Bạn đọc

Nhếch nhác vỉa hè

14:27, 24/11/2020 (GMT+7)

Hiện nay, một số khu vực vỉa hè trên địa bàn thành phố trở thành điểm tập kết rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Khu vực vỉa hè trước kiệt 32 đường Ba Đình, quận Hải Châu, nhếch nhác do rác thải sinh hoạt để không đúng nơi quy định.  (Ảnh chụp tháng 11-2020)Ảnh: HUỲNH LÊ
Khu vực vỉa hè trước kiệt 32 đường Ba Đình, quận Hải Châu, nhếch nhác do rác thải sinh hoạt để không đúng nơi quy định. (Ảnh chụp tháng 11-2020). Ảnh: HUỲNH LÊ

Vỉa hè thành nơi chứa rác thải

Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường Nguyễn Tuấn Thiện (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) thời gian qua trở thành địa chỉ “lý tưởng” cho nạn đổ trộm rác thải, xà bần. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tuyến đường nằm ven chân núi Sơn Trà, dài hơn 500m nhưng chỉ có 2 hộ dân sinh sống, tách biệt với các khu dân cư (KDC) xung quanh. Từ năm 2019 đến nay, UBND phường Thọ Quang 3 lần thuê xe múc dọn dẹp, san lấp cỏ dại nhưng sau một thời gian rác thải vẫn xuất hiện tràn ngập tại các lô đất trống, chưa kể khu vực vỉa hè mỗi bên rộng 3m trên toàn bộ tuyến đường đã hoàn toàn “biến mất” bởi cỏ dại và rác thải.

Giáp tuyến đường Nguyễn Tuấn Thiện là tuyến đường Trần Nguyên Hãn cũng trong tình trạng tương tự. Rác thải sinh hoạt lẫn phế liệu xây dựng nằm rải rác trên vỉa hè. Đơn cử, vị trí ngã ba Trần Nguyên Hãn - Thích Thiện Chiểu tồn tại một đống rác lớn không người thu gom; gần ngã ba Trần Nguyên Hãn - Ngô Cao Lãng là điểm tập kết rác tạm thời của Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà cũng trong tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm. Thay vì để gọn trên vỉa hè, các thùng rác được đặt dưới lòng đường, rác vương vãi, nước chảy lênh láng khá hôi thối.

Cũng trên địa bàn phường Thọ Quang, khu vực vỉa hè trước số nhà 138 Ngô Quyền khá lộn xộn. Người dân vô tư mang quần áo ra phơi phóng, căng bạt, đặt chum, chậu lớn lấn chiếm toàn bộ lối đi. Điều đáng nói, khu vực này nằm ngay cạnh cổng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, nơi có hàng trăm học sinh vô, ra mỗi ngày. Anh Nguyễn Minh H., phụ huynh em K.N, học sinh khối 4, Trường tiểu học Trần Quốc Toản phàn nàn: “Mỗi lần đưa đón con, tôi rất khó chịu khi thấy khu vực vỉa hè gần trường quá nhếch nhác, làm xấu bộ mặt đô thị. Tôi nghĩ, điều này dễ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của trẻ em, các em sẽ mặc nhiên xem việc phơi phóng hoặc lấn chiếm, xả rác trên vỉa hè là bình thường”.

Nhiều tuyến đường khác ở Đà Nẵng cũng trong tình trạng vỉa hè thành nơi đổ rác. Một người dân đang thuê mặt bằng tại số 85 đường Hồ Nghinh (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) để kinh doanh nhà hàng cho biết, từ đầu năm đến nay, do việc làm ăn không thuận lợi vì ảnh hưởng của Covid-19 nên nhà hàng thường xuyên đóng cửa khiến khu vực vỉa hè phía trước trở thành điểm tập kết rác tự phát của người dân trong khu vực.

Tại khu vực vỉa hè gần kiệt 32 đường Ba Đình (quận Hải Châu), người dân cho biết thường xuyên xuất hiện những đống rác tự phát. Có thời điểm rác nhiều tràn xuống cả lòng đường, thu hút ruồi nhặng, côn trùng tìm tới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực này không có thùng rác công cộng, việc người dân không chịu để rác trong nhà, chờ xe tới thu gom mà mang ra đầu kiệt khiến vỉa hè thêm nhếch nhác. 

Nâng cao ý thức tham gia bảo vệ môi trường

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) cho rằng, việc tăng cường ý thức, trách nhiệm của chính người dân địa phương sẽ giúp môi trường được bảo đảm. Theo ông Hùng, thời gian qua, phường An Hải Bắc luôn kêu gọi người dân chủ động dọn dẹp vệ sinh trước nhà, bỏ rác đúng vị trí tập kết; đối với khu vực không để thùng rác, cần chú ý giờ thu gom rác của Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà, không tập kết rác trước cửa nhà. Nhờ vậy, môi trường ở phường An Hải Bắc tốt hơn trước. 

Bên cạnh đó, từ năm 2019, phường An Hải Bắc xây dựng mô hình “KDC 3 sạch” gồm: sạch nhà, sạch đường phố và sạch trụ điện. Đây được xem là một trong những cơ sở ràng buộc để người dân có ý thức hơn trong các vấn đề bảo vệ môi trường sống. Đơn cử, ở KDC 16, nơi chọn thí điểm “KDC 3 sạch” tại phường An Hải Bắc, khoảng một năm nay không có tình trạng rác thải xuất hiện trên khu vực vỉa hè, các thùng đựng rác đều có nắp đậy. “Với mô hình này, hằng tuần đại diện Ban Công tác Mặt trận, tổ dân phố, Đoàn Thanh niên phối hợp kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu người dân thực hiện đúng cam kết. Điều này đã góp phần làm khu vực thêm sạch, đẹp, văn minh”, ông Hùng nói.

Từ năm 2010, Đà Nẵng phát động xây dựng mô hình “Tổ dân phố không rác”, kêu gọi 100% hộ dân trong tổ đổ rác đúng nơi quy định, không quét rác ra vỉa hè, lòng đường, không có điểm tồn lưu rác thải…; đồng thời ban hành bộ tiêu chí chấm điểm “Tổ dân phố không rác” gắn với phong trào thi đua tại địa phương. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng tồn tại lượng lớn rác thải một phần do việc thu gom của Công ty Môi trường Đà Nẵng còn nhiều bất cập, như hạn chế các điểm đặt thùng rác tại KDC nhưng tần suất thu gom thấp, chưa bảo đảm nhu cầu thực tế của người dân.

Theo ông Hùng, để hạn chế tình trạng này, các địa phương cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó có cơ chế thưởng, phạt, đánh giá thường xuyên mô hình “Tổ dân phố không rác”, “KDC 3 sạch”…, tiến tới nhân rộng mô hình, tạo cơ sở cho người dân tham gia trực tiếp vào việc bảo vệ môi trường sống tại KDC.

HUỲNH LÊ

.