25 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG (1994-2019)

Hành trình ra biển lớn

.

Ngày 4-4-1994, Đại học (ĐH) Đà Nẵng được thành lập theo Nghị định số 32/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ. Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập, phóng viên (PV) Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Đà Nẵng về sự phát triển của ĐH Đà Nẵng.

Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với Viện Công nghệ quốc tế Nhật Bản về nghiên cứu xây dựng “thành phố thông minh” tại Đà Nẵng. 					        Ảnh: HẢI ĐĂNG
Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với Viện Công nghệ quốc tế Nhật Bản về nghiên cứu xây dựng “thành phố thông minh” tại Đà Nẵng. Ảnh: HẢI ĐĂNG

* Ông cho biết ý nghĩa của việc thành lập ĐH Đà Nẵng và vai trò, lợi thế của ĐH vùng trong hệ thống giáo dục nước nhà?

- 25 năm trước, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã có quyết định thành lập hai ĐH quốc gia và ba ĐH vùng, trong đó có ĐH Đà Nẵng hình thành nên các ĐH lớn, đa ngành, đa lĩnh vực gánh vác sứ mệnh nòng cốt đổi mới và hội nhập.

Nhờ phát huy lợi thế của mô hình ĐH vùng, gắn kết các trường thành viên làm nên sức mạnh, ngày nay ĐH Đà Nẵng thực sự đã trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, nơi hun đúc trí tuệ, tài năng của khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước, nằm trong top 500 trường ĐH tốt nhất châu Á và thuộc top đầu các trường ĐH Việt Nam trên hành trình ra biển lớn.

* Những thành quả nổi bật của ĐH Đà Nẵng sau 25 năm xây dựng và phát triển là gì, thưa ông?

- Thành quả nổi bật, đáng tự hào của ĐH Đà Nẵng là đã đào tạo, cung cấp cho đất nước một lực lượng lớn cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, nhà giáo, doanh nhân... thuộc hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu. Đi đến đâu trên dải đất miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước, chúng ta đều có thể gặp các cựu sinh viên ĐH Đà Nẵng đảm nhận những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, trường học và doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước và địa phương. ĐH Đà Nẵng cũng đã góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho nước bạn Lào, trao đổi, đào tạo sinh viên quốc tế từ nhiều quốc gia khác.

Đến nay, ĐH Đà Nẵng đã tạo dựng được nền tảng, tiềm lực vững vàng, phát huy thế mạnh để tiếp tục phát triển bền vững, đó là bề dày truyền thống, uy tín và học hiệu đào tạo nhân lực chất lượng cao; là tiềm lực đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học, quản lý, phần lớn được đào tạo ở nước ngoài; hoàn thiện cấu trúc hệ thống ĐH vùng gồm có 5 trường ĐH, 1 trường CĐ (đã được phê duyệt chủ trương, đang trình các thủ tục để Thủ tướng ra quyết định thành lập Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, trực thuộc ĐH Đà Nẵng), 6 viện, phân hiệu, khoa và 35 trung tâm trực thuộc; có quy mô đào tạo thuộc top ĐH lớn nhất Việt Nam; có quan hệ hợp tác sâu rộng với hơn 200 trường ĐH, tổ chức giáo dục-khoa học trong và ngoài nước; có nhiều công trình nghiên cứu công bố quốc tế, ứng dụng thiết thực, hiệu quả phục vụ cộng đồng, đạt nhiều giải thưởng học thuật, khoa học xuất sắc...

* Những định hướng, chiến lược phát triển của ĐH Đà Nẵng trong giai đoạn mới?

- Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng, ban hành Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2035, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng (ngày 4-11-2013), thực hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi và quyết tâm cùng thành phố Đà Nẵng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Bộ Chính trị. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, ĐH Đà Nẵng nằm trong top 300 trường ĐH tốt nhất châu Á và top 50 trường ĐH hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu này, ĐH Đà Nẵng tiếp tục tập trung nỗ lực triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quy hoạch, sắp xếp, phát triển thêm các đơn vị thành viên mới, sắp đến sẽ thành lập Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn thuộc ĐH Đà Nẵng, xây dựng Đề án thành lập Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Đà Nẵng (trên cơ sở Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh); vận dụng các phương thức quản trị ĐH tiên tiến, sắp xếp bộ máy, nhân sự tinh gọn, hiệu quả, không ngừng tăng cường tiềm lực đội ngũ và triển khai lộ trình tự chủ ĐH phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Thứ hai, liên tục đổi mới chương trình, nội dung phương pháp giảng dạy, chủ động mở các ngành đào tạo mới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp; chú trọng các lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ và toán học (STEM), các ngành mũi nhọn, công nghệ cao đóng góp cho sự phát triển thành phố Đà Nẵng và các địa phương, sẵn sàng hội nhập với cách mạng công nghiệp 4.0; bảo đảm chất lượng, kiểm định trường ĐH và các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc gia và quốc tế (khu vực Đông Nam Á AUN-QA, châu Âu CTI và Hoa Kỳ ABET).

Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học tăng cường công bố quốc tế, chú trọng ứng dụng, chuyển giao tri thức, công nghệ mới góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn, cấp thiết của các địa phương, doanh nghiệp; đóng góp tích cực để xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố thông minh”, “trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp”... điểm đến của các sự kiện, hội nghị quốc tế.

Thứ tư, tiếp tục đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, không ngừng hoàn thiện một môi trường học tập, nghiên cứu chất lượng, tiện nghi, truyền cảm hứng sáng tạo cho cán bộ giảng viên và sinh viên, thu hút ngày càng nhiều các nhà khoa học, chuyên gia uy tín và sinh viên quốc tế.

Thứ năm, huy động mọi nguồn lực với quyết tâm cao triển khai dự án khu đô thị ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý-Điện Ngọc theo kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng. Đây là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển lâu dài của ĐH Đà Nẵng xứng tầm, trở thành “một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu quốc gia, có uy tín cao trong khu vực và thế giới”.

* Xin cám ơn ông.

Những thành tích, con số ấn tượng

- Huân chương Độc lập hạng ba (năm 2010); Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2004); Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2009, do nước CHDCND Lào trao tặng). Các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Sư phạm) được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất;
- Top 2-3/67 trường đại học Việt Nam (theo Unirank 2018, 2019), Top 400-500 đại học tốt nhất châu Á (theo QS-Asia 2018, 2019);

- 2.500 cán bộ, viên chức, trong đó có 1.500 giảng viên, hơn 32% có trình độ tiến sĩ trở lên (hơn 110 giáo sư, phó giáo sư; hơn 500 tiến sĩ khoa học, tiến sĩ); 55.000 sinh viên, 5.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên quốc tế với 150 chuyên ngành bậc ĐH, 44 chuyên ngành thạc sĩ, 22 chuyên ngành tiến sĩ;

- Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng đạt chuẩn chất lượng quốc tế (HCERES); 4 trường đại học thành viên đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia; xếp thứ ba trong cả nước về số chương trình đào tạo kiểm định/đạt chuẩn quốc tế với 20 chương trình đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) và châu Âu.

 HẢI ĐĂNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.