.
Giải pháp thu hút FDI vào Đà Nẵng

Tháo gỡ "nút thắt" nguồn nhân lực chất lượng cao

.

1.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và để kinh tế Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, chuyển dần sang kinh tế tri thức, việc đẩy mạnh thu hút và phát huy hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là đòi hỏi khách quan và cấp thiết hiện nay.

Để thực hiện điều đó, bên cạnh tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách kinh tế và cơ chế quản lý cùng với nâng cao tầm vóc và chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố, giải pháp then chốt mang tính đột phá tháo gỡ “nút thắt” cản trở hiện nay là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) đáp ứng tốt nhất yêu cầu ngày càng cao của các đối tác, các nhà đầu tư.

Đà Nẵng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. TRONG ẢNH: Sản xuất thuốc tại Công ty CP dược Danapha được vận hành bởi đội ngũ nhân lực trình độ cao. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đà Nẵng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. TRONG ẢNH: Sản xuất thuốc tại Công ty CP dược Danapha được vận hành bởi đội ngũ nhân lực trình độ cao. Ảnh: VIỆT DŨNG

Có thể nhìn nhận điều này từ nhiều phương diện, xin dẫn ra một số gợi mở như sau:

Một là, Phát triển và đáp ứng tốt nhất yêu cầu NNLCLC cho các nhà đầu tư FDI sẽ là điều kiện quan trọng để Đà Nẵng có thể chiến thắng trong cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư FDI trên thị trường vốn FDI trong nước và nước ngoài (nhất là các nước lân cận). Và khi đó, tự nó sẽ tạo cơ hội tăng cường thu hút và phát huy cao nhất hiệu quả FDI.

Hai là, Phát triển và đáp ứng NNLCLC cho các nhà đầu tư FDI sẽ là yếu tố then chốt để địa phương đi sau với kết quả thu hút và phát huy hiệu quả FDI của thành phố còn nhiều hạn chế trong thời gian qua có thể vượt lên, tạo đột phá mới. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, do NNLCLC nhìn chung không những chưa đáp ứng nhu cầu về cả quy mô lẫn chất lượng theo tiêu chuẩn của nhà đầu tư FDI (nhất là các lĩnh vực CNTT, điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, dịch vụ, du lịch v.v…) mà còn chưa tương thích với yêu cầu mới trong công tác xúc tiến và quản lý FDI của các tổ chức, cơ quan trên địa bàn thành phố.

Ba là, Trong điều kiện sự phát triển bùng nổ khoa học-kỹ thuật đòi hỏi Đà Nẵng phải khẩn trương phát triển kinh tế tri thức, việc phát triển NNLCLC tạo cơ hội thu hút mạnh mẽ FDI với các tập đoàn lớn có công nghệ nguồn, hiện đại, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghệ thông tin (trước hết tại Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung…) và các dịch vụ cao cấp mà Đà Nẵng có lợi thế, mang lại nhiều giá trị gia tăng và chiếm thị phần lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; là cơ hội mới cho Đà Nẵng.    

Bốn là, Phát triển NNLCLC là cơ hội lý tưởng đáp ứng nhu cầu và mong muốn được học tập, đào tạo nâng cao trình độ, hoàn thiện kỹ năng của người lao động để được tham gia vào những vị trí lao động có trình độ cao trong doanh nghiệp FDI cũng như trong các cơ quan xúc tiến và quản lý FDI tại Đà Nẵng.

Năm là, Phát triển NNLCLC còn là tiền đề để Đà Nẵng trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp NNLCLC cho thu hút và phát huy hiệu quả FDI miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, cũng như tham gia hiệu quả vào thị trường lao động Cộng đồng ASEAN, quốc tế...

2.

Chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của khu vực FDI có thể được hiểu là khả năng đáp ứng và thích ứng nhanh với môi trường lao động, với công nghệ mới; có năng lực chuyên môn và trình độ thành thạo nghề cao; có tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, ý chí vượt khó, bền bỉ trong công việc; có đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần hợp tác tập thể; biết ngoại ngữ...

Để có được chất lượng nguồn nhân lực về cơ bản, lâu dài phải thực hiện cải cách giáo dục, trong bài viết này chỉ nêu một số nhóm giải pháp trực tiếp góp phần phát triển và đáp ứng chất lượng NNL nhằm thúc đẩy thu hút và phát huy hiệu quả FDI trên địa bàn Đà Nẵng.

Thứ nhất, Về xác định nhu cầu NNL:

- Tiến hành rà soát, điều chỉnh chiến lược thu hút và phát huy hiệu quả FDI  hiện có. Trong đó, vấn đề quan trọng là xác định danh mục (hoặc ít nhất là xác định nhóm tiểu ngành) kêu gọi FDI, chú trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao (cơ khí chính xác, điện tử, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học…), công nghệ thông tin, dịch vụ, du lịch và chủ động cập nhật bổ sung khi xuất hiện của những ngành, nghề mới.

