Sớm khai thác lợi thế của hàng OCOP Đà Nẵng

.

Sau 3 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn thành phố đã có 64 sản phẩm được chứng nhận. Nếu nhìn vào số lượng sản phẩm, có thể thấy đây là con số khiêm tốn hơn các địa phương khác. Nhưng nếu nhìn tổng thể, đi vào từng tiêu chí, có thể thấy đây đều là các sản phẩm có tiềm năng với những lợi thế riêng, có đặc trưng riêng đúng như định hướng “không chạy theo thành tích về số lượng”.

Hàng OCOP đang có lợi thế “ba trong một” khi vừa là nơi sản xuất, vừa có thể quảng bá và có khách quốc tế tại chỗ. Ảnh: LÝ TRƯỜNG
Hàng OCOP đang có lợi thế “ba trong một” khi vừa là nơi sản xuất, vừa có thể quảng bá và có khách quốc tế tại chỗ. Ảnh: LÝ TRƯỜNG

Các sản phẩm mang tính chọn lựa rất cao như bánh khô mè bà Liễu, chả bò Đà Nẵng, nước mắm Nam Ô, chả cá Bắc Đẩu, kiệu hương Hòa Nhơn… Đây đều là những thương hiệu truyền thống, sớm định hình trên thị trường và bảo đảm các tiêu chí “giá trị cộng đồng, giá trị làng nghề truyền thống” mà đề án phát triển OCOP đưa ra.

Để có sự tự tin khi không chạy theo số lượng, thành phố có đặc thù và lợi thế mà những nơi khác không có được. So với các địa phương, thành phố không có nhiều vùng nguyên liệu rộng lớn, sản phẩm do đó cũng không phong phú do tỷ trọng kinh tế nông nghiệp không quá lớn trong cơ cấu kinh tế ngành. Nhưng bù lại, một lợi thế to lớn là thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn, lượng khách du lịch quốc tế và các sự kiện lớn liên tục diễn ra. Lượng du khách đông và ổn định, chính là lợi thế khác biệt để sản phẩm của thành phố có thể nâng tầm, hướng đến chiều sâu và xuất khẩu.

Sản phẩm OCOP vốn được xem là thương hiệu nhận diện địa phương, lại nhận được sự hỗ trợ để hoàn thiện chuẩn hóa sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Do vậy từ chợ Hàn cho đến những cửa hàng lưu niệm, hàng gắn sao OCOP là lựa chọn phù hợp, an tâm với các bà nội trợ.

Với du khách, đây là các món hàng thích hợp để làm quà lưu niệm bởi đó cũng là một phần hương vị của điểm đến. Sản phẩm vừa có vùng nguyên liệu, vừa có không gian quảng bá, giới thiệu lại vừa có thị trường quốc tế; hàng làm ra ngay tại chỗ và có thể đến tay khách nước ngoài, đây quả là điều lưỡng tiện với những chủ thể OCOP, vốn ở mức quy mô vừa phải. Lợi thế đầu ra, chi phí vốn và thương hiệu đã là những thế mạnh mà doanh nghiệp cần sớm khai thác để phát triển và nâng tầm chất lượng sản phẩm.
Để được công nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm phải trải qua quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm từ cấp quận, huyện đến cấp thành phố theo bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trong đó việc công nhận sản phẩm 3 sao đã được phân cấp về quận, huyện. Do vậy việc khảo sát, đánh giá nghiêm túc từ khâu lựa chọn ý tưởng, phát triển phương án và hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm sẽ sát với thực tế hơn.

Theo thống kê, đến thời điểm này có 21 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, 42 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia đánh giá cấp Trung ương. Có hơn 90% sản phẩm đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch và hơn 60% sản phẩm có ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VIETGAP, ISO, HACCP. Đặc biệt có trên 90% sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử và hầu hết đã có mặt trên các quầy hàng siêu thị, trung tâm thương mại. Như vậy những sản phẩm được chứng nhận OCOP không chỉ được hỗ trợ để đạt tiêu chí an toàn mà còn được hỗ trợ để bắt kịp xu thế thương mại.

Có thể thấy chương trình OCOP không chỉ hướng đến việc hỗ trợ các đối tượng sản xuất quy mô nhỏ khai thác tiềm năng, lợi thế để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn làm thay đổi nhận thức trong tư duy kinh tế của vùng nông nghiệp - nông thôn. Chương trình không chỉ tạo điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp mà qua việc khai thác lợi thế của từng địa phương trong tương lai còn hứa hẹn có thể tác động ngược đến nền kinh tế phi nông nghiệp trên địa bàn.

Sau khi có bước chạy đà, trong giai đoạn từ nay đến 2025, thành phố đặt mục tiêu có 135 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Đồng thời để 56/56 phường, xã đều có sản phẩm được công nhận cần có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm để khơi dậy được sức mạnh của cộng đồng, nguồn lực của chủ thể.

Để đạt được mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông thành phố cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào 7 nhóm giải pháp. Trong đó việc tập trung tổ chức sản xuất, phát triển theo nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế ở mỗi địa phương... Ngoài ra, việc chuẩn hóa sản phẩm theo hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực, sản phẩm truyền thống, ưu tiên phát triển sản phẩm các làng nghề, làng nghề truyền thống… Đồng thời tổ chức quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, thực hiện cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Hướng tới sản phẩm thân thiện với môi trường. Các giải pháp về chuyển đổi số, hoạt động xúc tiến thương mại và các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các chủ thể OCOP để từng bước nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường cũng được tính tới. 

Trong tương lai, với thế mạnh về du lịch và kinh tế số, những chủ thể OCOP, làng nghề có quyền mơ về một tour, tuyến đưa khách tham quan, trải nghiệm sản phẩm làng nghề truyền thống và các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ có chất lượng nổi trội.

LÝ TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.