Đà Nẵng cuối tuần

XUÂN ĐÃ VỀ

Đón Tết

17:16, 03/02/2024 (GMT+7)

Công việc lau dọn bàn thờ và tuốt lá mai, có lẽ cả hai là việc trọng của những ngày chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc. Một việc trong nhà và một việc ngoài sân, mỗi khi Tết về tôi thường tự nhận hai việc này.

Những ngày đợi mai nhú nụ từng chùm mập mạp, và một sáng cuối năm bừng lên sắc vàng thắm thiết là đầy đặn Tết đang về. Ảnh: ST
Những ngày đợi mai nhú nụ từng chùm mập mạp, và một sáng cuối năm bừng lên sắc vàng thắm thiết là đầy đặn Tết đang về. Ảnh: ST

1. Thường là hằng tháng bàn thờ được lau dọn sạch sẽ hai lần để tưởng nhớ ông bà dịp Rằm, mùng Một. Tuy vậy đến cuối năm thì sự lau dọn ấy hoàn toàn khác, ngoài ý nghĩa làm sạch còn mang niềm vui “rước” Ông Bà về ăn Tết với con cháu trong ba ngày xuân, vì vậy công việc này cũng mang một không khí thiêng liêng hơn. Nhớ lời cha tôi dặn, trước khi bao sái (chữ các Cụ hay dùng để chỉ việc lau dọn bàn thờ) tôi thắp nhang xin được thực hiện công việc trang nghiêm cuối năm.

Tôi nhớ thuở cha tôi còn, trước khi lau dọn bàn thờ ông thường thắp nhang khấn xin phép, chuẩn bị một bàn nhỏ có phủ khăn điều để thỉnh bát nhang và linh vị ra cái bàn được để bên cạnh. Làm sạch bàn thờ Phật trước, sau mới tới bàn thờ Ông Bà cha mẹ. Ngày nay việc lau dọn được giản lược đi nhiều, một phần do không gian thờ phụng nhỏ hẹp hơn, phần khác do điều kiện thời giờ không thong thả như xưa, nhưng nhất thiết lòng thành kính và sự chu đáo tuyệt đối. Thường là sáng ngày 23 tháng Chạp tôi bắt đầu việc quan trọng này.

Chân nhang lấy gọn vào tờ giấy sạch để mang đi hóa, lau tượng Phật, đồ thờ bằng khăn ướt sạch, thay cát bình hương… Riêng chân đèn, độc bình bằng đồng, lư… đem ra thợ đánh bóng sáng trưng. Tương tự đến bàn thờ gia tiên cũng lần lượt theo trình tự như vậy, lưu ý nhẹ nhàng, tránh gây tiếng động. Thời nay không còn nấu nước gừng hoặc nước lá thơm để giặt khăn, nhưng nhất thiết chổi lông gà, khăn và thau được giữ riêng và chỉ dành cho công việc thiêng liêng này.

Cắm hoa và đơm đĩa quả cũng là việc chu đáo và tốn nhiều công sức. Thường ngày Rằm, mồng Một ngoài hoa cúc, tôi chỉ chọn vài quả thật đẹp để cúng Phật và Ông Bà. Đây là tôi học cách đặt trái cây cúng ở một ngôi chùa nổi tiếng ở Huế. Trên cái đĩa trung là một quả xoài, bưởi hoặc nải chuối vừa chín… là đủ. Rất trang trọng và có chút gì rất thiền, nhìn đĩa trái cây như một tĩnh vật nghệ thuật nội tâm hơn là món lễ cúng sân đình. Tuy nhiên ngày Tết thì đĩa trái cây cúng thường phải đủ năm thứ trái để thành “ngũ quả”. Ngoài Bắc tôi thấy bày trên một mâm đồng lớn có khi hai nải chuối xanh (chuối “hờn”) và nhiều trái cây đơm xen, trong Nam không thấy cúng loại chuối này, mà thường là chuối “mốc” hoặc chuối cau, một vài loại quả phổ biến như cam, thanh long, bưởi… Gần Tết thì có thêm bánh chưng, trà và rượu, riêng bàn thờ Phật thì không cúng rượu.

