Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, họa sĩ Trần Thị Cúc đã có năng khiếu hội họa từ nhỏ. Trước giải phóng, khi còn học trường nữ tiểu học Đà Nẵng, bao nhiêu công việc “làm đẹp” cho trường, lớp, như trang trí cho trại, sân khấu đêm diễn văn nghệ, báo tường… đều có công chị chung tay góp sức.
Người bố của chị là tài xế xe đò, nhưng tâm hồn cũng tràn đầy chất nghệ sĩ. Còn nhớ những chuyến xe đò trong kỳ nghỉ hè được ông cho theo Đà Nẵng đi Hội An, qua mỗi làng quê được ông giới thiệu và làng quê nào cũng đẹp nguyên sơ. Từ cánh đồng làng, bờ lau trong nắng mới, những nếp nhà ẩn hiện trong sương, phiên chợ ngày cuối năm… đã in đậm trong tâm trí chị ngay từ thuở ấy.
Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Huế về công tác tại Phòng Văn hóa-Thông tin quận Hải Châu, cứ tưởng nghiệp hội họa chị gác lại để lo công việc chuyên môn của cơ quan. “Nhưng làm sao bỏ được, khi bố tôi còn, cứ động viên tôi cố theo và giữ nghề mà mình yêu thích. Hội họa với tôi như hình với bóng… Và tôi có thể vẽ bất kỳ lúc nào, miễn sao tinh thần và tâm hồn tràn đầy cảm xúc. May mắn anh Mỹ Dũng - chồng tôi cũng là nghệ sĩ nhiếp ảnh, là điểm tựa, chấp cánh cho tôi” - chị Cúc bộc bạch!
Chị thể hiện nhiều thể loại và nhiều phong cách, nhưng trên hết vẫn là tranh khắc gỗ, phấn màu. Mỗi bức tranh chị gửi cả hồn vào từng thớ gỗ qua từng nhát đục. Hoa súng mùa hạ, hương thời gian, hoa chuối, hoa sữa, hồn cát… người xem dạt dào cảm xúc, nao lòng qua mỗi bức tranh.
Cách đây hơn 1 năm, chị cùng nhóm họa sĩ Đà Nẵng sang giao lưu với họa sĩ nước bạn Lào, vừa qua khỏi cột mốc, cả một rừng hoa cúc quỳ vàng ươm hiện ra trong nắng sớm và chị tốc hành ký họa. Sau chuyến giao lưu để lại cho chị nhiều ấn tượng, cảm xúc của đất nước hoa Chămpa và hàng loạt tác phẩm về tranh khắc gỗ ra đời: Bến thuyền Mê Công, Bản mới, Phong cảnh Lào, Mùa hoa cúc quỳ…
Hiện nay chị cùng với nhóm họa sĩ tiếp tục thể hiện hàng loạt tranh về đất nước và con người các bộ tộc Lào. Và dự kiến sẽ triển lãm vào dịp tết Lào Bunpimay năm 2011.
Vũ Công Điền