Đài thờ Trà Kiệu bằng đá được phát hiện và mang về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1901. Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa có tiếng nói chung về ý nghĩa các phù điêu chạm trổ trên đài này.
Đài thờ có hai phần. Phần trên gồm hai thớt tròn, trong đó thớt trên là bộ Yoni - Linga (bộ phận sinh dục nữ và nam). Linga gốc đã bị mất, được làm lại phiên bản bằng xi-măng. Yoni là một bệ tròn, phía dưới được trang trí bằng những cánh sen cách điệu với nhiều chi tiết đối xứng nhau. Phần dưới là một khối hình vuông cạnh 191cm, bốn mặt chạm trổ nhiều hình người sinh hoạt theo một nội dung liên hoàn khiến cho các nhà nghiên cứu phải tranh luận sôi nổi về ý nghĩa của chúng.
Có nhiều cách giải thích về các phù điêu trên đài thờ, nhưng cách giải thích của nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương được cho là khá tỉ mỉ và thuyết phục hơn cả. Theo ông, 4 cảnh liên hoàn chạm quanh đài thờ là những trích đoạn của trường ca Ramayana, Ấn Độ.
Trường ca Ramayana kể chuyện vua Yanak lập hoàng hậu đã lâu nhưng không có con. Trong một buổi lễ cày đầu năm, khi vua mở đường cày đầu tiên thì từ trong luống cày xuất hiện một bé gái sơ sinh. Vui mừng trước đứa con được Mẹ Đất ban cho, vua đặt tên cho công chúa là Sita. Khi Sita trưởng thành, vua cha kén rể với điều kiện: Ai giương được cây cung Kamsa của thần Bão tố Rudra thì sẽ được gả công chúa. Nhiều vương tôn công tử đến cầu hôn, nhưng chưa ai giương được cung. Cuối cùng hoàng tử Rama của xứ Kosala đến, với sức mạnh thần kỳ, chàng không chỉ giương được cung mà còn kéo gãy cung. Vua hài lòng và gả công chúa Sita cho hoàng tử.
Câu chuyện trên đã được mô tả qua những phù điêu trên đài thờ: cảnh Rama kéo gãy cung thần, cảnh vua Yanak gả công chúa Sita, cảnh đám cưới, cảnh nhảy múa tưng bừng của các vũ nữ... Đặc biệt, nhân vật Rama được chạm trổ đến từng chi tiết. Rama đội Jata-mukuta (loại mũ hình trụ tròn), phía sau có một búi tóc lớn. Nửa trên để trần, cổ đeo các xâu chuỗi ngọc; ngực và cánh tay đeo các xâu chuỗi ngọc xếp thành một đóa hoa ở giữa. Nửa dưới mặc một chiếc sampot (quần ngắn trên đầu gối) với thắt lưng dài và to bản.
Theo tài liệu ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, đài thờ Trà Kiệu là một trong những kiệt tác của nghệ thuật Chăm. Trang phục, trang sức, kiểu tóc, mũ đội đầu của các nhân vật trên đài thờ cùng với các mô-típ viền trang trí hạt cườm rất phổ biến đã khiến cho đài thờ được xếp vào phong cách nổi tiếng của nghệ thuật điêu khắc Chăm thế kỷ VII đến thế kỷ X: Phong cách Trà Kiệu.
LÊ HUỲNH