.
Bếp Việt

Em là cơm tấm thôi mà...

 

Ở Hà Nội nói riêng hoặc các tỉnh miền Bắc nói chung, tôi không thấy tiệm cơm tấm. Vô đến miền Trung, lớn như thành phố Đà Nẵng chẳng hạn, cũng chỉ thấy lác đác một hai quán. Nhưng đặt chân vô Sài Gòn, tôi luôn có điều kiện thỏa mãn nhu cầu ăn cơm tấm của mình mà không phải nhọc công tìm kiếm. Như vậy, tôi có thể suy luận mà không sợ sai rằng cơm tấm là đặc sản của miền trong.

Một nồi cơm ngon, trước hết và trên hết vẫn do chất lượng gạo quyết định. Chị bạn có cậu con trai đang làm tiến sĩ bên Nhật cho tôi mấy ký gạo Nhật của cháu gửi về. Những hạt gạo trăm hạt như một, trong veo và đều tăm tắp. Nếu có đem thước palmer ra đo, chắc cũng không phát hiện sự sai lệch kích thước của hạt gạo này so với hạt gạo kia! Nói cách khác, một trong những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng gạo, đặc biệt đối với gạo xuất khẩu, là phần trăm tấm. Càng nhiều tấm, gạo càng bị mất giá, thậm chí nếu người ta có mua thì cũng là mua cho gia súc! Tôi lại suy ra kết luận thứ hai, và cũng không sợ mình sai lầm, rằng đối với thế giới, tấm là thứ bỏ đi!

Cơm tấm ở đâu thì cũng không khác nhau mấy. Nhất thiết phải có đồ chua, phải có hành phi, vài ba cọng xà lách, một hai miếng dưa leo, còn món chính có thể là sườn nướng, là trứng chiên, là lạp xường... Tôi gọi một đĩa cơm tấm sườn nướng. Tôi ăn thật chậm rãi, nhẩn nha để tận hưởng cái ngọt của vị gạo, cái ráo của hạt cơm, cái mùi thơm quyến rũ của miếng sườn nướng. Cơm tấm giản dị, từ cách nấu đến cách bày biện. Cái đĩa cơm tấm tôi ăn như đang trò chuyện cùng tôi, mà nói với tôi rằng em chỉ là tấm thôi mà! Chỉ là tấm thôi nhưng có những phẩm hạnh của riêng mình, cứ một mình một khoảng trời, không chịu thay đổi, nết na giữ gìn thói nhà.
 
Giả như bạn có thể chan cơm với canh nhưng bạn không thể thế với cơm tấm. Bạn có thể ăn cơm với cá kho, với đồ xào nhưng bạn không thể đối xử tùy tiện như thế với cơm tấm... Và rồi trong khi thưởng thức một đĩa cơm tấm hợp với túi tiền một người lao động như tôi, mà ngon mà no, tôi không suy luận mà tự tin khẳng định: Chỉ có những người một nắng hai sương mới có thái độ trân trọng với những mảnh vỡ của hạt gạo đến thế. Nhưng cũng chỉ giàu có những hạt gạo, không bị ám ảnh bởi nỗi lo mất mùa thiếu đói người ta mới ung dung nhìn ngắm, bất chợt phát hiện ra cái giá trị chứa đựng trong mỗi hạt tấm, sáng tạo ra một đĩa cơm tấm - là điểm tâm, là bữa cơm chính, là món quà ăn chơi, là cái hồn quê còn đó cho những người Việt giữa Sài Gòn...

Hoàng
;
.
.
.
.
.