.

Khởi sắc mỹ thuật Đà Nẵng

.
Từ ngày 20-4 đến 10-5-2011, tại thành phố Đà Nẵng, sẽ trưng bày giới thiệu 175 tác phẩm được chọn từ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010 (diễn ra tại Hà Nội tháng 12-2010). Lần đầu tiên giới mỹ thuật và công chúng yêu mỹ thuật Đà Nẵng sẽ được trực tiếp chiêm ngưỡng các tác phẩm của một triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Nhân sự kiện này, họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Quốc Bảo (Hà Nội) đã có bài viết gửi tới ĐNCT.

Mô tả ảnh.
Tranh sơn mài của Tường Vinh.
 
“Thế” và “lực” của mỹ thuật Đà Nẵng

Kể từ khi thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn, trực thuộc Trung ương, tốc độ hội nhập - phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thay đổi theo từng năm tháng. Quy hoạch đô thị đã được mở rộng theo các tuyến đường vành đai, chiếm lĩnh không gian rộng lớn hướng ra biển từ bán đảo Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn. Tốc độ xây dựng các cơ quan, công sở, khu công nghiệp, chung cư, khách sạn, nhà hàng cao cấp, nhà dân tăng khá mạnh. Nhu cầu treo tranh, đặt tượng làm trang trí nội, ngoại thất không chỉ các cơ quan, công sở, nhà hàng, khách sạn mà cũng là nhu cầu không thể thiếu của không ít nhà dân… đã thực sự thức dậy tiềm năng sáng tạo mỹ thuật và nâng cao đời sống dân trí về mỹ thuật.

Mô tả ảnh.
Tranh lụa của Nguyễn Trọng Dũng.
Đà Nẵng đã sớm trở thành một thương cảng lớn giao thương quốc tế hội đủ tư cách xây dựng đô thị công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hơn thế, còn là một mảnh đất đậm đặc những tinh hoa. Trong và lân cận nội thành là một công trình kiến trúc đầu thế kỷ 20, Bảo tàng điêu khắc Chăm và Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, bao quanh là những tinh hoa mỹ thuật truyền thống thuộc di sản văn hóa thế giới như Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn - Thánh địa của nghệ thuật Chăm - đã thực sự làm phong phú mỹ thuật truyền thống dân tộc. Mỹ thuật cung đình Huế, lăng tẩm của triều Nguyễn được coi như những bảo tàng sống động nhất của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí, phong phú về thể loại, kỹ thuật, chất liệu… còn hiện diện đầy đủ cho đến hôm nay.

Tất cả, tất cả những nét tinh hoa độc đáo, đặc sắc của mỹ thuật truyền thống đó được coi như “miền đất hứa” của các họa sĩ, nhà điêu khắc Đà Nẵng. Ít hay nhiều, ẩn hay hiện đều hiện diện trong các tác phẩm của các thế hệ tác giả. Tiêu biểu là các tác phẩm được nhiều giải thưởng như Vũ Dương, Hoàng Đặng, Phạm Hồng, Duy Ninh, Tường Vinh, Nguyễn Trọng Dũng, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Thị Dư Dư, Mai Thị Kim Cúc, Tôn Nữ Tâm Hảo, Hồ Đinh Nam Kha, Thân Trọng Dũng, Trần Nhơn, Phạm Ngọc Minh, Từ Duy, Đinh Gia Thắng, Mai Ngọc Chính, Lê Huy Hạnh, Trần Hữu Hóa, Lê Công Dũng, Nguyễn Quang… Các tác phẩm của các thế hệ tác giả theo năm tháng đã và đang được định hình định vị một phong cách nghệ thuật hiện thực tâm trạng vừa truyền thống, vừa hiện đại theo kênh tạo hình của chủ nghĩa hiện đại theo cảm quan của từng thế hệ đậm bản sắc thái riêng - Đà Nẵng.

