Người giữ lửa thơ Hàn

.

Đường lên đồi Thi nhân, nơi có mộ Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn rợp bóng cây xanh cũng không thể xoa dịu đi cái nóng hầm hập của tháng 6. Vậy mà trong gian phòng nhỏ trước mộ thi sĩ, một người đàn ông trạc tuổi lục tuần có mái tóc dài vẫn cặm cụi, nhẫn nại vẽ thơ Hàn lên những mảnh gỗ thông với những đường nét điêu luyện. Khi chính thức cầm trên tay cuốn Hành trình đến với Hàn Mặc Tử do ông ký tặng, tôi mới biết ông là “bút lửa” Dzũ Kha - người giữ lửa thơ Hàn.

“Bút lửa” Dzũ Kha ký tặng sách cho những người yêu thơ Hàn Mặc Tử tại phòng tranh của mình.  Ảnh: Đ.H.L
“Bút lửa” Dzũ Kha ký tặng sách cho những người yêu thơ Hàn Mặc Tử tại phòng tranh của mình. Ảnh: Đ.H.L

1. Việt Nam có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng nhưng có được một người yêu mến thơ mình như một tín đồ trung thành, nguyện cả đời truyền bá thơ Hàn đến với bạn đọc thì Hàn Mặc Tử quả là may mắn khi có được Dzũ Kha.

Dzũ Kha tên thật là Trương Vũ Kha, sinh năm 1960 và lớn lên tại Bình Định. Sau khi học mỹ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh, ông trở về quê mở phòng tranh nghệ thuật và làm thơ ở Quy Hòa - nơi Hàn Mặc Tử sống những năm cuối đời điều trị bệnh phong.

Gần ba chục năm qua, Dzũ Kha vẫn ngồi lặng lẽ trên đồi Thi Nhân chép thơ Hàn giới thiệu đến du khách thập phương. Ông có thể say sưa nói về thơ Hàn nếu du khách quan tâm muốn tìm hiểu. Nói như nhà thơ Đặng Vương Hưng, “Có thể nói: Trời sinh ra Hàn Mặc Tử cho Dzũ Kha yêu thương và trân trọng. Nhưng có thể nói: Trời đã sinh ra Dzũ Kha là để tôn vinh Hàn Mặc Tử”.

Có lẽ bởi niềm yêu thương vô bờ ấy mà mỗi câu thơ, bài thơ của Hàn Mặc Tử được ông vẽ ra giấy hay gỗ đều như có lửa từ trái tim đầy tin yêu và khát vọng về cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc con người. Dzũ Kha chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như hàng triệu trái tim yêu thơ Hàn khác. Nhưng thực tế hơn, tôi đã viết thơ Hàn bằng cây bút lửa của mình để truyền bá”.

Thực ra, kỹ thuật “bút lửa” không có gì mới. Đây là cách dùng điện nung nóng một đoạn dây kim loại để làm ngòi bút và vẽ bằng cách đốt cháy gỗ, đã được nhiều nghệ nhân ở Đà Lạt và thành phố Hồ Chí Minh sử dụng từ lâu. Nhưng với tài năng điêu luyện của mình, ông đã vẽ được lên giấy bình thường. Với việc chép thơ, vẽ thơ bằng bút lửa như một nghệ thuật thư pháp, ông đã giới thiệu thơ Hàn đến gần hơn với du khách.

2. Mùa hè cách đây 19 năm, để đáp ứng nhu cầu của những người yêu thơ Hàn, Dzũ Kha nảy ra sáng kiến dựng “lều thơ” để chép thơ vẽ tranh ngay bên cạnh mộ Hàn Mặc Tử. Ông tự nguyện làm một nghệ sĩ nghèo ngày ngày thức dậy từ sáng sớm trước 5 giờ để kịp phục vụ khách đoàn theo tour lên Ghềnh Ráng viếng mộ thi nhân. Ông cũng có thể thức trắng đêm nhâm nhi rượu để bình thơ với những ai yêu thơ Hàn. Ông từng bộc bạch nỗi lòng mình trong thơ rằng: “Thỏa lòng đổi trót cuộc chơi/ Chỉ mong tìm lấy một đời thường thôi”.

Chỉ cần một cây “bút lửa” trong tay, ông có thể chép tặng thơ trực tiếp theo yêu cầu của khách lên tấm gỗ thông xinh xắn để làm kỷ niệm trong dịp đến viếng thăm mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử. Cũng nhờ vậy mà hiếm có ngôi mộ thi nhân nào lại sống động như ở nơi đây.

Không chỉ truyền bá thơ Hàn, hằng năm ông còn tổ chức sinh nhật, giỗ, gặp gỡ các nhân chứng liên quan đến Hàn để tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu về cuộc đời cũng như thơ Hàn nhằm giúp cho những người yêu thơ hiểu thêm về nhà thơ. Vào tháng 5 năm nay, tập sách Hành trình đến với Hàn Mặc Tử do Dzũ Kha sưu tầm và biên soạn đã được Nhà Xuất bản Văn học tái bản lần thứ 18.

Lần này cuốn sách đã được ông sửa chữa, bổ sung thêm nhiều tư liệu và tập hợp những bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử để phục vụ tốt hơn cho bạn đọc. Thông qua lời kể của nhiều người và sự liên hệ có được, đến nay ông đã tìm được ảnh của 5 người yêu trong đời của Hàn Mặc Tử, lưu ảnh và một số bút tích của họ, gồm Hoàng Thị Kim Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương, Thương Thương.

Trước đó, ông cũng đã tham gia làm phòng lưu niệm tại Quy Hòa vào năm 1998 và nhà lưu niệm tại Ghềnh Ráng ở Quy Nhơn vào năm 2000 để phục vụ du khách đến viếng Hàn Mặc Tử.

3. Cuộc đời Dzũ Kha cũng đầy trắc trở của một kiếp người lãng tử, đơn độc, đa mang. Những người phụ nữ lần lượt ra đi trong cuộc đời ông vì nhiều lý do nhưng chắc chắn có sự so sánh vì tình yêu ông dành cho thi sĩ họ Hàn quá lớn. Chia tay Dzũ Kha với tập sách Hành trình đến với Hàn Mặc Tử do ông đề tặng, tôi chợt nhớ những câu thơ ông viết nhân dịp kỷ niệm 25 năm ông gắn bó nhà thơ Hàn Mặc Tử rằng: “Tôi nguyện giữ lửa thơ Hàn/ Thắp “Mùa Xuân Chín” nắng tràn trời xanh/ Bao nhiêu năm ở bên anh/ Câu thơ qua lửa mong manh kiếp người/ Chẳng màng danh vọng với đời/ Mộ Hàn hương tỏa thay lời tin yêu”.

Khi còn sống, nhà thơ Hàn Mặc Tử từng tiên cảm: “Một mai kia ở bên khe nước ngọc/ Với sương sao anh nằm chết như trăng/ Không nhìn thấy nàng tiên mô đến khóc/ Đến hôn anh và rửa vết thương tâm!”. Thì giờ đây, Hàn Mặc Tử có thể mỉm cười mãn nguyện khi có Dzũ Kha - một tín đồ trung thành - vẫn ngày ngày nâng niu, gìn giữ ngọn lửa thơ Hàn đến với mọi người.

Đoàn Hạo Lương

 

;
;
.
.
.
.
.