Đà Nẵng cuối tuần

XUÂN ĐÃ VỀ

Bồi hồi buổi chợ cuối năm

17:22, 03/02/2024 (GMT+7)

Đi chợ Tết những ngày cuối năm từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều gia đình. Không chỉ là nét đẹp trong văn hóa truyền thống, đi chợ Tết còn để cảm nhận không khí rộn ràng và háo hức của năm mới khi Tết Nguyên đán cận kề.

Ngắm nhìn phiên chợ, dường như những mảng màu sặc sỡ của cuộc sống đều tụ lại nơi đây. Ảnh: ST
Ngắm nhìn phiên chợ, dường như những mảng màu sặc sỡ của cuộc sống đều tụ lại nơi đây. Ảnh: ST

Mua sự ấm no, đủ đầy…

Đi chợ Tết là phong tục gắn liền với bao người dân Việt Nam và chợ Tết cũng mang ý nghĩa quan trọng trong tiềm thức của mỗi người. Bởi vậy nên bận rộn đến mấy, các bà, các mẹ đều dành thời gian để đi chợ Tết. Ngoài chuyện mua hoa và cây cảnh để trang trí nhà cửa, sân vườn đón năm mới còn là thú vui chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh túy của thiên nhiên ban tặng cho con người vào thời khắc giao hòa giữa năm mới và năm cũ. Với nhiều người, guồng quay sắm Tết, trong đó có việc đi chợ Tết chỉ thực sự kết thúc vào chiều 30 tháng Chạp, hoặc dĩ, khi thời khắc cành đào, chậu mai, mâm ngũ quả, bánh chưng xanh… đã xuất hiện đầy đủ trên bàn thờ. 

Chợ Tết không đơn thuần chỉ có bán - mua như thường ngày, mà những quầy hàng, khu chợ Tết phản ánh rõ nét tình hình kinh tế, đời sống xã hội của người dân qua một năm. Dạo quanh một vòng nhiều chợ ở khu vực trung tâm hay vùng ven để thấy năm nay sức mua có giảm sút so với năm ngoái. Chị Hồ Thị Hương (một tiểu thương tại chợ Mới) cho biết, hàng hóa về nhiều nhưng sức tiêu thụ không bằng các năm. Vẫn là những cam, quýt, nho, thanh long, dưa lưới, dưa hấu... nhưng thay vì bán đắt thì dịp này chỉ bằng khoảng 70-80% so với cùng kỳ.

Cùng với sự phát triển của xã hội, chợ truyền thống vẫn có một chỗ đứng rất riêng, càng đặc biệt hơn khi giờ đây mỗi chợ Tết lại dần hình thành để mang một vẻ khác nhau. Nếu chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ Hòa Khánh, chợ Phước Mỹ... đậm màu chợ truyền thống với cảnh bán mua, trưng bày san sát những mặt hàng thường thấy như mứt, bánh, trái, hoa quả, thịt, cá, lagim... thì giờ đây, người Đà Nẵng đã quen với hương vị của những ngôi chợ với chỉ một vài mặt hàng rất riêng như chợ hoa đường Phạm Phú Thứ...

Nằm ở đường Phạm Phú Thứ với chiều dài chưa tới 500m, từ nhiều năm nay, với hơn 20 hộ kinh doanh hoa các loại là điểm đến quen thuộc, trở thành nét đẹp văn hóa đối với người dân thành phố. Đến chợ hoa Phạm Phú Thứ để mua hương, mua hoa về làm đẹp thêm ngôi nhà nhân dịp xuân mới nên dường như ai nấy đều có vẻ thảnh thơi, thong thả, thay vì cảnh chen lấn, chộn rộn ở những chợ truyền thống khác. Theo nhiều hộ kinh doanh ở chợ hoa Phạm Phú Thứ thì phải ngoài 20 tháng Giêng chợ mới thực sự nhộn nhịp. Còn những ngày này, rải rác cũng có khách đến tản bộ, ngắm nghía.. Năm nay, bên cạnh những loài hoa truyền thống thường được dùng trong những ngày Tết như lay ơn, thược dược, hoa hồng, hướng dương, cẩm tú cầu... thì còn có thêm những loài hoa như hoa mận, cành củi khô, hoa đào Nhật Tân... cũng được ưa chuộng.

