đọc thật sự nên cũng rất ghét ai mượn sách rồi cố tình “quên” không trả, hoặc trả lại một cuốn sách đã sờn bìa, rách gáy. “Muốn biết một người có thật sự yêu sách, đọc sách hay không chỉ cần nhìn cách họ ứng xử với những cuốn sách. Có những người yêu sách đến độ lúc đọc dở cũng không nỡ gấp trang đánh dấu và tôi là một trong những người như thế”, ông Tuấn chia sẻ.

2. Nhà hùng biện La Mã cổ đại Marcus Tullius Cicero từng nói “nhà không có sách giống như thân thể không có linh hồn”. Trong nhà, có một tủ sách đã là quý, nhưng có tủ sách được sàng lọc nội dung chặt chẽ, có chất lượng càng cho thấy chủ nhân đã dành nhiều tâm huyết tìm kiếm, sưu tầm. Riêng với anh Ngô Thanh Tuấn - chủ nhân phòng đọc tư nhân nhỏ có tên Gác Nobel ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu - người đang sở hữu hơn 1.000 cuốn tiểu thuyết (được dịch sang tiếng Việt) của hơn 80 tác giả từng đoạt giải Nobel Văn học, đó là quãng dài gần 30 năm chăm chút.

Trong đó, có rất nhiều bộ sách giá trị được anh lục tìm ở những hiệu sách cũ từ thời sinh viên, như bộ Phiêu lưu trên lưng ngỗng của nữ tác giả Thụy Điển Selma Ottiliana Lovisa Lagerlof - nữ tác giả đầu tiên đoạt giải Nobel, hay Chuyện rừng của Rudyard Kipling, tác giả trẻ tuổi nhất đoạt giải Nobel năm 1907. Anh Tuấn cho hay, niềm đam mê sưu tầm tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel Văn học của anh càng được chắp cánh bởi những dịch giả Tạ Minh Châu, Dương Tất Từ, Trần Đình Hiến… khi họ thường xuyên gửi tặng sách và giới thiệu nguồn sách quý hiếm. Ngoài tác phẩm dịch sang tiếng Việt, anh cũng giữ khá nhiều tác phẩm gốc được viết bằng tiếng Anh, Pháp…

Nhiều năm qua, lúc nào rảnh rỗi anh đều lân la nhà sách hoặc quầy sách cũ, thấy cuốn ưa thích là mua ngay không hề đắn đo. Theo anh Tuấn, có rất nhiều cuốn xuất bản đầu thế kỷ XX được in bằng giấy dó, đẹp, cầm khá nhẹ tay. Tuy nhiên, việc bảo quản những cuốn này không dễ, bởi có cuốn khi đến tay anh đã rách bìa, mục gáy. Chưa kể, sách quý ngày càng hiếm, anh phải mất gần chục năm mới tìm thấy như hai bản dịch cuốn "The Good Earth" (tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Mỹ Pearl S. Buck, chủ nhân giải Nobel Văn chương năm 1938) của Nguyễn Công Phú (được NXB Như Nguyện in năm 1959 tại Sài Gòn) và cuốn còn lại do Nguyễn Thế Vinh dịch (được NXB Khai Trí in năm 1972). 

Nhờ đọc những tác phẩm đoạt giải Nobel Văn chương, anh Tuấn nhận ra có rất nhiều dẫn chứng về mối liên hệ giữa những tác giả đoạt giải với Việt Nam. Chẳng hạn đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương năm 1913) đã từng đến Sài Gòn diễn thuyết năm 1924; triết gia người Anh Bertrand Russell (Nobel Văn chương năm 1950) đã thành lập Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam năm 1967 tại Thụy Điển và Anh Quốc.

Tham gia tòa án này còn có chủ nhân Nobel Văn chương 1964 Jean-Paul Sartre, hay tác giả Bob Dylan cũng từng sang Việt Nam biểu diễn năm 2011. Đặc biệt, một trong hai truyện vừa đầu tay của nhà văn Nam Phi J.M. Coetzee (đoạt giải Nobel Văn chương năm 2003) có tựa đề "The Vietnam Project" mô tả sự suy sụp tinh thần của một viên chức trong bộ máy chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Từ tình yêu đặc biệt dành cho những tác giả đoạt giải Nobel Văn chương, anh Ngô Thanh Tuấn tự thấy mình có trách nhiệm lưu lại những tác phẩm ghi dấu ấn trong lịch sử văn học thế giới. Anh mong muốn, khi đủ điều kiện sẽ mở rộng Gác Noel, nơi mọi người có thể đến đọc sách và trò chuyện về sách. Cùng suy nghĩ với anh, cánh cổng ngôi nhà nhỏ trên đường Lý Nhân Tông của ông Trần Phước Tuấn vẫn luôn rộng mở cho những tâm hồn yêu sách và xem sách là người bạn quý trong đời.

Tiếp xúc với sách sẽ có đời sống tinh thần phong phú

Nhiều năm lân la nhà sách, chị Châu An, một biên tập viên trẻ NXB Đà Nẵng đã có trong tay hơn 3.000 đầu sách. Bên trong căn hộ chung cư có diện tích khá khiêm tốn, vợ chồng chị An dành phần lớn không gian phòng khách đặt tủ sách gia đình để “với tay là chạm sách”. Mỗi tháng, chị dành hơn 1 triệu đồng cho việc tìm mua những cuốn sách mình thích.

Cũng theo chị An, bên cạnh sở thích đọc sách, công việc của một biên tập viên nhà xuất bản buộc chị phải đọc rất nhiều bản thảo, từ đó “nghiện” sách lúc nào không hay. Chồng chị, nhà nghiên cứu Võ Hà, cũng là người mê sách nên tủ sách gia đình cứ thế đầy hơn. Như người Nhật, vợ chồng chị An coi trọng “văn hóa nêu gương” trong gia đình.

“Hình ảnh bố mẹ đọc sách trong nhà, tại quán cà phê hay đang đi đâu đó luôn trở nên quen thuộc với các con, vì thế các con cũng làm theo và dần trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức. Một đứa trẻ sớm tiếp xúc với sách sẽ có đời sống tinh thần phong phú, mà ở xã hội hiện đại này, đời sống tinh thần của mỗi người luôn cần được quan tâm”, chị An đúc kết.

TIỂU YẾN

.