Tạo thói quen cho trẻ từ gia đình đến cộng đồng

.

Trẻ nhỏ được ví như một tờ giấy trắng, mỗi điều các con nghe thấy, nhìn thấy, cảm nhận được ở xung quanh chính là những nét vẽ đầu tiên về nhân cách trên tờ giấy trắng đó. Việc hình thành thói quen, ý thức cộng đồng cho trẻ nhỏ được gây dựng từ những việc làm bình thường hằng ngày và cần có sự đồng hành, định hướng, giáo dục làm gương của người lớn mà gần gũi nhất chính là các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình. Thực hành bền bỉ một việc tốt sẽ giúp hình thành thói quen tốt và nhân cách cho các con.

Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành thói quen tốt cho trẻ.  Trong ảnh: Trẻ vui chơi tại công viên Biển Đông. Ảnh minh họa: N.H
Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành thói quen tốt cho trẻ. Trong ảnh: Trẻ vui chơi tại công viên Biển Đông. Ảnh minh họa: N.H

Giúp trẻ hình thành những thói quen tốt

Tuy mới 5 tuổi nhưng bé Cô-ca (tên gọi ở nhà) con của chị Trương Thanh Nga (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) được đánh giá là khá chững chạc so với bạn bè cùng trang lứa. Bé có thể tự mang ba lô, tự xách đồ của mình trong mỗi chuyến đi chơi xa. Đến bữa ăn bé có thể tự xếp hàng để lấy đồ ăn nếu là tiệc buffet (tiệc tự chọn), uống sữa xong nếu không tìm thấy thùng rác bé bỏ vào ba lô, túi của mình mang về hoặc đưa cho mẹ chứ không bỏ tạm ở đâu đó…

Mẹ bé, chị Nga cho biết, để tạo cho con thói quen gọn gàng hay những nguyên tắc cần thiết khi đi ra nơi công cộng là một quá trình khá gian nan. Vì trẻ con thường ham chơi, chơi xong không có thói quen dọn dẹp, lúc này mình không thể nói bé dọn đồ là bé sẽ nghe lời mẹ dọn ngay, mà mình phải vừa dọn dẹp cùng con vừa giải thích cho con hiểu để con chơi xong phải thu xếp gọn gàng. “Phải mất rất nhiều lần dọn đồ chơi cùng con để con hiểu được việc dọn dẹp cần thiết như thế nào; từ đó “nới rộng” ra các thói quen khác như lấy đồ đạc ở đâu chơi xong, dùng xong thì cất vào đó. Nếu con làm tốt thì khen ngợi động viên, nếu lần nào con quên thì phải nhắc nhở… Đến bây giờ đi học về con biết xếp cặp vào đúng chỗ quy định, cất quần, áo vào các ngăn riêng biệt, đồ chơi được sắp xếp vào giỏ mỗi khi chơi xong hay khi đi ra ngoài thì phải xả rác đúng nơi quy định… Tuy cũng có lúc bé quên, làm sai nhưng điều quan trọng là mình luôn phải theo dõi, nhắc nhở con khi cần thiết”, chị Nga chia sẻ.

Cũng quan tâm đến việc hình thành lối sống, thói quen tốt cho con trẻ, mỗi cuối tuần, gia đình anh Đặng Thanh Hùng (trú tổ 75, phường Nại Hiên Đông) thường chở con đến những chỗ công cộng như quán cà phê hay công viên để con vui chơi. Cậu con trai 6 tuổi của vợ chồng anh rất hiếu động, khi ra chỗ đông người rất dễ kết thân với các bạn, nhưng vì hiếu động và ham chơi nên con có thói quen hay giành đồ chơi với các bạn. Khi các con có mâu thuẫn, anh đều để các con tự giải quyết; khi con không giải quyết được, anh sẽ lắng nghe con chia sẻ, bày tỏ lý do, sau đó phân tích cho con hiểu vấn đề. Nếu con là người mắc lỗi, con nên chủ động xin lỗi bạn, nếu bạn mắc lỗi, bạn sẽ xin lỗi hoặc con có thể bỏ qua cho bạn…

Anh Hùng cho biết: “Khi tụi nhỏ ra ngoài và chơi với nhau sẽ có nhiều tình huống xảy ra nhưng mình phải để cho con tự vận động trong tầm kiểm soát, nếu con cần, mình sẽ hỗ trợ nhưng chủ yếu là tư vấn, hướng dẫn để con tự rút ra những bài học cụ thể trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cha mẹ, họ như tấm gương phản chiếu của con, con sẽ học được rất nhiều thói quen tốt từ chính họ. Nếu cha mẹ làm sai và sẵn sàng nhận lỗi cho cái sai của mình, con sẽ thấy rằng việc nhận lỗi không có gì là xấu, nhận lỗi sẽ giúp mình sửa chữa cho tốt hơn…”.