Rồi đặt bình hoa ở đâu, ngó vậy chứ không phải ai cũng biết. Nếu hai bình hoa thì đơn giản để cân đối hai bên, nhưng chỉ một “độc” bình thì thường theo nguyên tắc “Đông bình, Tây quả”, nhưng lại xuất hiện một khó xử khác: Nếu bàn thờ hướng Nam thì sẽ như thế nào? Theo các Cụ thì phía tay trái của Ông Bà là “Đông”, bên còn lại là đĩa trái cây. Ngày Tết ở thành phố ít còn nhà cúng cơm ba bữa, nên thường có đĩa bánh chưng (hoặc bánh tét), bánh khô và trà thơm là đủ ấm cúng. Việc khó nhất bây giờ là chọn hương (nhang) để thắp. Do làm ăn cạnh tranh mà hương thường có nhiều hóa chất để tạo mùi thơm và chống ẩm, khổ là nó rất hại đến sức khỏe, cho nên ngày nay các vị chân tu khuyên nên thắp mỗi lần một cây, và phòng thờ phải thoáng khí.

Nhà tôi sau nhiều năm cúng áo giấy, vàng mã… nhưng gần đây tôi thấy việc đốt vàng mã là một trong những hủ tục cần chấm dứt, đây là do người Tàu bày ra và ảnh hưởng rất nặng nề (và cũng rất tốn kém), đó là chưa nói an toàn hỏa hoạn, việc đốt vàng mã là việc lãng phí và mê muội nhất. Tôi có thói quen, bắt đầu mỗi ngày là thắp một cây nhang trên bàn thờ. Đó là giây phút tôi nghĩ về Phật, Ông Bà và nói với Ơn trên rằng: Xin hãy cho tôi bớt điều chưa tốt và thêm điều thiện lành, xin cho tôi bớt điều dễ duôi và cho tôi thêm năng lượng để mừng ngày mới.

2. Tuốt lá mai - công việc ngoài sân thì nhất định là việc của đàn ông. Nếu bạn là dân “chơi” mai, thì đây là một thế giới tốn nhiều công sức. Cây mai loại phổ biến và được “trọng dụng” hiện nay là loại mai ta (lá xanh), còn gọi là mai Huế, thường là năm cánh, cũng có loại bảy hoặc chín cánh, đơn hoặc kép, màu vàng tươi, lá dày, xanh đậm… Thường đến tháng 11 âm lịch, sau Rằm là thời điểm tuốt lá. Tùy theo con nắng và hạt gạo (búp nhú) mà chọn ngày phù hợp. Nếu tuốt mà đến ba ngày Tết hoa vàng rực rỡ là niềm vui lớn, chứ ra Giêng mà khoe sắc mấy cũng không thắm được ngày Xuân.

Chăm mai một năm để một ngày nâng từng phiến lá mà ngứt, cảm giác nâng niu mong đợi vài ba tuần nữa rực rỡ góc nhà nó làm mình lâng lâng, phấn khích. Từng nhánh, khi gom lá lại xong, chỉ còn cành tạo tán đều là lúc mong đợi ngày khai hoa. Người mong mai, mai mong nắng… Với tôi, những ngày đợi mai nhú nụ từng chùm mập mạp, và một sáng cuối năm bừng lên sắc vàng thắm thiết là đầy đặn Tết đang về.

Đọc Cao Huy Thuần kể rằng, đêm Giao thừa ở bên Tây, trong mùi thơm trầm nhang, trước bàn thờ Phật và gia tiên, ông đứng khấn dâng lời bạch Phật và Ông Bà. Ông mong gì nhất trong giây phút thiêng liêng đó? Ông chỉ mong các con đang đứng quanh ông, nghe được lời khấn và biết cúi đầu im lặng thưa chuyện với ông bà, để nghe nguồn mạch cha ông đang truyền bất tận trong huyết quản, để da diết lời hứa: Mình sẽ là người con, người cháu tốt hơn, vui hơn để Ông Bà vui, cha mẹ vui. Lau dọn bàn thờ cho sạch cũng như dọn lau tâm hồn mình cho sạch để ý thức sâu sắc rằng, ý nghĩ và sự sống của mỗi con cháu đang có là từ sự truyền trao nguồn mạch từ Tổ tiên… Ai không hiếu hạnh với Ông Bà cha mẹ thì khó là một người tốt.

HUỲNH THỤC NHÂN

.