.

Hàng Thái tràn ngập thị trường Đà Nẵng

.

Cùng với việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, đặc biệt là khi các hiệp định thương mại được ký kết trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thái Lan đã nhanh chân vào thị trường Đà Nẵng tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Hàng Thái đã “phủ sóng” tại Thương xá chợ Hàn.
Hàng Thái đã “phủ sóng” tại Thương xá chợ Hàn.

Với chiến lược “mưa dầm thấm lâu”, các DN của Thái Lan đang đẩy mạnh thị phần ở Đà Nẵng. Hàng loạt các sản phẩm có nguồn gốc từ Thái Lan đang chiếm cảm tình của người tiêu dùng như hàng may mặc, hóa mỹ phẩm, gia dụng, nội thất, thực phẩm…

Tại các khu vực đông dân cư của Đà Nẵng, một số nhà kinh doanh Thái Lan trực tiếp đầu tư, hoặc tìm các DN, đại lý ở địa phương làm mạng lưới phân phối hàng Thái. Trong khoảng đầu năm nay, các cửa hàng chuyên doanh hàng Thái Lan mọc lên ngày một nhiều tại Đà Nẵng.

Chỉ cần so sánh chất lượng cùng chủng loại một số hàng hóa ngoại nhập từ các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Malaysia, có thể thấy hàng Thái Lan “trội” hơn hẳn. Và so với nhiều mặt hàng Việt Nam, hàng Thái cũng chiếm ưu thế.

Điều này có thể lý giải vì sao các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày của Thái Lan tuy giá cả đắt hơn hàng Việt từ 10-15% nhưng được người tiêu dùng chấp nhận. Chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, chủ cửa hàng Shop Thái trên đường Nguyễn Lương Bằng cho hay: “Hàng Thái ở đây bán được lắm vì mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, chất lượng thì ai đã dùng rồi, đều yên tâm. Không phải bây giờ người dân mới có xu hướng dùng đồ Thái Lan mà từ hàng chục năm trước, sản phẩm đã được người dân ưa chuộng và tin dùng…”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước, tính về số lượng thì hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai sau hàng Trung Quốc. Hiện sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác, nhất là hàng điện tử, điện lạnh chiếm tới 70% thị phần, mặt hàng trái cây chiếm gần một nửa…

Riêng tại Đà Nẵng, những mặt hàng này chiếm khoảng 40% thị phần bởi các DN Thái đã rất nhanh chân xúc tiến thị trường. Mới đây, khi biết Sở Công thương thành phố Đà Nẵng tổ chức hoạt động kết nối cung-cầu, không ít DN Thái đã “đổ” hàng về cho tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường phân phối…

Ông Nguyễn Bá Quang, chủ đầu tư Thương xá chợ Hàn bộc bạch: “Từ đầu năm 2015, khi thương xá chưa hoàn thành đã có hàng chục DN Thái Lan tìm đến thương thảo và ký kết các hợp đồng. Dự kiến cuối tháng 3 này, riêng hàng tiêu dùng Thái Lan sẽ chiếm hết diện tích tầng 1 và 1/2 tầng 2 của thương xá chợ Hàn”.

Ông Quang phân tích, yếu tố khiến hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt ưa thích là vì giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt 10-15% và rẻ bằng một nửa so với hàng hóa có xuất xứ từ châu Âu, nhưng chất lượng lại không thua kém. Trong khi đó, sản phẩm sản xuất trong nước chậm đổi mới mẫu mã, chất lượng không đồng đều, nên chỉ phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp. Trong điều kiện giá cả không còn là mối quan tâm của người tiêu dùng thì chất lượng đang là công cụ cạnh tranh hữu hiệu.

Trong khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đang được tuyên truyền sâu rộng đối với mọi tầng lớp nhân dân thì hàng Thái “danh chính ngôn thuận” tung hoành ở trong nước. Chính điều này đã tạo thêm một sức ép cạnh tranh đối với hàng Việt.

Lẽ dĩ nhiên, khi DN Việt Nam bước vào sân chơi lớn sẽ khó tránh khỏi sự đối mặt mang tính cạnh tranh gay gắt này. Cạnh tranh trong sân chơi bình đẳng là chuyện các DN Đà Nẵng cũng như trong nước phải chấp nhận, tuy nhiên muốn tồn tại và đứng vững các DN sẽ phải có hướng đi riêng.

Theo ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, không phải chờ đến khi hội nhập, các DN Thái qua đây thì DN trong nước mới sốt sắng tìm lối đi. Thực ra, đối với số DN có tiềm lực họ cũng đã lo từ rất sớm và đón đầu chuyện này.

Khi đã hội nhập thì phải chấp nhận thị trường chung, đánh vào thị hiếu người tiêu dùng trong nước để từ đó có phân khúc thị trường hợp lý. Và điều quan trọng nữa là DN phải chủ động xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh về mọi mặt với hàng hóa nước ngoài nói chung chứ không riêng gì hàng Thái Lan.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.