Sức hút thị trường lao động Nhật Bản

.

Thị trường lao động Nhật Bản đang khẳng định sức hút đối với lao động trẻ, trong đó có sinh viên Đà Nẵng. Điều này thể hiện ngay từ những định hướng của họ trên ghế nhà trường.

Sinh viên ngành Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng chờ phỏng vấn đi thực tập sinh ở Nhật Bản.(Ảnh Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng cung cấp)
Sinh viên ngành Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng chờ phỏng vấn đi thực tập sinh ở Nhật Bản.(Ảnh Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng cung cấp)

Lê Thị Ly Na (sinh viên năm thứ nhất - khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng) cho biết hiện đang theo học lớp tiếng Nhật tại trường để chuẩn bị tốt cho ước mơ tìm được công việc tốt tại đất nước mặt trời mọc, trong tương lai gần.

“Tôi thích nước Nhật, văn hóa Nhật qua những truyện đọc được từ ngày bé và rất muốn được trực tiếp trải nghiệm nền văn hóa độc đáo đó. Lớn lên, qua nhiều kênh tìm hiểu được, nước Nhật tiếp tục hấp dẫn tôi bởi nhiều lý do, đặc biệt tôi rất nể phục phong cách làm việc chuyên nghiệp của họ. Vì vậy, tôi rất muốn sang Nhật để học hỏi, trưởng thành”, Ly Na phấn khích thổ lộ.

Phan Thị Thu Thảo (sinh năm 1997, vừa tốt nghiệp ngành Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng) cho biết đã sẵn sàng để sang Nhật với hợp đồng làm việc 3 năm (vừa học vừa làm), trong tháng 6 tới.

Để chuẩn bị cho chuyến đi này, 3 năm theo học tại trường, Thu Thảo đã không ngừng nỗ lực trong học tập chuyên môn điều dưỡng, vừa học tiếng Nhật (ít nhất đạt trình độ N4). Môi trường sống, nơi làm việc, công việc cụ thể, mức lương, điều kiện gia hạn hợp đồng, Thu Thảo đã được phía đối tác từ Nhật của trường trao đổi cụ thể. Vì vậy, hiện tại Thu Thảo rất vững lòng và phấn chấn chờ ngày đi làm.

Xuất phát từ nhu cầu của xã hội, Trường Đại học Đông Á, Trường Cao đẳng Phương Đông, Đại học Duy Tân và một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn hiện rất chú trọng các chương trình hợp tác, kết nối tìm việc làm cho sinh viên từ trong nước lẫn nước ngoài, đặc biệt là thị trường giàu tiềm năng như Nhật Bản.

Ông Lương Minh Sâm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng cho biết, vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên là câu chuyện luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm. Ngoài doanh nghiệp trong nước, các đối tác nước ngoài nhà trường liên kết trong đào tạo và tìm đầu ra cho sinh viên những năm gần đây chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Singapore, Đức và Đài Loan. Trong đó, Nhật Bản chiếm đa số.

Theo khảo sát của nhà trường, nhu cầu sang Nhật của sinh viên ước tính từ 3.000 – 4.000 người/năm. Riêng năm nay, nhà trường giải quyết được gần 400 sinh viên. Năm học 2019 - 2020, Trường Đại học Đông Á dự kiến sẽ đưa 600 - 700 sinh viên sang Nhật thực tập, làm việc và từ năm 2021, nhà trường đặt mục tiêu ít nhất đưa 1.000 sinh viên sang Nhật/năm. Cơ hội làm việc tại Nhật, theo ông Lương Minh Sâm mở ra cho sinh viên rất nhiều ngành, từ điều dưỡng, khách sạn, nhà hàng đến công nghệ thông tin, điện điện tử, kỹ thuật ô-tô, kinh tế, dược, giáo dục mầm non...

Tuy nhiên, đối với Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng, do đặc thù đào tạo, các chương trình đưa sinh viên sang Nhật thực tập/làm việc chủ yếu đến từ ngành điều dưỡng. Bà Trần Thị Phong, Trưởng khoa Hợp tác quốc tế và Đối ngoại của trường cho biết, từ những năm 2012, 2013, Trường Cao đẳng Phương Đông có những bước đi đầu tiên trong việc liên kết, tìm đối tác nước ngoài. Nhưng mãi đến tháng 3-2016, nhà trường mới có 3 sinh viên đầu tiên ra nước ngoài làm thực tập sinh và điểm đến của 3 sinh viên ấy là nước Nhật.

