Đào tạo liên kết quốc tế: Xu hướng tích cực, hiện đại

.

Đứng trước xu hướng nhiều học sinh và sinh viên lựa chọn học tập ở nước ngoài, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) phát triển mô hình liên kết đào tạo quốc tế, tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường học tập chất lượng, hiện đại.
 

Đại học Đà Nẵng phát triển mô hình liên kết đào tạo quốc tế nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường học tập chất lượng, hiện đại. Trong ảnh: Sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK) học chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Ảnh: NGỌC HÀ
Đại học Đà Nẵng phát triển mô hình liên kết đào tạo quốc tế nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường học tập chất lượng, hiện đại. Trong ảnh: Sinh viên Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK) học chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Ảnh: NGỌC HÀ

Hiện nay, ĐHĐN có hơn 10 chương trình liên kết quốc tế với nhiều hình thức khác nhau từ các cơ sở giáo dục đại học thành viên là Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK).

Trường Đại học Kinh tế đang triển khai 2 nhóm chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Đó là chương trình chính quy liên kết quốc tế theo hình thức 2+2 hoặc 3+1. Theo chương trình này, sinh viên phải đạt chuẩn tiếng Anh quốc tế IELTS 5.5. Đây cũng là chương trình chính quy duy nhất tại Trường Đại học Kinh tế mà sinh viên học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh trong 2-3 năm đầu của chương trình. Sau đó, sinh viên chuyển tiếp sang học 1 hoặc 2 năm cuối cùng tại các trường đại học đối tác uy tín như: Đại học Middlesex London, Đại học Cardiff Metropolitan, Đại học Swinburn… và được cấp bằng với giá trị toàn cầu.

Với chương trình liên kết quốc tế, sinh viên được học bổ sung trình độ tiếng Anh trong năm đầu tiên, sau đó học 2 năm theo chương trình BTEC HND của Tổ chức Giáo dục quốc tế Pearson  - Vương quốc Anh. Năm cuối cùng sinh viên được chọn học tại Đà Nẵng hoặc chuyển tiếp tại các đối tác uy tín trên thế giới để được cấp bằng cử nhân có giá trị toàn cầu.

Theo TS. Đoàn Thị Liên Hương, Phó phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế, ưu điểm của các chương trình quốc tế là sinh viên được học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, môi trường học tập năng động, với các trang thiết bị vật chất  hiện đại, các hình thức ngoại khóa phong phú… Đặc biệt, sinh viên chương trình chính quy liên kết quốc tế được bố trí đi thực tập ngay từ năm nhất để cọ xát với thực tiễn. Chương trình này là sự lựa chọn an toàn bậc nhất cho sinh viên vì trong trường hợp rủi ro không thể đi nước ngoài, sinh viên vẫn có thể tiếp tục học tập theo hệ đào tạo chính quy và được Trường Đại học Kinh tế cấp bằng.

“Hiện tại nhà trường có khoảng 100 sinh viên đang theo học các chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Bên cạnh đó, nhà trường đã có 10 ngành đào tạo chính quy được các đối tác uy tín trên thế giới (9 trường) công nhận về chất lượng của chương trình đào tạo và đồng ý tiếp nhận sinh viên của nhà trường đến học tập trong những năm cuối của chương trình cử nhân tại trường đối tác. Mùa tuyển sinh 2020-2021, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh chương trình liên kết quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều thí sinh”, TS. Đoàn Thị Liên Hương chia sẻ.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương, Viện trưởng VNUK - ĐHĐN, nhìn nhận, 20 năm trở lại đây, khi thế giới ngày càng “phẳng” thì việc dịch chuyển học thuật cũng trở nên dễ dàng hơn; sinh viên, nhà nghiên cứu của các trường đại học đã di chuyển qua biên giới quốc gia ngày càng mạnh mẽ. Khuynh hướng này được gọi là giáo dục xuyên quốc gia - Transnational education (TNE).

Ngay từ khi thành lập năm 2014, VNUK đã thiết kế chương trình học theo tiêu chuẩn quốc tế. Học trong một môi trường đào tạo theo chuẩn quốc tế, sinh viên VNUK đã phải thích nghi với việc giao tiếp với giảng viên, bạn bè bản xứ và học tập bằng giáo trình Anh ngữ. Do đó, sinh viên VNUK khi đi chuyển tiếp không tốn nhiều thời gian cho câu chuyện sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh mà dành phần lớn “chạm” vào một nền văn hóa mới, những thử thách mới, kỹ năng xử lý vấn đề, giao tiếp với người ở châu lục khác hay làm việc nhóm trong môi trường đa văn hóa…

VNUK hiện đã xây dựng các chương trình chuyển tiếp với 3 trường đại học của Anh bao gồm Đại học Aston, Đại học Heriot-Watt, Đại học Hull, 1 trường đại học ở Tây Ban Nha là Đại học Cesine, Trường Đại học Monash (Úc) với chương trình 2 + 2.

Nhờ các chương trình chuyển tiếp cũng như trao đổi sinh viên mà không chỉ sinh viên VNUK đi ra thế giới, hằng năm, trường cũng nhận nhiều sinh viên nước khác từ Hungary, Hàn Quốc, về học tại VNUK 1 học kỳ hay có sinh viên từ Anh đến thực tập 1 năm, hoặc sinh viên từ Ấn Độ học toàn thời gian tại VNUK.

“Khuynh hướng giáo dục xuyên quốc gia đã đem đến cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học quốc tế và cũng đem lại những cơ hội tuyệt vời cho người học. Tuy nhiên, cần phải có sự tìm hiểu, chọn lọc kỹ lưỡng các đối tác liên kết để tránh trường hợp chọn các trường đại học thực sự không có thứ hạng cao tại nước sở tại”, TS. Nguyễn Thị Mỹ Hương lưu ý.

Theo ĐHĐN, đơn vị không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác và đa dạng mô hình đào tạo liên kết quốc tế; có nhiều suất học bổng, chương trình trao đổi và chuyển tiếp sinh viên với các trường nước ngoài khi theo học các chương trình liên kết quốc tế. Đây cũng là xu hướng của nhiều đại học hiện nay bởi thông qua đó, nâng cao chất lượng trải nghiệm học tập toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, mang lại tiềm năng nghề nghiệp cho sinh viên trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.