Đà Nẵng cuối tuần

Giới thiệu sách

"Chúng tôi muốn làm đàn bà"

06:59, 15/03/2015 (GMT+7)

Đó là chủ đề xuyên suốt của cuốn tự truyện Chuyển giới của Trần Minh Ngọc do Nguyễn Ngọc Thạch chấp bút. “Làm đàn bà. Ba tiếng ấy thật đơn giản nếu sinh ra cơ thể bạn là giống cái.

Chỉ cần chờ đợi, đến một lúc nào đó, nghiễm nhiên bạn trở thành đàn bà trong mắt nhiều người, dù có thật sự hay không, chỉ mỗi mình bạn biết. Nhưng ba tiếng ấy lại là cả một quá trình gian nan với những người sinh ra là giống đực, như tôi, như Dung, như Thanh Xà, Thùy Dương…”, Trần Minh Ngọc trần thuật.

Gấp cuốn sách lại sau khi đọc hết những chữ cuối cùng, cảm giác buồn mênh mang dâng lên trong tôi về cuộc hành trình trở thành đàn bà của những người sinh ra với cơ thể đàn ông nhưng lại mang trong mình một khát khao cháy bỏng là được trở thành đàn bà. Mà câu nói của Chi Dung trước khi trải qua một ca phẫu thuật chuyển giới cứ ám ảnh tôi rằng, “dù chết em cũng muốn là người đàn bà”.

Trước đây, khi chưa đọc Chuyển giới, tôi vẫn thường băn khoăn về những người chuyển giới, đặc biệt, ca sĩ L.C.K và tự hỏi tại sao một ca sĩ đẹp trai hát hay như vậy còn không muốn, sao lại thích chuyển giới lố lăng, bệnh hoạn. Ba, mẹ sinh ra chúng ta như thế nào thì chúng ta nên biết ơn công nuôi dưỡng sinh thành và tôn trọng điều đó. Hay thượng đế sinh ra thế nào thì cứ để như thế ấy. Nhưng sau khi đọc Chuyển giới, tôi mới hiểu và thông cảm được những nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần mà họ phải vượt qua để được sống đúng với chính bản thân mình. “Miệt thị, hoảng sợ, coi thường hay thậm chí lên án, chỉ trích hành hạ… chúng tôi đều đã từng trải qua. Ngay cả chính gia đình, nơi những tưởng người ta có thể tìm về khi cần che chở, cũng đẩy đứa con trai mình ra xa nếu như nghe nó thổ lộ “con muốn làm đàn bà” (trích Chuyển giới).

Cơ thể hình hài là một người đàn ông nhưng tâm hồn lại là một người đàn bà. Đó là sự dằn vặt và chịu đựng sự khinh rẻ, miệt thị không chỉ của xã hội mà ngay cả chính trong cộng đồng đồng tính và đau đớn hơn là ngay cả trong gia đình họ. Trước những miệt thị và chỉ trích của xã hội, họ vẫn vượt lên chính mình và mưu sinh bằng những công việc vất vả, tận cùng của xã hội như hát đám ma, đám cưới, làm trò vui cho người đời… Dù khó khăn nhưng họ vẫn cố gắng tằn tiện dành dụm tiết kiệm để một ngày được qua Thái Lan giải phẫu để được trở thành đàn bà, dù biết trước có thể nguy hiểm đến tính mạng.

“Dung nằm trên bàn phẫu thuật rỉ sét, tấm trải trắng phủ trên nửa phần người dưới của nó loang máu. Thấy tôi vừa bước vào, Dung có nghiêng người qua, nhưng lập tức nhăn mặt, chắc vì cơn đau đớn bên dưới. Tôi chạy đến, nửa đứng nửa quỳ nắm chặt tay Dung. “Ngọc ơi… nếu có gì, Ngọc… cho em về với mẹ nha” (trích Chuyển giới). Và nước mắt tôi trào ra khi đọc lời thoại cuối cùng của Dung với Ngọc trước lúc Dung lìa xa cõi đời này: “Ngọc… Ngọc thấy em đẹp không Ngọc?”. “Đẹp, em đẹp lắm, lúc nào em cũng đẹp mà”. “Vậy… Ngọc thấy em có phải đàn bà không Ngọc?”. “Em là đàn bà mà Dung, trước giờ vẫn luôn là đàn bà…”. “Em vui lắm Ngọc…”.  

Với sự chấp bút của Nguyễn Ngọc Thạch nhưng tôn trọng sự thật và viết một phong cách chân phương, tức là trần thuật theo trình tự thời gian từ khi Ngọc còn nhỏ đến khi trưởng thành đã giúp người đọc hiểu về cuộc sống của những người chuyển giới một cách chân thực nhất. Nguyễn Ngọc Thạch bộc bạch: “Tôi chọn cách chân phương nhất để kể lại cuộc đời một con người vốn dĩ đã có rất nhiều điều đặc biệt… Chân phương theo sự thật, chúng tôi thống nhất tôn trọng đến giới hạn cuối cùng của sự thật cho phép. Có vài nhân vật không tiện nêu tên, có vài nhân vật đã được đổi tên, cũng có vài nhân vật nếu dùng mạng Internet bạn có thể xem thông tin về họ. Nhưng trên tổng thể, tất cả các tình tiết đều là sự thật! Và chân phương theo tình người…”.

Nói đến người chuyển giới, chắc hẳn rất rất nhiều người đều cùng chung thắc mắc, họ đã làm điều đó như thế nào và sau đó, cuộc đời của họ, nhất là chuyện yêu đương có còn trọn vẹn cảm xúc? Đọc Chuyển giới, bạn sẽ hiểu rõ hơn về điều đó.

ĐOÀN LƯƠNG

.