Nhà vườn An Hiên

.

* Trên đường từ nội thành Huế lên chùa Thiên Mụ tôi thấy một cái cổng cổ kính có ghi hai chữ Hán. Hỏi, thì người ta bảo đây là phủ đệ An Hiên. Phủ đệ là gì và phủ đệ An Hiên có từ bao giờ? (Nguyễn Châu, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Cổng vào nhà vườn An Hiên, bên trên có hai chữ Hán 安軒.  Ảnh: V.T.L
Cổng vào nhà vườn An Hiên, bên trên có hai chữ Hán 安軒. Ảnh: V.T.L

- Theo Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế (thuathienhue.gov.vn), phủ đệ là dạng nhà vườn đặc thù ở Huế, chủ yếu kiến trúc được thiết kế theo dạng tổ hợp với mô hình chữ Khẩu. Chúng được phân bố từ trung tâm đến nhiều vùng phụ cận quanh Huế với các nếp nhà rường một gian hai chái hay ba gian và lớn hơn là năm gian hai chái, tọa lạc trong một khuôn viên rộng, được bao bọc bởi thành - rào, ẩn mình sau những vòm cổng cổ kính.

Phủ đệ An Hiên chính là nhà vườn An Hiên, tọa lạc tại số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, tả ngạn sông Hương - nơi lưu một phần văn hóa, lịch sử miền đất cố đô. Không chỉ là một nhà vườn cổ với không gian sinh thái mang đậm hương sắc bốn mùa, nhà vườn An Hiên đã chứng kiến bao nỗi thăng trầm với nhiều cung bậc cảm xúc của chủ nhân nhiều thế hệ danh gia vọng tộc trong thế kỷ qua.

Xưa kia, khi các hoàng tử kết hôn, vua sẽ ban phong sắc vị và an cư tại vương phủ. Các công chúa, khi lấy chồng (được xưng là Thích hoặc Hạ giá) sẽ lui về phủ đệ sinh sống. Nhà vườn An Hiên trở thành tư dinh của công chúa thứ 18 thời vua Dục Đức từ năm 1883. Nhà vườn được thiết kế mẫu mực theo lối kiến trúc ba gian hai chái đặc trưng. Sau này, An Hiên đã nhiều lần thay đổi chủ sở hữu, nhưng đều là các hoàng thân, quan lại và giới thượng lưu ở Huế.

Năm 1936, cụ Nguyễn Đình Chi, bấy giờ là Tuần phủ Hà Tĩnh, mua lại nhà vườn. 4 năm sau ông qua đời, giao lại cho người vợ quản lý cho đến khi bà qua đời năm 1997. Bà là chủ nhân lâu đời nhất, góp công phát triển nhà vườn thành nơi lui tới quen thuộc của nhiều tao nhân mặc khách, các học giả, trí thức đường thời.

Theo lời ông Nguyễn Đình Châu, cháu nội cụ Nguyễn Đình Chi, trên bước hoạn đồ rày đây mai đó, cụ đã làm phong phú thêm khu vườn bằng các loại kỳ hoa dị thảo mang về từ khắp các miền đất nước. Trong vườn có đại diện cây trái của cả 3 miền. Khi làm Tuần phủ Hà Tĩnh, cụ Chi được người cháu nội Nguyễn Du là ông Nghè Mai tặng cho một cây hồng đem về trồng trong vườn nhà, gọi là lưu chút hơi văn của đại thi hào nơi quê nhà Kim Long. Cây trái miền Nam có sầu riêng, măng cụt; xứ Bắc có vải thiều Hải Dương, cây lê (dân gian thường gọi là cây mắc coọc) Lạng Sơn trồng cho vui, có hoa mà không có trái. Hai bên cổng đi vào là hai cây bạch mai; gọi thế cho văn vẻ, chứ thực ra đó là cây mơ mang về từ chùa Hương, Hà Tây.

An Hiên là một trong những ngôi nhà rường đặc trưng xứ Huế. Ở gian chính dành cho việc thờ tự, trên bài vị, chân dung các thế hệ của dòng họ Nguyễn Đình là tấm biển vua Bảo Đại ban với 4 chữ Hán đại tự “Văn võ trung hiếu”, ghi nhận những đóng góp của chủ nhân ngôi nhà đối với quê hương, đất nước.
Vẻ đẹp thâm nghiêm, cổ kính của ngôi nhà cộng với khu vườn có một không hai ấy đã lọt vào “mắt xanh” của nhiều nhà đạo diễn trong Nam ngoài Bắc. Nhiều nhà làm phim đã chọn nơi này để quay ngoại cảnh cho các phim như “Anh Khóa”, “Mưa Huế”, “Song nữ”, “Ngọn nến hoàng cung” “Lục Vân Tiên”, “Hàn Mặc Tử”, “Dòng sông phẳng lặng”, “Áo lụa Hà Đông”,... Nói về nhà vườn nổi tiếng đất thần kinh này, một tờ báo Đức chạy nguyên một phóng sự ảnh, Đài Truyền hình NHK Nhật Bản giới thiệu một địa chỉ văn hóa du lịch.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.