Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Thoại là hai người bạn đồng hương, vì thời thế đã đi hai con đường khác nhau, phò hai triều đại đối đầu nhau một mất một còn.
Mộ Trần Quang Diệu hiện nằm trong khuôn viên Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu. (Ảnh: V.T.L) |
Chuyện kể, vào một ngày cuối xuân năm 1776, cạnh bến đò Hà Thân làng An Hải, phủ An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam có hai chàng thanh niên đang tắm sông thì quan sở tại với bộ điệu hách dịch đi ngang qua. Thấy ghét, một người bèn tát nước vào vị quan này khiến quan tức tối nhảy xuống đánh. Thấy vậy, chàng thanh niên thứ hai vào cứu bạn. Hai người hiệp sức cùng nhau “dần” cho vị quan một trận ra trò, đem nhận nước rồi mới lôi lên cho phơi nắng.
Hai chàng thanh niên đó là Nguyễn Văn Thoại, 15 tuổi và Trần Quang Diệu, 18 tuổi.
Một quê hai ngã rẽ
Vì việc động trời này nên gia đình Nguyễn Văn Thoại tức tốc đưa con lên ghe bầu dong thẳng vào Nam, đến định cư ở Cù lao Dài trên sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Vĩnh Long. Gia đình Trần Quang Diệu thì neo đơn hơn nên chỉ mang con chạy về quê ngoại là làng Trà Khê, gần chân núi Ngũ Hành Sơn để lánh nạn.
Nguyễn Văn Thoại, cuối năm 1777, theo phò Nguyễn Ánh, lập nhiều công trạng nên được phong dần đến chức Khâm sai Thượng đạo Đại tướng quân. Ngoài chức Thống chế Án thủ Châu Đốc kiêm quản đồ Hà Tiên, ông còn lãnh nhiệm vụ bảo hộ nước Cao Miên nên còn được gọi là Bảo Hộ Thoại. Ông có công khai phá vùng đất Tây Nam Bộ, khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới, đặt nền móng cai trị lâu dài của nước ta trên vùng đất biên viễn này. Hai núi Thoại Sơn, Vĩnh Tế sơn và hai kênh Thoại Hà, Vĩnh Tế hà đều mang tên ông và vợ ông, bà Châu Thị Vĩnh Tế.
Còn Trần Quang Diệu thì sau một thời gian ở Ngũ Hành Sơn, thấy chưa yên, bèn một mình trốn vào vùng rừng núi An Khê, Bình Định làm nghề săn bắn để sinh sống.
Cũng vào cuối năm 1777, trong một buổi đi săn, Trần Quang Diệu bị cọp vồ, may nhờ được Bùi Thị Xuân cứu. Về sau, hai người trở thành vợ chồng và cùng theo phò ba anh em nhà Tây Sơn. Ông đã chinh chiến từ Nam ra Bắc, tham gia đánh tan 2 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút, làm tiên phong trong đạo Trung quân dưới quyền chỉ huy của Quang Trung đánh bại 20 vạn quân Thanh năm 1789. Ông từng trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Tổng quản coi việc xây dựng Phượng hoàng Trung đô ở Nghệ An, Thái phó Quận công.
Trần Quang Diệu tuy là một võ tướng nhưng lại có lòng bao dung nhân hậu. Khi hạ thành Quy Nhơn năm 1801, ông đã cho tẩm liệm chôn cất chu đáo hai tướng Võ Tánh, Ngô Tùng Châu (theo nghi lễ cấp tướng) là những người đã tuẫn tiết theo thành và tha hàng vạn dân binh tướng sĩ của Nguyễn Ánh.
Vĩnh hằng tình bạn
Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Thoại là hai người bạn đồng hương, vì thời thế đã đi hai con đường khác nhau, phò hai triều đại đối đầu nhau một mất một còn. Nhưng đặc biệt suốt 25 năm cầm quân chinh chiến, hai ông chưa bao giờ đem quân đánh nhau. Năm 1801, Nguyễn Văn Thoại mang quân từ Vạn Tượng tiến đánh Phú Xuân, nghe tin Trần Quang Diệu đem quân từ Quy Nhơn ra cứu viện. Không muốn đối đầu với đồng hương nên Nguyễn Văn Thoại giao binh quyền lại cho phó tướng rồi bỏ vào Gia Định. Vì việc này mà ông bị giáng chức và bị Nguyễn Ánh nghi ngờ.
Năm 1802, Trần Quang Diệu sa cơ, bị bắt ở Nghệ An. Ông cùng vợ và con gái bị Gia Long hành hình một cách dã man. Thân tộc ông cũng bị lãnh án tru di vì vậy phải chịu cảnh “sanh vi Nguyễn, thác vi Trần”, đổi từ họ Trần sang họ Nguyễn là họ của Nguyễn Văn Thoại (đến khi chết mới lén phục trở lại họ Trần). Trong sự cải họ này có ai dám chắc là không có sự can thiệp, hướng dẫn ngầm của Nguyễn Văn Thoại? Con cháu Trần Quang Diệu phải núp bóng họ Nguyễn, dựa vào uy danh của Nguyễn Văn Thoại để được tiếp tục tồn tại.
Dù vì thời thế phải ở hai bên chiến tuyến nhưng cách hành xử của Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu đã làm hậu thế xúc động vì những bài học sâu sắc về tình bạn và sự hòa giải dân tộc.
Cùng thời, có hai danh sĩ Bắc Hà học vị cao hơn nhưng lại hành xử không được như hai ông. Là bạn của nhau, nhưng Ngô Thời Nhậm theo Tây Sơn còn Đặng Trần Thường theo Nguyễn Ánh. Khi Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi, Thường đã nọc Nhậm ra đánh cho đến chết bằng roi mây tẩm thuốc độc ở Văn Miếu Hà Nội. Trước đó hai bên lại còn đem tài văn chương ra mà mỉa nhau, đã để lại cho đời hai câu đối, hay thì thật hay nhưng cũng thật cay đắng: Ai công hầu ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai?/ Thế Chiến quốc thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế!
Hiện ngôi mộ của Thái phó Quận công Trần Quang Diệu và Đền thờ Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại vẫn nằm bên nhau, dưới bóng che của cây đa cổ thụ ở Nhà thờ tiền hiền làng An Hải quê hương hai ông, như một minh chứng hùng hồn cho tình bạn vĩnh hằng bất chấp sự hưng phế của các triều đại.
LÊ THÍ