Kiên nhẫn đồng hành cùng con

Ngoài việc dạy học kiến thức trên trường, cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ còn rất quan tâm đến vấn đề kỹ năng sống cho các con trẻ. Cô Thùy Loan cho rằng, yếu tố quan trọng nhất giúp trẻ có được những thói quen tốt đó là giáo dục. Trẻ cần được giáo dục từ cả gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó giáo dục từ gia đình giữ vai trò rất quan trọng. Cô Loan phân tích, thói quen tốt dù là nhỏ nhất cũng đều gắn liền với việc hình thành nhân cách tốt của một người. Bởi vậy, đó là quá trình rèn luyện lâu dài và bền bỉ chứ không phải câu chuyện ngày một ngày hai các con có được. Quá trình hình thành một thói quen tốt đôi khi lại bị tác động bởi các yếu tố xung quanh như bị ảnh hưởng bởi những thói quen xấu từ người khác và các con lại lựa chọn cái xấu thay cho cái tốt đẹp vì cái tốt đẹp thì luôn phải rèn luyện vất vả hơn. 

Do đó, điều quan trọng nhất là phụ huynh cần kiên nhẫn đồng hành cùng con trong quá trình rèn luyện và trưởng thành. Ghi nhận sự tiến bộ của con qua từng phần, từng giai đoạn để khuyến khích con, cho con thấy được những giá trị lớn, những giá trị đáng trân trọng và có ảnh hưởng tốt đến cuộc đời của các con từ những thói quen tốt. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể phối hợp với nhà trường bằng cách trao đổi, chia sẻ để có thêm những kinh nghiệm bổ ích, phối hợp định hướng, thống nhất trong phương pháp giáo dục để tạo ra sự giáo dục đồng bộ - cơ hội để các con rèn luyện mọi lúc, mọi nơi.

Thực tế, ngay cả bản thân chị Nga, anh Hùng và nhiều phụ huynh khác cũng thừa nhận rằng, việc rèn luyện những thói quen tốt cho con không hề dễ dàng. Trẻ đang bắt đầu tiếp xúc, học từ nhiều phía trong cuộc sống nên nhiều trẻ thể hiện cá tính, cái tôi rất cao, nhiều trẻ còn bướng bỉnh, không chịu nghe lời khiến cha mẹ không kiềm chế được, cáu gắt.

Theo cô Phạm Thị Thùy Loan, thường thì phụ huynh sẽ chỉ cảm thấy khó chịu, bực bội khi sự kiên nhẫn đến giới hạn trong một tâm trạng lo lắng cho tương lai của con. Cha mẹ nào cũng thương con và mong muốn con có những thói quen tốt để có một cuộc đời tốt. Việc cha mẹ nóng giận khi con chưa đạt được giới hạn của sự rèn luyện mà cha mẹ nhận thấy dễ xảy ra. Tuy nhiên, cô Loan nhấn mạnh, giáo dục vẫn là điều quan trọng nhất trong việc hình thành thói quen, nhân cách của trẻ mà giáo dục gia đình đóng vai trò quyết định.

Dù trong hoàn cảnh nào, cha mẹ cũng cần nhớ và đọc các câu “thần chú” như “bình tĩnh”, “kiên trì”, “bình tĩnh hơn”, “kiên trì hơn” … để đồng hành cùng con trên chặng đường rèn luyện nhân cách lâu dài. “Đôi khi, chúng ta cần tỉnh táo chấp nhận sự khác biệt của con cái mình so với “con nhà người ta”. Mỗi đứa trẻ sẽ có những thế mạnh riêng, có những giá trị riêng. Không có đứa trẻ nào là tuyệt đối hoàn hảo vì mỗi đứa trẻ đều hoàn hảo theo cách riêng của chúng. Trong những tình huống con chưa nghe lời, cha mẹ hãy tìm hiểu vì sao con chưa nghe lời. Tìm hiểu từ xung quanh, từ yêu thương của chính mình và tìm hiểu từ việc tâm sự với con. Từ đó, cha mẹ điều chỉnh sao cho phương pháp giáo dục phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đặc điểm giới tính của con mình ở mỗi một giai đoạn khác nhau thì việc rèn luyện của con sẽ hiệu quả”, cô Thùy Loan gợi mở.

Đồng hành cùng con là hành trình dài và đầy gian nan vì hạnh phúc của chính các con trong trương lai. Giáo dục đúng phương pháp, kiên trì và bằng tình yêu thương của cha mẹ sẽ cho các con cách nhìn đúng, cách nghĩ đúng, cách hành động đúng để mỗi ngày các con học tập và rèn luyện với những hành động tốt, thói quen tốt để mai này các con sẽ có một cuộc sống tươi đẹp hơn.

NHẬT HẠ


 

;
;
.
.
.
.
.