'Ký ức chiến trường': Tưởng nhớ một họa sĩ tài hoa

.

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2019), Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Ký ức chiến trường”, giới thiệu đến công chúng 64 ký họa về chiến trường Khu 5 của liệt sĩ, họa sĩ Hà Xuân Phong.

Đơn vị pháo cao xạ 37, quân giải phóng miền Trung Trung Bộ, đang bảo quản khí tài - Nông Sơn, 28-7-1974. (Ký họa của Hà Xuân Phong)
Đơn vị pháo cao xạ 37, quân giải phóng miền Trung Trung Bộ, đang bảo quản khí tài - Nông Sơn, 28-7-1974. (Ký họa của Hà Xuân Phong)

Trải qua 30 năm kể từ ngày các bức ký họa của họa sĩ Hà Xuân Phong được bàn giao lại cho quê hương, Đà Nẵng mới có một cuộc triển lãm riêng dành cho người họa sĩ tài hoa, cũng là dịp công chúng hiểu biết thêm về các bức họa này. Nhà điêu khắc Phạm Hồng, người từng gắn bó với họa sĩ Hà Xuân Phong trong Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thời đó, kể, họa sĩ Hà Xuân Phong sinh năm 1937, quê ở làng chài Mân Thái (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Ông học hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và sau đó tiếp tục sang học tại Trường Đại học Nghệ thuật Ukraina. Về nước năm 1968, ông xin về chiến trường Khu 5, công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5. Vì hoàn cảnh chiến tranh, vừa là người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, vừa cầm cọ vẽ, những bức ký họa của ông ẩn chứa khát khao lớn về nghệ thuật.

Tiếc thay, người chiến sĩ, họa sĩ tài hoa đã hy sinh vào ngày 17-11-1974 trong một chuyến công tác khi vượt sông Trà Nô (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), để lại hàng trăm bức ký họa chiến trường. Những bức ký họa này được giao cho họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, đồng đội tại chiến trường Khu 5. Năm 1989, họa sĩ Nguyễn Thế Vinh đã bàn giao những bức ký họa của họa sĩ Hà Xuân Phong cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), ông Hồ Hải Học đại diện Ban Thư ký tiếp nhận. Từ đó, trong những dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước và tỉnh nhà, tranh ký họa của người con xứ Quảng-họa sĩ Hà Xuân Phong được giới thiệu trong các triển lãm.

Vì nhiều lý do khách quan, một thời gian dài sau đó, hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Đà Nẵng trầm lắng, Đà Nẵng cũng chưa có Bảo tàng Mỹ thuật riêng nên công tác bảo quản những bức ký họa này gặp nhiều khó khăn. Được sự giao phó của Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, nhà điêu khắc Phạm Hồng đã mang những bức ký họa này về bảo quản, cất giữ tại nhà.

“Là một người con của Đà Nẵng, Hà Xuân Phong ngày ấy luôn đau đáu một ngày trở về quê hương, về với kỷ niệm tuổi thơ và những dự định cho nghệ thuật. Riêng tôi, người được giao phó gìn giữ những bức ký họa của họa sĩ này cũng đau đáu một ngày những tác phẩm này được công chúng Đà Nẵng biết đến. Chờ mãi cũng đến hôm nay, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã đứng ra tổ chức một triển lãm riêng cho họa sĩ Hà Xuân Phong. Coi như trách nhiệm của tôi đã hoàn thành”, nhà điêu khắc Phạm Hồng xúc động nói.

Trao đổi thêm, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, sau buổi làm việc với đại diện gia đình họa sĩ Hà Xuân Phong và nhà điêu khắc Phạm Hồng, thống nhất giao 131 bức ký họa của họa sĩ Hà Xuân Phong cho Bảo tàng Mỹ thuật để bảo quản, trưng bày, giới thiệu đến công chúng. Theo họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, 64 bức ký họa được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chọn trưng bày trong triển lãm lần này là những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ ở chiến trường Khu 5, mang đến cho người xem sự cảm nhận sâu sắc về những năm tháng lịch sử hào hùng của một thời chiến tranh máu lửa.

“Ký họa đã trở thành loại hình mỹ thuật, mang sứ mệnh truyền tải hiện thực nóng hổi trong những năm kháng chiến. Mỗi tác phẩm ký họa là một góc nhìn chân thực, tái hiện một phần lịch sử chiến tranh. Giá trị của tác phẩm là ở đó”, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ nói.

Sau đây là một số tác phẩm đặc sắc của liệt sĩ, họa sĩ Hà Xuân Phong tại cuộc triển lãm:

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2019),
Triển lãm "Ký ức chiến trường" được tổ chức nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2019), giới thiệu đến người xem những góc nhìn chân thực về những năm tháng chiến tranh qua nét cọ tài hoa của của liệt sĩ, họa sĩ Hà Xuân Phong. Trong ảnh: Chân dung liệt sĩ, họa sĩ Hà Xuân Phong.
Nông Sơn sau ngày Giải phóng.
Nông Sơn sau ngày Giải phóng
Má Nghè, xã Mỹ Lợi, Phù Mỹ
Má Nghè, xã Mỹ Lợi, Phù Mỹ
Thay băng cho trẻ
Thay băng cho trẻ
Đồng chí Ban, Phó Chủ Tịch Xã Dak Ang, Kon Tum
Đồng chí Ban, Phó Chủ Tịch Xã Dak Ang, Kon Tum
Khẩu đội Cối 82 Quân Giải Phóng, Huyện Phù Mỹ đang Nhận Mục Tiêu Tại Trận địa, Bình định, 21.2.1972
Khẩu đội Cối 82 Quân Giải phóng, Huyện Phù Mỹ đang nhận mục tiêu tại trận địa, Bình Định, 21-2-1972
Đồng Chí A Bá, chiến sĩ thi đua huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay giặc Mỹ.
Đồng chí A Bá, chiến sĩ thi đua huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay giặc Mỹ.
Khẩu đội Cối 62 Ly Nữ, Quân Giải Phóng Huyện Phù Mỹ Bình Định, 20.2.1972
Khẩu đội Cối 62 ly nữ, quân Giải phóng huyện Phù Mỹ, Bình Định, 20-2-1972
 
Triển lãm “Ký ức chiến trường” khai mạc chiều 19-7 và kéo dài đến hết ngày 30-7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, số 78 Lê Duẩn, thành phố Đà Nẵng.

NGỌC HÀ - XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.