Tháo gỡ điểm nghẽn trong hợp tác hàng không du lịch

.

ĐNO - Chiều 27-12, Báo Văn hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo: "Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu”. Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến đồng chủ trì hội thảo.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến Nhờ sự phối hợp tích cực của các hãng hàng không, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không tăng trưởng rõ rệt qua từng năm. Ảnh: THU HÀ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THU HÀ

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, thời gian qua ngành hàng không đã rất nỗ lực, tích cực xúc tiến mở nhiều đường bay quốc tế mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và du lịch, đem đến cho khách hàng nhiều lựa chọn về chuyến bay, thời gian bay, trải nghiệm bay tốt; góp phần khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch của từng địa phương.

Năm 2022, thị trường du lịch dần khôi phục, tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế. Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với kế hoạch.

Trong đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 t đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch đặt ra năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.

Các đại biểu thảo luận xoay quanh các giải pháp, đề xuất để sớm phục hồi hàng không, du lịch. Trong ảnh: Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: THU HÀ
Các đại biểu thảo luận xoay quanh các giải pháp, đề xuất để sớm phục hồi hàng không, du lịch. Trong ảnh: Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: THU HÀ

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, năm 2022 được xem là năm đánh dấu sự trở lại cũng như phục hồi của ngành hàng không và du lịch cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Ngay sau khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoàn toàn du lịch, thành phố đã nỗ lực không ngừng để khôi phục các đường bay đến Đà Nẵng, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá thông qua việc tổ chức các sự kiện có quy mô quốc tế...

Trong đó  Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022. Đây là sự kiện kết nối du lịch - hàng không hàng đầu châu Á, lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng thu hút hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực hàng không - du lịch.

Với những nỗ lực trên, năm 2022, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với năm 2021, phục hồi 50% so với năm 2019. Hiện có 23 đường bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó có 15 đường bay quốc tế trực tiếp được khôi phục và khai thác trung bình 19 chuyến/ngày.

“Hàng không chính là cầu nối rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, giúp các điểm đến trở nên gần hơn, thuận lợi hơn với cộng đồng trong phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại và gia tăng lượng khách du lịch tới các điểm đến.

Nhờ sự phối hợp tích cực của các hãng hàng không, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không tăng trưởng rõ rệt qua từng năm; đồng thời giúp tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp các nước. Thành phố cam kết sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khôi phục hoạt động du lịch - hàng không trên địa bàn thành phố, bà Ngô Thị Kim Yến cho hay.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, để đạt được mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa vào năm 2023, cần tập trung một số giải pháp như: hợp tác phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp với xu hướng thị trường, hàng không và du lịch tiếp tục bắt tay để đầu tư, xây dựng các gói sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác, làm mới dòng sản phẩm du lịch chủ đạo.

Bên cạnh đó triển khai tốt chiến dịch xúc tiến, quảng bá với chủ đề “Live fully in Viet Nam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam); ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; đề xuất các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch. Đồng thời phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực cho ngành hàng không và du lịch, có các chính sách thu hút người lao động quay trở lại ngành.

Tại hội thảo các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận và đề xuất giải pháp thích ứng với tình hình mới để phát triển du lịch Việt Nam bền vững giải pháp liên kết, phối hợp giữa ngành hàng không và du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến Việt Nam; cải cách hành chính, cắt giảm quy trình thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh, phát triển…

Ông Bùi Minh Đăng, Phó phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) đề nghị Chính phủ xem xét các quy định đối với visa cho khách du lịch quốc tế theo hướng nới lỏng (tăng thời hạn lưu trú và mở rộng phạm vi các quốc gia được miễn visa nhập cảnh Việt Nam);

Ngoài ra, xem xét chính sách khuyến khích, phát triển các loại hình kinh doanh hàng không chung để phục vụ khách du lịch như: bay taxi, bay tham quan, ngắm cảnh, các chuyến bay tư nhân (private flight) cho các nhóm khách du lịch có khả năng chi trả cao…

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, việc phục hồi ngành hàng không phụ thuộc rất lớn vào nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19, khi nguồn khách này chiếm tới 70% lượng khách vận chuyển bằng đường hàng không.

Do đó, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam nên có những chính sách giảm 50% gói phục vụ mặt đất (phí cất, hạ cánh) đối với các chuyến bay quốc tế từ các thị trường Mỹ, châu Âu, Úc… khai thác tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm bắt đầu khai thác.

Đồng thời có các chính sách, hỗ trợ đặc biệt cho các hãng hàng không quốc tế trong 1 tháng đầu tiên mở đường bay trực tiếp đến như: miễn phí thuê văn phòng, quảng bá truyền thông tại sân bay...

THU HÀ

 

;
;
.
.
.
.
.