Văn hóa - Giải trí

Bảo tồn di tích Ngũ Hành Sơn: Cần chú trọng chiều sâu

08:16, 13/06/2016 (GMT+7)

Nằm về phía đông nam trung tâm thành phố, danh thắng Ngũ Hành Sơn sở hữu vẻ đẹp của non và nước, lưu luyến bước chân du khách khi đến với vùng đất Ngũ Hành. Song, công tác bảo tồn khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia vẫn còn nhiều chuyện đáng nói…

Những hang động kỳ bí tại danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Đà Nẵng.
Những hang động kỳ bí tại danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Đà Nẵng.

Từ chuyện xin mở rộng chùa

Tháng 8-2015, sư Trụ trì chùa Tam Thai có tờ trình gửi đến các cấp, ngành xin mở rộng chùa Tam Thai. Trước sự việc này, ngày 6-11-2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có công văn không đồng tình điều chỉnh mở rộng chùa Tam Thai, vì diện tích đất trên ngọn Thủy Sơn còn lại rất ít, nên ưu tiên vào mục đích công cộng. Hơn nữa, việc mở rộng diện tích chùa phải lấy ý kiến của Bộ VH-TT&DL, vì theo Luật Di sản, di sản là thuộc sở hữu toàn dân và nghiêm cấm làm sai lệch di sản, xâm hại di sản.

Tuy nhiên, tại một cuộc họp do Sở Xây dựng tổ chức, đại diện một số đơn vị có ý kiến thống nhất theo đề nghị mở rộng chùa Tam Thai, dù Sở VH-TT&DL bảo lưu ý kiến không đồng tình. Theo đó, ngày 18-1, Sở Xây dựng có tờ trình UBND thành phố, cho rằng việc mở rộng và bổ sung một tháp mã diện tích không lớn nên xét thấy có thể giao cho chùa Tam Thai phần diện tích mở rộng 1.373m2 (diện tích đất đã công nhận cho chùa Tam Thai là 2.010m2).

“Tháng 3-2016, UBND thành phố có văn bản trả lời không đồng ý với tờ trình của Sở Xây dựng. Đây là tin vui đối với những người làm công tác quản lý, bảo tồn di sản, khi tiếng nói của ngành văn hóa được lãnh đạo thành phố lắng nghe. Nếu chúng ta có ngoại lệ này sẽ dẫn đến những ngoại lệ khác, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố bộc bạch.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, trước đây, một số chùa vi phạm Luật Di sản khi xây dựng, cơi nới nhưng không báo cáo, xin phép chỉnh trang, xây dựng; vì vậy cần phải siết chặt kỷ cương, công tác quản lý di tích.

Nghĩ về cách ứng xử với di tích văn hóa

Cũng theo ông Hồ Tấn Tuấn, từ câu chuyện của chùa Tam Thai, các cấp chính quyền cần nhìn nhận một cách đúng đắn, nghiêm túc và có trách nhiệm trước bất kỳ vấn đề liên quan đến văn hóa, nhất là đối với các di tích văn hóa lịch sử mang tầm quốc gia như danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ngoài mặt kinh tế, danh thắng Ngũ Hành Sơn là biểu tượng du lịch, biểu tượng văn hóa của vùng đất, niềm tự hào của người dân Đà Nẵng.

Chưa kể những bút tích, hiện vật còn lưu giữ tại các chùa, trên vách đá trong hang động có giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng lớn lao. Ông Tuấn đề nghị nên đổi tên Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn thành Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, từ đó mới đặt đúng vai trò, trách nhiệm đối với khu di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia này.

Có thể thấy, những năm qua, UBND quận Ngũ Hành Sơn, Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, tâm linh trên mảnh đất Ngũ Hành. Chẳng hạn, phục dựng cổng trụ biểu bằng đá sa thạch trên đường lên Thủy Sơn; khai thông động Âm Phủ; nâng cấp động Huyền Vi; bảo vệ bia Phổ Đà sơn linh trung Phật; phục chế bến Ngự - nơi vua Minh Mạng cập thuyền ngày trước; nâng cấp Lễ hội Quán Thế Âm; cải tạo vườn Lộc Uyển trên chùa Linh Ứng; phục dựng hình ảnh Tiên ông đánh cờ bằng sa thạch tại động “Bàn Cờ Tiên”…

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, cần chú trọng đến chiều sâu của công tác bảo tồn, đặc biệt tránh xâm hại di tích, nhất là khu vực ngọn Thủy Sơn. Bên cạnh đó, khi khai thác bổ sung các yếu tố nhân tạo cần đặt trong nền tổng thể của di tích, không phá vỡ yếu tố tự nhiên.

Ông Lê Ngọc Nhất, Phó Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cũng nhìn nhận, việc bảo tồn, phát huy di tích cấp quốc gia này chưa đúng tầm. “Một số ngôi chùa trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn xây dựng, trùng tu, phục dựng không theo một chuẩn mực nào. Vì thế, về lâu dài, chúng tôi cần sự chung tay của các ngành chức năng liên quan trong bảo tồn di tích”, ông Nhất nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.