Nhạt màu bánh quê

.

Sự phát triển ồ ạt của các thương hiệu đồ ăn nhanh và những món quà vặt lạ miệng khiến các loại bánh dân gian dần bị “lép vế”. Trẻ con bây giờ chẳng còn ngóng đợi mẹ đi chợ về với cái bánh ít còn nóng hổi trong giỏ hay ồ lên sung sướng với cây bỏng gậy.

Bánh quê đôi khi chỉ còn trong ký ức của nhiều người thành phố. Ảnh: T.L
Bánh quê đôi khi chỉ còn trong ký ức của nhiều người thành phố. Ảnh: T.L

Sáng thứ Bảy chợ đông đúc như mọi khi. Ai cũng tranh thủ đi sớm để chọn được con cá, miếng thịt, bó rau tươi nhất để tẩm bổ cho gia đình sau một tuần làm việc vất vả. Tiếng còi xe inh ỏi người sau bấm hối thúc người trước, tiếng gọi nhau trả giá í ới, hỗn độn, mà vui. Tôi thong dong đi từ đầu đến cuối chợ, giữa ê hề thịt, cá, lại chẳng biết mua gì, nghĩ tới món nào cũng thấy ngán. Bất chợt thấy một sạp hàng “ế nhễ” giữa khung cảnh chợ đông đúc, chị bán hàng ngồi nép mình vào bên trong, dáng vẻ nhẫn nhịn, khác hẳn những hàng kế bên vẫn “mồm năm miệng mười”.

Thương thương dáng vẻ của chị, tôi ghé lại hỏi thăm. Sạp hàng nhỏ xíu, bày trên tấm bạt trải dưới nền đất những món bánh quê: bánh nổ, bánh thuẩn sấy khô, bỏng gậy, bánh khô mè… Thấy có người tiến đến hàng mình, chị dè dặt mời: “Mua bánh đi em”, rồi thôi. Những món bánh mộc mạc, quê kiểng gợi lên cả bầu trời ký ức.

Tôi nhớ hồi bà nội tôi còn sống, mỗi khi ngoài này phải mặc áo lạnh là trong quê bắt đầu làm những mẻ bánh khô mè. Bà tôi bảo, đó là một loại bánh chế biến công phu, mất nhiều thời gian. Bà phải chọn gạo nếp ngon, đem vo và đãi thật sạch. Sau đó để ráo nước, rồi cho vào chảo rang lên thật khô. Mè cũng rửa sạch, rang vàng để dậy lên mùi thơm. Gừng giã nhỏ vắt lấy nước cốt. Bà đem gạo rang khô đi xay thành bột mịn đều với nước đường và gừng, sau đó cho hỗn hợp bột vào nồi hấp chín.

Bánh được nướng qua hai lần lửa. Lần thứ nhất, lửa than có độ nóng lớn, nướng khoảng 10 phút, phải trở bánh thường xuyên để khô đều hai mặt. Những mẻ bánh đầu tiên bao giờ cũng được bà gửi theo xe đò từ Quế Sơn ra thành phố cho chị em tôi. Tôi nhớ hồi đó, ngày Tết theo chân ba má về quê, đến nhà nào cũng mời khách những chiếc bánh khô mè, vị ngọt thanh, giòn tan và hương thơm của nếp, của gừng từ món quà của đất quê, nhấp một ngụm trà lắng nghe mùa xuân về trên sân vườn, đường làng rực nắng...

Trong thời buổi ngày nay, khi kinh tế phát triển, ẩm thực lại đa dạng, phong phú với vô vàn món ăn để chúng ta có thể thay đổi ngày này qua ngày khác. Có nhiều món ngày bé ta hay ăn nhưng giờ đang dần bị lãng quên. Bằng chứng hơn 10 phút đứng chọn lựa, tôi vẫn là vị khách duy nhất của hàng chị dù mọi người vẫn đang chen chúc, xô lấn bước qua nhau. Chị bán hàng thở dài kể, làm mấy thứ bánh này cực lắm, lấy công làm lời mà giờ người ta ít ăn, họ mua về thắp hương cho ông bà là chủ yếu.

Tụi trẻ con hầu như không ăn, hoặc không biết tới để ăn, ba mẹ chúng đâu có mua về. Riết rồi chỉ có mấy người lớn tuổi, hay nhớ chuyện xưa thì mới mua bịch bánh về nhấm nháp với trà. Nói rồi chị cười tươi bảo: Chẳng biết người ta sao chứ chị ăn mấy thứ bánh ni hoài không chán á em. Giờ biểu ăn mấy loại bánh xanh xanh đỏ đỏ trong tiệm tạp hóa là chị ăn không được. Hay tại bánh mình làm ra nên mình thích ta? Chị nói phải, cả như tôi đây, có bao giờ mua những thức bánh này về cho con mình? Trong khi đó là những loại bánh quê gắn với cả tuổi thơ nghèo khó.

Tôi còn nhớ cảm giác thèm thuồng mỗi khi được cầm trên tay cây bỏng gậy. Cứ càng ăn càng khát nước vậy mà ăn lấy ăn để. Điều khiến lũ trẻ con chúng tôi háo hức hơn cả là tiếng nổ bỏng. Chỉ với mấy bát gạo, đỗ trộn lẫn vào nhau, hớn hở mang đến nơi nổ bỏng. Thế rồi cái khoảnh khắc đổ gạo vào máy, trong tích tắc đã có ngay những cây gậy bỏng còn nóng hổi được ra lò, đứng xem thôi mà sao thấy kỳ diệu thế. Rồi mang bỏng về nhà, buộc lại thật kỹ, mỗi lần chỉ lấy vài ba cây ra nhấm nháp. Thứ đồ ăn giản dị mang gói trọn trong đó tuổi thơ bao người.

Khi đủ đầy quá người ta lại quên quãng thời gian khốn khó trước kia. Những món ăn từng là “thần thánh” rồi cũng thành ký ức. Những người phụ nữ quê khéo tay, cần mẫn với các món bánh truyền thống lại khó khăn khi phải bon chen giữa chợ người. Tụi trẻ con lớn lên rồi có biết đến các món bánh truyền thống của dân tộc hay không, nếu cha mẹ, ông bà chúng không phải là người đưa những thức quà ấy về nhà?

THẠCH LAM

;
;
.
.
.
.
.