Tháng 12-2018, 20 sinh viên ngành Điều dưỡng tiếp theo của Trường Cao đẳng Phương Đông cũng được đưa sang Nhật học tập, làm việc. Đồng thời, hiện có 45 sinh viên của trường có nguyện vọng đang được đào tạo, bồi dưỡng để cung cấp cho thị trường lao động Nhật Bản.

Theo bà Phong, để có những lứa sinh viên sang Nhật như thế là cả quá trình chuẩn bị trước đó của các em, nhà trường và cả đối tác trong các khâu đào tạo chuyên môn, huấn luyện kỹ năng, ngôn ngữ. Thông thường, sinh viên phải học xong chương trình học 3 năm, sau tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng đi Nhật, các em sẽ trải qua 1 năm học tiếng, thi đạt trình độ N4 mới đủ điều kiện sang Nhật. Và ở Nhật, năm đầu tiên, các em sẽ tiếp tục học tiếng (để giao tiếp thành thục với người bản địa), học chuyên môn từ đối tác Nhật, nếu đạt, năm sau nữa mới được tuyển dụng làm việc chính thức.

Hấp dẫn và thách thức   

Theo ông Lương Minh Sâm, sức hút của thị trường lao động Nhật Bản đối với lao động trẻ, sinh viên, trước hết có lẽ từ mức lương các doanh nghiệp Nhật chi trả cho lao động trẻ khá cao (ngay sinh viên vừa học vừa làm năm đầu sang Nhật cũng đã được chi trả trung bình 1.500USD/tháng, tương đương trên 30 triệu đồng/tháng). Thứ hai, các doanh nghiệp Nhật có những chính sách hỗ trợ trong đào tạo chuyên môn, chi phí đi lại, ăn ở khá hấp dẫn. Thứ ba, điều quan trọng là thị trường làm việc Nhật không xa lạ, không còn “mạo hiểm” với sinh viên Việt bởi họ đã lấy được niềm tin từ những câu chuyện trải nghiệm thực tế của nhiều lao động đi trước.

Trường Đại học Đông Á có những sinh viên sang Nhật đầu tiên từ năm 2017. Tất nhiên, trước đó cả 3 năm là cả quá trình nhà trường cùng sinh viên chuẩn bị từ kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, đến tư tưởng...

Theo ông Lương Minh Sâm, rào cản lớn nhất hiện nay đối với những sinh viên có nguyện vọng sang Nhật làm việc vẫn là ngôn ngữ. Việc học tiếng Nhật không hề dễ dàng. Thứ hai là rào cản văn hóa, lối sống, dẫn đến có số ít sinh viên ao ước sang Nhật, nhưng khi sang được rồi lại không thể thích nghi, phải trở về. Vì vậy, ông Sâm cho rằng, việc định hướng, quyết tâm, hiểu nước Nhật, hiểu mình muốn gì là rất quan trọng đối với những sinh viên muốn sang Nhật hay nước ngoài làm việc nói chung.

Đồng quan điểm, cô Trần Thị Phong cho rằng, điều tâm đắc nhất của người làm “cầu nối” sinh viên ra nước ngoài làm việc, trong đó có nước Nhật, chính là sự trưởng thành về nhiều mặt của các em. Tuy nhiên, đối với những sinh viên ý thức kỷ luật kém, thất bại là điều đương nhiên. Một số trường hợp khác, ngay từ những ngày đầu đặt chân đến nước bạn, do áp lực kiếm tiền tự trong các em quá lớn hoặc sự thúc ép từ phía gia đình khiến các em không chuyên tâm học tập mà chỉ lao vào kiếm tiền thì cũng rất dễ “giữa đường đứt gánh”.  

Trong khi đó, đối với những cơ sở đào tạo, việc sàng lọc, tìm đối tác uy tín, phúc lợi xã hội cao, mức lương tốt để “gửi gắm” sinh viên ra nước ngoài luôn là thách thức, đòi hỏi cái “tầm”, cái “tâm” của những người kết nối.

Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, trong 3 năm 2016, 2017, 2018, lao động tại Nhật Bản luôn chiếm ưu thế trong tổng số lao động thành phố đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (lao động xuất khẩu). Cụ thể năm 2016, lao động Nhật Bản chiếm 188/225 lao động xuất khẩu, năm 2017 là 236/250 và năm 2018 là 286/305.

Thanh Tân
 

;
;
.
.
.
.
.