Năm nào cũng vậy, cứ sau 20 tháng Chạp là bà Trần Thị Thu (quận Hải Châu) lại đi chợ Hàn, chợ hoa Phạm Phú Thứ. Bà kể, gần 40 năm qua, bận rộn đến đâu bà cũng dành thời gian để đến chợ. 40 năm là quãng thời gian rất dài, càng không thể đếm xuể bao nhiêu bước chân của bà đã qua về ở những ngôi chợ thân quen để mua sắm Tết. Chỉ biết rằng, năm nào Tết đến xuân về, đôi chân của bà lại chộn rộn để đi chợ Tết. Có khi ngày đi vài ba bận mới mua được thức hàng đúng như mong muốn. Bà Thu bày tỏ: “Nhiều lúc cũng tụ tập với mấy người bạn hàng xóm để cùng đi chợ. Có hôm mua được con cá to, chia đôi mỗi nhà một nửa, hôm khác lại chỉ đi dạo để ngắm phố phường nhưng sao tôi vẫn thích đi chợ Tết. Nhìn ngắm phố xá sầm uất, nhộn nhịp, hoa đua sắc nở là lại thấy dâng trào niềm tin vào một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc”.

Thứ gia vị quý giá

Có lẽ, chẳng đâu mà không khí Tết lại đậm đặc hương vị như ở chợ Tết. Và khi đời sống càng hiện đại, Tết truyền thống càng trở thành thứ gia vị quý giá và thiêng liêng để giữ gìn. Đi chợ Tết để nhìn thấy khung cảnh các mẹ, các chị tay nhanh thoăn thoắt lột kiệu, xắt cà rốt, củ cải để dầm dưa món; để thấy các anh, các chú tỉ mẩn ở góc đường gói từng cành hoa để khách mang về. Ngoài hoa, ngoài những hàng hóa phục vụ cho việc trang hoàng hay bữa ăn ngày Tết, thì chợ Tết cũng là nơi góp phần làm nên mâm cỗ trang trọng với những xôi, chè, con gà cúng...

Người xưa có câu: “Không có thịt gà không ra mâm cỗ”, để có được gà ngon, mười mấy năm nay, nhiều người dân sống quanh khu vực chợ Mới (quận Hải Châu) thường chọn đi chợ sớm, ghé vào con hẻm nhỏ ở phía đường Hoàng Hoa Thám để đặt gà luộc dâng lên bàn thờ gia tiên. Đúng như cái tên chợ Mới, những hàng hóa được bán ở khu chợ này, nhất là hàng trái cây, rau hành lagim đều tươi mới, chuộng chất lượng hơn số lượng, chuộng sự bắt mắt đi đôi với hương vị. Sau khi ghé đặt mua gà cúng, chỉ cần đi thêm vài bước chân là gia chủ có thể sắm đủ một mâm cúng ngày Tết với trái cây, xôi gấc, xôi đậu xanh, chè, bánh chưng, bánh tét... Các chủ tiệm cho hay, để phục vụ thực khách, họ phải dậy chuẩn bị hàng từ 2-3 giờ sáng và kết thúc lúc tối muộn với mong muốn đáp ứng mọi nhu cầu dịp Tết của khách hàng.

Những ngày cuối năm, như có sự thôi thúc từ tận sâu đáy lòng để phải dời chân ra khỏi nhà, dạo một vòng qua các chợ truyền thống để thấy nhịp sống vẫn nguyên sự hối hả, sôi động nhưng lẫn khuất đâu đó là hình ảnh “báo xuân về” khi bất chợt nhìn thấy một người dân ôm cành đào, phía góc chợ Hàn là hình ảnh cụ già thong thả ngồi lựa từng chiếc lạt tre, từng phiến lá chuối xanh tươi để về gói bánh chưng, bánh tét, là những kiện hàng lớn được chủ quầy bốc từ trên xe tải, đem vào chất kho để bán Tết. Chợ Tết càng về chiều cũng là lúc người thưa dần, nhưng khuôn mặt ai cũng tươi tắn. Dù công nghệ số phát triển, mua hàng chỉ cần cái nhấp chuột nhưng không vì thế mà các phiên chợ Tết kém nhộn nhịp. Chính tiếng cười nói rộn rã chứa đựng niềm tin và hy vọng vào một cuộc sống no ấm, hạnh phúc hơn khi xuân về là điều riêng có, không thể tìm thấy ở bất cứ đâu ngoài chợ Tết...

KHÁNH HÒA

.