Văn hóa - Giải trí

Trường Cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật: Nhiều thách thức ở vị thế mới

08:41, 06/06/2016 (GMT+7)

Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng vừa được thành lập trên cơ sở Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật thành phố. Đây là cơ hội để nhà trường giải quyết khó khăn tuyển sinh, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên đáp ứng quy định bậc cao đẳng.

Tiết mục hát múa do học sinh nhà trường biểu diễn.
Tiết mục hát múa do học sinh nhà trường biểu diễn.

Bước ngoặt mới

Nhiều năm qua, ở bậc trung cấp, nhà trường luôn gặp khó trong tuyển sinh khi lượng thí sinh dự tuyển khá khiêm tốn. Gần nhất là hai năm 2014 và 2015, tổng dự tuyển chỉ có 488 thí sinh, trúng tuyển vào trường đạt 448/488 thí sinh. Ngành sư phạm âm nhạc và thanh nhạc có lượng thí sinh đăng ký tương đối nhiều, trong khi các ngành khác không tuyển được như đồ họa, quản lý văn hóa, hướng dẫn viên du lịch, nhạc cụ truyền thống.

Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Hội An, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, một mặt do trường đào tạo những ngành đặc thù, đòi hỏi thí sinh phải có năng khiếu và đam mê thực sự, mặt khác học sinh tốt nghiệp THPT phần lớn đều mong muốn được học ở trình độ cao đẳng, đại học và những ngành dễ có việc làm. “Ra trường, cơ hội việc làm của các em cũng khó hơn, tuổi nghề lại ngắn ngủi, muốn phát triển, ổn định lâu dài với nghề phải tiếp tục học lên trình độ cao hơn. Vì thế, các em theo học ở trường hầu như chỉ vì đam mê”, bà Hội An nói. Em Phương Uyên, học sinh chuyên ngành múa chia sẻ, “gia đình không ủng hộ em theo nghề múa vì sợ sau này không kiếm được việc làm và vất vả, nhưng em vẫn quyết tâm theo học”.

Không thể phủ nhận rằng 40 năm qua, nhà trường đào tạo, bồi dưỡng trên 8.300 cán bộ, giáo viên đáp ứng công tác quản lý ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch và giảng dạy âm nhạc, mỹ thuật tại các trường phổ thông trên địa bàn Đà Nẵng. Từ ngôi trường này, nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh, góp sức phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thành phố. Tuy nhiên, để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa thì ở bậc trung cấp chưa thể đáp ứng. Vì thế, tiến lên bậc cao đẳng là cơ hội và hứa hẹn “làn gió mới” cho nguồn nhân lực ngành văn hóa.

Vẫn chưa tuyển sinh hệ cao đẳng

Dù đã có quyết định thành lập nhưng năm 2016, Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật vẫn chưa tổ chức tuyển sinh và đào tạo bậc cao đẳng. Bà Hội An cho biết, để tuyển sinh và đào tạo bậc cao đẳng, nhà trường phải tiếp tục lập hồ sơ xin mở mã ngành đào tạo, việc thực hiện các thủ tục xin phép cần thêm thời gian. Cũng theo bà Hội An, thách thức không nhỏ của nhà trường trong giai đoạn hiện tại là đội ngũ giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đang thiếu; cơ sở vật chất chưa bảo đảm theo quy định của một trường cao đẳng.

Về cơ sở vật chất, UBND thành phố thống nhất chủ trương theo đề xuất của Sở Xây dựng chọn khu đất có diện tích 6ha ở khu tái định cư đường vành đai phía Nam thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn để xây dựng trường.

Về đội ngũ giảng viên, theo Thông tư số 57/BGDĐT/2011, nhóm ngành nghệ thuật hệ cao đẳng đòi hỏi 15 sinh viên/giáo viên, trung cấp 20 học sinh/giáo viên. Hiện tại, nhà trường có 45 giáo viên, trong đó có 20 thạc sĩ, 3 giáo viên đang học thạc sĩ và 1 giáo viên đang học tiến sĩ, đủ đáp ứng yêu cầu theo điều lệ trường cao đẳng. Tuy nhiên, để cải thiện chất lượng giảng dạy, trình độ giáo viên phải cao hơn, điều này không dễ dàng với ngành nghệ thuật. “Song điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là ở bậc cao đẳng là liệu có giải quyết được vấn đề thiếu thí sinh như trước đây không, khi các bậc phụ huynh lẫn học sinh đều e dè với những ngành học thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.”, bà Hội An trăn trở.

Từ tháng 9-2014, Chính phủ ban hành quyết định chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa-nghệ thuật, với mức giảm 70% học phí ở trường công lập. Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, diễn viên với 4 nội dung chính gồm: Chế độ lương của nghệ sĩ, diễn viên; chế độ bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn và phụ cấp ưu đãi đối với nghệ sĩ, diễn viên; xét nâng ngạch không qua thi đối với nghệ sĩ đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và chế độ nghỉ hưu của nghệ sĩ, diễn viên.

Dẫu vậy, hằng năm, các trường văn hóa-nghệ thuật đều phải “đốt đuốc” tìm thí sinh. Theo nhiều ý kiến, bên cạnh chính sách của Nhà nước, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh, phát hiện nhân tố nghệ thuật để bồi dưỡng và tuyên truyền thay đổi quan niệm của phụ huynh về chọn trường, chọn ngành.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.