Chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

.

Sáng 5-6, phát biểu tại hội nghị trực tuyến 63 điểm cầu về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trước khi hoàn thành cấp THPT, học sinh được trải qua kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng để kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Đặc biệt, việc thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ có sự tham gia của 3 cấp thanh tra Bộ GD-ĐT, thanh tra tỉnh, thanh tra Sở GD-ĐT. Kỳ thi cũng sẽ có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ.

Để kỳ thi diễn ra tốt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên, thanh tra năm nay được cử đi coi thi, chấm thi... phải được tập huấn kỹ về quy chế thi. Sau khi tập huấn phải được test để xem cán bộ nắm đến đâu, không được tham gia cho có hoặc kiểu “đánh trống ghi tên”. Các Sở GD-ĐT cần rà soát kỹ các khâu, mọi người làm đúng vai trò, nhiệm vụ. Đặc biệt, các Sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường ôn tập, chuẩn bị tốt kiến thức cho học sinh tham gia kỳ thi... 

Thông tin tại hội nghị cho biết, kỳ thi năm nay diễn ra trong 2 ngày (9 và 10-8); Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Các cơ sở giáo dục đại học sẽ không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi.

Các công tác chuẩn bị cần được khẩn trương hoàn tất như việc hoàn thiện dữ liệu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh số báo danh, xếp phòng thi, công bố thí sinh không đủ điều kiện dự thi, chậm nhất ngày 23-7. Trả giấy báo thi cho thí sinh chậm nhất ngày 1-8 và công bố kết quả thi ngày 27-8.

Tại điểm cầu Đà Nẵng, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho biết, kỳ thi năm nay, Đà Nẵng có khoảng 11.000 thí sinh tham gia, tại 25 điểm thi. Hiện thành phố Đà Nẵng đang chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân sự, kinh phí và hồ sơ thi. Sau hội nghị này, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND thành phố thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế...

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.