.
Giải pháp thu hút FDI vào Đà Nẵng

Tạo làn sóng đầu tư mới

.

Trong thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình thu hút FDI của thành phố Đà Nẵng vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với giai đoạn 2006-2010, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm giai đoạn 2011-2015 chỉ bằng khoảng 50% (tổng vốn cấp mới và tăng thêm giai đoạn 2006-2010 đạt hơn 2,4 tỷ USD).

Thực tế trên cho thấy, vấn đề thu hút FDI vào Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015 vẫn còn thấp so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và chưa xứng với tiềm năng cũng như sự kỳ vọng của thành phố. Trong thời gian tới, để công tác vận động và thu hút FDI của thành phố có hiệu quả cao, theo tôi, thành phố cần phải thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp sau:

Một là, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường vận động và thu hút FDI, thành phố phải bảo đảm nguyên tắc sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng Nhân dân và sự quản lý điều hành thống nhất của UBND thành phố đối với công tác này.

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng thúc đẩy thu hút FDI. Ảnh: THÀNH LÂN
Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng thúc đẩy thu hút FDI. Ảnh: THÀNH LÂN

Hai là, tiếp tục hoàn thiện môi trường và chính sách thu hút FDI vào thành phố, bằng cách quán triệt sâu rộng cho các cơ quan, sở, ban, ngành, nhất là Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố… thực hiện tốt Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp và các nghị định của Chính phủ về công tác thu hút FDI.

UBND thành phố cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động thu hút FDI trong thời gian tới; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Trung ương cũng như của địa phương đã ban hành (về thuế, các vấn đề liên quan đến đất đai, giải tỏa, đền bù, giá thuê đất).

Cần có chính sách xử lý linh hoạt hơn việc chuyển đổi, thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đã được Chính phủ phê duyệt, cần lập quy hoạch chi tiết cho đầu tư nước ngoài theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực phù hợp với định hướng phát triển của ngành đó, khu vực đó.

Đẩy mạnh chiến lược xúc tiến đầu tư của thành phố, đề ra các chương trình xúc tiến đầu tư cụ thể hằng năm, hằng quý và bố trí ngân sách phù hợp để thực hiện các chương trình này. Tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trong việc triển khai thực hiện dự án, giải quyết nhanh chóng và có hiệu lực những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp FDI trong quá trình sản xuất, kinh doanh; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng vốn, mở rộng sản xuất hoặc đầu tư thêm dự án mới.

Tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư với các sở, ban, ngành liên quan của thành phố trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ nhà đầu tư trong việc xây dựng và triển khai dự án.

Ba là, củng cố, hoàn thiện và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trong sự gắn kết với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng. Có cơ chế tạo vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm. Khẩn trương xây dựng quy hoạch và bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội thành phố trên tinh thần Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX).

Bốn là, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu quả trong vận động và thu hút FDI của thành phố. Để thực hiện tốt chiến lược này cần phải tiến hành rà soát lại đội ngũ cán bộ; tăng cường tuyển dụng, thu hút nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đủ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, điều hành, hiểu biết pháp luật trong nước và luật quốc tế, giỏi về ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn… để đáp ứng tốt yêu cầu thu hút FDI và hội nhập của thành phố.

Thành phố cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của các doanh nghiệp FDI. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm tính bền vững của phát triển kinh tế, đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn trong thu hút FDI.

Với một đội ngũ công nhân lành nghề có kỹ thuật, các chuyên gia quản lý giỏi sẽ rất thuận lợi cho hợp tác liên doanh với đối tác nước ngoài. Nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm cho việc tiếp thu công nghệ mới, làm chủ kỹ thuật và quy trình công nghệ giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể sử dụng lao động tại chỗ và thực hiện triển khai công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn.

Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các dự án FDI như làm tốt công tác phân công, phân nhiệm đối với các cơ quan quản lý hành chính và cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư. Làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh của các chủ đầu tư trên cơ sở có sự phối hợp các hình thức kiểm tra.

Tuy nhiên, việc tiến hành các hoạt động kiểm tra phải tuân thủ những quy định của Nhà nước Việt Nam và tránh gây phiền hà cho các chủ đầu tư nước ngoài. Triển khai việc thực hiện kiểm toán ở tất cả dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh.

Thông qua hoạt động kiểm toán, các cơ quan quản lý sẽ nắm chắc hơn kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI; chấm dứt tình trạng chạy theo số lượng hoặc tự tiện điều chỉnh những khoản đã cam kết trong giấy phép đầu tư mà không có sự bàn bạc, nhất trí của các bên liên quan. Kiểm tra kỹ luận chứng có căn cứ chắc về hàng hóa xuất khẩu và thu ngoại tệ, tránh tình trạng doanh nghiệp tự ý tăng tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ nội địa lên quá mức quy định. Có biện pháp khắc phục tình trạng du nhập công nghệ lạc hậu.

Sáu là, thành phố phải tiến hành rà soát các văn bản không còn phù hợp với thực tế để có cơ sở ban hành các văn bản mới phù hợp với điều kiện mới, tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong công tác vận động, thu hút FDI của các địa phương trong và ngoài nước.

Trong những năm qua, đa phần vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố tập trung đầu tư bất động sản mà chưa chú trọng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giá trị cao; vì vậy cần thu hút nguồn vốn lớn và tập trung vào các ngành nghề có giá trị cao như công nghệ thông tin, điện - điện tử, sản xuất hàng phụ trợ, linh kiện máy bay...

Bảy là, có kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, tranh thủ xúc tiến tại các diễn đàn, hội chợ quốc tế và khu vực, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, nhất là các đối tác và địa phương của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU, Đài Loan, Singapore, Malaysia...; quyết tâm tạo ra một làn sóng đầu tư mới trong những năm tới.

Công tác vận động và thu hút FDI vào thành phố trong điều kiện kinh tế khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI giữa các địa phương và các nước láng giềng gay gắt đã đặt ra cho Đà Nẵng một nỗ lực và quyết tâm lớn.

Với những lợi thế so sánh về vị trí địa lý và hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, cộng với những khả năng tiềm ẩn của mình, cùng một số giải pháp trên sẽ có tác động tích cực đẩy mạnh thu hút FDI vào thành phố Đà Nẵng trong điều kiện mở rộng quan hệ quốc tế hiện nay.

ThS. Nguyễn Văn Tuấn

Học viện Chính trị khu vực 3

;
.
.
.
.
.