Giáo dục

Phát triển trường mầm non ngoài công lập

13:57, 16/10/2019 (GMT+7)

Do sự gia tăng dân số cơ học trong những năm gần đây, hệ thống trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu trông giữ, chăm sóc trẻ nên thời gian qua, trường mầm non ngoài công lập (gọi tắt trường tư thục) phát triển mạnh, giảm áp lực cho hệ thống trường công.

Phòng spa dành cho các cháu thư giãn cuối tuần của Trường mầm non tư thục Phương Lan.
Phòng spa dành cho các cháu thư giãn cuối tuần của Trường mầm non tư thục Phương Lan.

Trường mầm non tư thục Phương Lan dù nằm trong một kiệt nhỏ trên đường Dũng Sĩ Thanh Khê (quận Thanh Khê) nhưng vẫn có nhiều phụ huynh tìm đến gửi trẻ. Cô Trương Thị Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường thành lập từ năm 1997, ban đầu chỉ nhận trông trẻ trong khu vực, nhưng dần dần phụ huynh tìm đến nhiều hơn nên nhà trường tiếp tục mở rộng quy mô. Đến nay, trường nhận nuôi dạy, chăm sóc gần 200 cháu.

Theo cô Thảo, số lượng trường tư thục ngày một nhiều nên để cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, ngoài việc tận tình chăm sóc, nuôi dạy trẻ, nhà trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hài hòa từ sân trường đến lớp học. Trong công tác chăm sóc, nuôi dạy, trường hướng đến giáo dục kỹ năng và các hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, trường có một phòng “spa baby” cho các cháu thư giãn cuối tuần. “Đây là phần thưởng dành cho các bé ngoan xuất sắc được lớp bình chọn hằng tuần. Tại đây, các cháu được chăm sóc sức khỏe qua các hình thức massage, gội đầu, ngâm chân và được uống nước trái cây. Ban đầu cô giáo sẽ làm cho các cháu, sau đó các cháu tự làm với nhau. Hoạt động này giúp các cháu gần gũi cô hơn; thông qua đó, các cô cũng giáo dục kỹ năng cho các cháu”, cô Thảo chia sẻ.

Trường mầm non tư thục Búp Sen Xanh (quận Cẩm Lệ) nằm ở khu vực yên tĩnh với không gian thoáng đãng cho hoạt động vui chơi của trẻ. Sau hơn 8 năm, trường đã chăm sóc, nuôi dạy trên 300 cháu. Cô Trần Thái Uyên Miêng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi lớp có 3 cô giáo để bảo đảm chăm sóc các cháu. Các cô được đào tạo nghiệp vụ bài bản; thêm vào đó, hầu như mỗi ngày, mỗi tuần đều có hoạt động mới cho trẻ tại các lớp và mỗi tháng sẽ có hoạt động lớn của nhà trường. “Trong các ngày lễ, nhà trường còn tổ chức chương trình có phụ huynh tham gia để tạo sự tương tác tốt trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ”, cô Miêng cho hay.

Trong khi đó, Trường mầm non tư thục Bảo Anh (quận Ngũ Hành Sơn) ra đời từ năm 1992. Sau 27 năm đi vào hoạt động, ngôi trường đã xuống cấp nên nhà trường kêu gọi đầu tư cơ sở mới và đưa vào hoạt động từ đầu tháng 9-2019. Đại diện nhà trường cho biết, trẻ mầm non cần chơi mà học, học mà chơi nên muốn có kết quả tốt phải tạo mọi điều kiện cho trẻ trải nghiệm và thu nhận kiến thức để tự tin bước vào lớp 1. Công tác đầu tư cơ sở vật chất vì vậy là điều quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trẻ toàn diện.

Đại diện Sở GD-ĐT cho biết, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh, do đó hệ thống mạng lưới trường mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có xu hướng phát triển mạnh. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 207 trường mầm non, trong đó có 70 trường công lập, 137 trường mầm non dân lập và tư thục. Ngoài ra, toàn thành phố còn có gần 1.000 nhóm, lớp độc lập, tập trung nhiều ở các địa phương có khu công nghiệp. Số trẻ mầm non đến các cơ sở giáo dục mầm non tư thục chiếm 64,1%. Việc phát triển mạng lưới trường mầm non tư thục thời gan qua đã góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống mầm non công lập.

Bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, việc quản lý các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được các cấp chính quyền địa phương quan tâm sâu sát và hiện tượng các cơ sở hoạt động không phép đã giảm. “Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao thể hiện qua các hoạt động giáo dục đa phần đều hướng đến sự trải nghiệm của trẻ. Các cơ sở giáo dục mầm non cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện quy chế chuyên môn đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Một số trường thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn tâm lý và thể chất cho trẻ”, bà Đặng Thị Cẩm Tú chia sẻ.

Tuy nhiên, ngành giáo dục thành phố cũng cảnh báo về sự lơ là trong việc quản lý của các ngành, các cấp ở địa phương. Do đó, theo Sở GD-ĐT, các Phòng GD-ĐT khi cấp phép hoạt động cho trường mầm non tư thục phải đẩy mạnh việc hậu kiểm và phúc tra để chấn chỉnh những sai sót. Các xã, phường cần phối hợp với các trường công lập trên địa bàn trong việc giám sát quản lý chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục... Có như vậy, trường tư thục mới phát huy được hiệu quả, góp phần giảm gánh nặng cho trường công lập.

Bài và ảnh: AN NHIÊN

.