Cả nước mới có 4 địa phương thành lập Hội Mỹ thuật: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng. Còn lại ở cấp các Chi hội Hội Mỹ thuật Việt Nam của từng địa phương. Hội Mỹ thuật Đà Nẵng đã tập hợp, kết nạp được 53 hội viên, những người con của nhiều vùng miền trong cả nước lập nghiệp, thành danh họa sĩ, nhà điêu khắc trên quê hương Đà Nẵng.

Đặc biệt, trong đó có 23 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Một vốn quý, hầu như các tác giả - hội viên đều được đào tạo có hệ thống ở 3 trung tâm mỹ thuật lớn: Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Huế và
thành phố Hồ Chí Minh. Bốn phương hợp lại cùng nhau xây nền mỹ thuật Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Tượng (đá Non Nước) của Lê Công Thành.
 
Tầm nhìn mỹ thuật Đà Nẵng

Triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Đà Nẵng là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại, tìm cho được những ẩn số về quan niệm - tầm nhìn mỹ thuật Đà Nẵng.

Đội ngũ tác giả phải biết làm mới nghệ thuật của mình, tự vượt chính mình trên con đường vạn dặm chiếm lĩnh cái đẹp đích thực. Quả thật, tự vượt chính mình trong sáng tạo nghệ thuật là cực khó. Nhưng khó mấy thì cũng phải vượt sao cho đúng tầm tác giả của một đô thị lớn Đà Nẵng đang hội nhập và phát triển.

Thành ủy, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã và đang là “mạnh thường quân mỹ thuật”, đủ sức, đủ tầm đưa mỹ thuật Đà Nẵng lên một tầm cao tương xứng với một đô thị lớn thứ ba trong cả nước, đưa giới mỹ thuật và làng nghề đá nổi tiếng thực sự nhập cuộc với sự nghiệp đổi mới và phát triển của thành phố, tìm cho được ẩn số về quan niệm tầm nhìn mỹ thuật Đà Nẵng.

Ví như quy hoạch đô thị Đà Nẵng được đánh giá cao. Song, bộ mặt đô thị  chưa tạo được bản sắc tạo hình - thẩm mỹ riêng. Lịch sử mỹ thuật và kiến trúc thế giới và Việt Nam đã khẳng định một đô thị đẹp phải biết sử dụng đồng bộ nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Không nên, không thể để giới mỹ thuật đứng ngoài quy hoạch kiến trúc đô thị. Không thể không dành không gian đúng độ, đúng tầm cho các công trình tượng đài, tượng trang trí, tượng vườn, phù điêu, tranh tường, tranh hoành tráng… Mỹ thuật ngoài trời một khi biết khai thác tốt tinh hoa của mỹ thuật truyền thống dễ tạo nên bản sắc riêng cho từng bộ mặt thẩm mỹ đô thị của chúng ta.

Là một đô thị lớn nhưng Đà Nẵng lại chưa có một nhà triển lãm cũng đúng tầm hội đủ không gian, ánh sáng trưng bày vài trăm tác phẩm mỹ thuật. Chính vì lẽ đó mà từ khi Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức hằng năm triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, đô thị Đà Nẵng chưa một lần đăng cai. Trong khi đó, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đắc Lắc đã hai lần đăng cai tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực. Nỗi buồn này chẳng của riêng ai?! Đây là lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức trưng bày một triển lãm mỹ thuật toàn quốc, song với nhà triển lãm của thành phố hiện có, tôi cho rằng chỉ đủ sức trưng bày 100/836 tác phẩm triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010.

Quả thật, chúng ta cần đổi mới quan niệm-tầm nhìn mỹ thuật Đà Nẵng. Muốn xây dựng một nền kinh tế mạnh và bền vững không thể không xây dựng nền văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử với một đô thị như Đà Nẵng. Chúng ta không thể không xây dựng đồng bộ Bảo tàng Mỹ thuật, nhà triển lãm và các công trình văn hóa khác to đẹp theo đúng tầm vóc một đô thị.

L.Q.B
;
.
.
.
.
.