Giáo dục

Chống xâm hại trẻ em: Cần xây dựng môi trường tích cực

09:24, 09/10/2019 (GMT+7)

Mới đây, trong chuyến công tác đến Đà Nẵng nhằm đánh giá “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Trưởng đoàn giám sát số 2 của Quốc hội đã đánh giá rất cao công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Đà Nẵng khi nhiều năm liền dẫn đầu toàn quốc trong nhiệm vụ này.

Trao quà cho trẻ em khó khăn nhân dịp Tết Trung thu.
Trao quà cho trẻ em khó khăn nhân dịp Tết Trung thu.

Để có được điều này, cùng với sự lãnh đạo của thành phố là sự chung tay của toàn xã hội, các tổ chức, cá nhân khi cùng hướng sự yêu thương đến trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, công tác truyền thông về trẻ em luôn “đi trước một bước” với sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan truyền thông. Từ nhiều năm qua, các cơ quan truyền thông đã xây dựng và định hình được các chuyên mục, thu hút sự quan tâm của xã hội như VTV8, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng duy trì hiệu quả chuyên mục “Góc nhìn từ cuộc sống”; Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố hằng tháng có chuyên trang dành riêng cho trẻ em...

Các chiến dịch, chương trình lớn về công tác trẻ em như: Ngày hội tuổi thơ, “Viết tiếp ước mơ”, “Mái ấm tình người”; dự án “Hỗ trợ trang bị kỹ năng truyền thông sống, kỹ năng chăm sóc cho các bà mẹ đơn thân dưới 25 tuổi có con nhỏ dưới 5 tuổi tại cộng đồng”; hay các chương trình dạy bơi cho học sinh trong dịp hè; hoạt động câu lạc bộ, đội nhóm của trẻ em khiếm khuyết như “Sống độc lập”... đều có sự đồng hành có trách nhiệm của truyền thông. Chính điều này đã tạo nên hiệu ứng xã hội rất tốt trong công tác bảo vệ cũng như chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Bên cạnh đó là sự đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao và tình thương yêu trẻ thơ của đội ngũ cộng tác viên. Sở LĐ-TB&XH đã làm tốt công tác phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện trong việc xây dựng và củng cố đội ngũ 1.809 cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em. Có thể nói, đây là đội ngũ đắc lực, sâu sát nhất về công tác trẻ em và trở thành cầu nối đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến từng gia đình cũng như có mặt kịp thời mỗi khi trẻ em cần sự hỗ trợ, giúp đỡ.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, với mục tiêu mỗi giáo viên, học sinh trở thành một tuyên truyền viên tốt về Luật Trẻ em, thành phố đã có được một đội ngũ cộng tác viên hùng hậu trong việc tuyên truyền Luật Trẻ em nói chung cũng như các vấn đề khác về trẻ em. Vì vậy, các nhân tố điển hình dễ dàng được nhân rộng; ngược lại, yếu tố xấu ảnh hưởng đến trẻ em sớm bị phát hiện và kìm chế, xử lý.

Trong thành công chung đó, tùy theo đặc điểm từng ngành, các đơn vị đều có nhiều nỗ lực, sáng kiến bảo vệ trẻ em cũng như dành cho trẻ em những gì tốt nhất. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, khách quan của các cơ quan chức năng trong việc nhận diện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện thành phố có 237.438 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 2.829 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 12.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đây là những con số rất đáng lo ngại, bởi thời gian qua, từ thực tế cho thấy đa số trẻ em vi phạm pháp luật xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly thân, ly dị, hoặc ba mẹ quá bận rộn làm ăn nên thiếu thời gian chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tình trạng trẻ bỏ nhà ít ngày đi lang thang đã có, nhiều trường hợp sáng ba mẹ chở con đến trường và phó thác hết cho nhà trường hoặc các lớp học thêm, đến tối mới đón con về đã tạo nên khoảng thời gian trống dễ khiến các em bị sa vào trò chơi điện tử, thậm chí là thử chất cấm. Những thành viên còn rất trẻ của các câu lạc bộ Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy ở thành phố đều có hoàn cảnh như vậy...

Theo bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố, hiện nay, nhận thức của một bộ phận phụ huynh về công tác bảo vệ, chăm sóc con của mình vẫn còn khoảng trống. Qua gần 100 buổi tư vấn cộng đồng và 45 trường hợp Trung tâm tư vấn trực tiếp cho phụ huynh trong 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, nhiều phụ huynh vẫn lúng túng trong việc nuôi dạy và bảo vệ con trước tác động tiêu cực của xã hội, đặc biệt là tác động từ mặt trái của mạng xã hội.

Trong số gần 15.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khoảng 600 em có ba mẹ ly hôn và cũng chừng đó trường hợp trẻ em bị bỏ rơi phải sống ở các trung tâm bảo trợ xã hội. Đây thực sự là những con số rất cần sự lưu tâm từ các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng nhằm giúp trẻ tránh được thói hư tật xấu, để các em được sống trong môi trường tốt, trở thành những công dân tốt cho thành phố sau này.

Bài và ảnh: Thanh Vân

.