- Căn cứ chiến lược thu hút và phát huy hiệu quả FDI ở trên, nghiên cứu, dự báo nhu cầu NNL về số lượng, chất lượng, cơ cấu theo trình độ - ngành nghề có phân kỳ theo giai đoạn; xác lập chuẩn kiến thức, chuyên môn, năng lực tiếp thu, tay nghề và kỹ năng cụ thể… bám sát và đáp ứng nhu cầu NNL cho từng ngành nghề, danh mục/nhóm tiểu ngành.

Thứ hai,  Đảm bảo nhu cầu số lượng và chất lượng NNL:

- Thành phố nên chỉ đạo, phối hợp với các chủ thể đào tạo NNL, trước hết là tại địa bàn Đà Nẵng, xác lập chuẩn đầu ra và chương trình khung đào tạo, giáo dục nghề theo hướng tăng cường kỹ năng chuyên sâu cho từng loại lao động, ngành nghề, tập trung đối với một số ngành kinh tế - kỹ thuật trọng yếu làm cơ sở kiểm định chất lượng đào tạo, giáo dục nghề theo định hướng phù hợp chuẩn quốc tế và đặc thù FDI Việt Nam.

- Rà soát, đánh giá các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nhằm xem xét và có thể điều chỉnh quy mô và chất lượng cho phù hợp với nhu cầu (cả cho các doanh nghiệp trong nước và FDI). Vấn đề cần coi trọng là gắn kết giữa chủ thể đào tạo, giáo dục nghề với nhà tuyển dụng FDI, thực hiện đào tạo theo địa chỉ, theo hợp đồng.

Thành phố nên khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư FDI thực hiện các chương trình mục tiêu (có thể thông qua mở các lớp, khóa học) đào tạo, dạy nghề, chuyển giao kỹ năng lao động, quản lý cho người lao động; đồng thời có thể mở rộng hợp tác, liên kết với các chủ thể đào tạo có uy tín quốc tế.

- Coi trọng hoạt động bồi dưỡng và đào tạo lại kết hợp với đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng; khuyến khích tự học tập chuyên môn, tự rèn luyện kỹ năng cho người lao động kể cả những người đang làm công tác có liên quan đến xúc tiến và quản lý FDI để công việc này ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Thứ ba, Phát triển và quản lý thị trường lao động:

- Phát triển thị trường lao động và việc làm có tính đến đặc thù của hoạt động thu hút, tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu FDI. Thông qua tổ chức các phiên chợ lao động chuyên ngành, thậm chí theo dự án hoặc phân tầng theo năng lực, trình độ chuyên môn kinh tế - kỹ thuật, trình độ lành nghề.

- Đảm bảo dân chủ, bình đẳng giữa các bên trong quan hệ giao dịch về lao động, thúc đẩy cơ chế đối thoại, thỏa thuận.

- Thông qua thị trường, thành phố có chính sách, thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao trong nước và kể cả lao động nhập cư (trước hết từ Cộng đồng ASEAN) đến làm việc trong các doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng…

- Thành phố chủ động phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường lao động đúng pháp luật, lành mạnh phục vụ tốt nhất việc đáp ứng nguồn lao động cho nền kinh tế nói chung và FDI nói riêng.

Thứ tư, Đổi mới hoạt động quản lý của thành phố về phát triển và đáp ứng NNLCLC cho khu vục FDI:

- Thường xuyên tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển khu vực FDI và từng ngành, lĩnh vực hoạt động  phù hợp với điều kiện cụ thể và nâng cao tính khả thi các dự án FDI;

- Có chính sách điều tiết quy mô, chất lượng và cơ cấu đào tạo, giáo dục nghề bám sát nhu cầu phát triển FDI, khắc phục tình trạng mất cân đối và lãng phí trong đào tạo.

- Tập trung hoàn thiện, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động bộ máy xúc tiến và quản lý đầu tư FDI, nghiên cứu hình thành một bộ phận chịu trách nhiệm thu thập, xử lý, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu lao động nhằm phục vụ và đáp ứng yêu cầu của khu vực kinh tế FDI.

- Hoàn thiện chính sách đầu tư tài chính của thành phố đi đôi với khuyến khích và tạo điều kiện để huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp đào tạo và phát triển NNL.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân, các nhà trường, các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm phát triển và sử dụng hiệu quả NNLCLC để phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói chung và tăng cường thu hút và phát huy hiệu quả FDI nói riêng.

TS Huỳnh Năm

;
.
.
.
.
.