Hỗ trợ cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt

.

ĐNO - Thời gian qua, những cán bộ thuộc Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ tham vấn cho nhiều trẻ em, giúp các em trở lại với cuộc sống bình thường.

Trang bị cho trẻ em các kỹ năng phòng, chống xâm hại; giúp các em tiếp cận nhiều sách hay, bổ ích. Trong ảnh: Tặng sách cho trẻ em ở huyện Hòa Vang.
Trang bị cho trẻ em các kỹ năng phòng, chống xâm hại; giúp các em tiếp cận nhiều sách hay, bổ ích. Trong ảnh: Tặng sách cho trẻ em ở huyện Hòa Vang.

Đơn cử như bé Ph. (15 tuổi, tỉnh Quảng Nam) cùng mẹ đến Trung tâm tìm sự hỗ trợ tâm lý. Phương sống trong gia đình có mẹ là dược sĩ và quan tâm đến việc học của con, từ nhỏ Phương đã là học sinh xuất sắc thường đứng top 3 của lớp và cũng đạt học sinh giỏi cấp huyện.

Trong năm học 2022-2023, Phương bắt đầu có những triệu chứng như: không thể ghi nhớ bài, thường xuyên cáu khỉnh, có những biểu hiện khó thở, các mối quan hệ thu hẹp, hay khóc. Tháng 2-2023, em đến Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng được kết nối đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để thăm khám thì được chẩn đoán có rối loạn lo âu.

Cùng với điều trị thuốc tại Bệnh viện Tâm thần, em cũng tham gia trị liệu trực tiếp tại Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng. Với việc thiết lập mối quan hệ hiệu quả với Phương và sự quan tâm tích cực hợp tác của mẹ trong quá trình Phương trị liệu. Sau gần 3 tháng trị liệu tại Trung tâm Phương bắt đầu có những suy nghĩ tích cực hơn, biết kiểm soát khi có cơn lo lắng, cũng như thực hiện được việc thư giãn hằng ngày.

Em Q. A, (18 tuổi, ở Đà Nẵng), em được gia đình đưa đến Trung tâm hỗ trợ tâm lý. Ba mẹ Anh li dị từ nhỏ, từ lúc 5 tuổi đến giờ, Anh sống cùng Ba và gia đình nội, ba Anh thường xuyên đi làm xa để kiếm thêm thu nhập, Anh hay ở cùng ông bà nội và chú. Cũng chính chú là người thấy Anh có những biểu hiện bất thường và đưa đến Trung tâm. Trong năm học 2022-2023 Anh cũng không đạt được kết quả tốt trong học kì I, thường xuyên ngồi một mình trong phòng, có những lần chú thấy Anh khóc một mình.

Trong tháng 5-2023, Anh được đưa đến Trung tâm công tác xã hội thành phố Đà Nẵng, được hỗ trợ tham vấn. Bản thân Anh có những chia sẻ liên quan về việc bạn bè trêu chọc về giới tình của mình. Sau gần 2 tháng tham vấn tại Trung tâm và thời gian 1 tuần có 3 phiên tham vấn, Anh được cung cấp kiến thức liên quan đến bản nhận dạng giới bản thân, em cũng rõ xu hướng thể hiện giới của bản thân. Ứng xử phù hợp với bản nhận dạng giới của bản thân. Hiểu biết và ứng xử với mối quan hệ an toàn cùng giới và khác giới.

Việc Anh hiểu chính mình, nhận ra các giá trị bản thân sau khi tham vấn tâm lý, giúp Anh tự tin hơn vào bản thân mình, phản ứng tích cực khi bị trêu chọc như trước, không còn những suy nghĩ muộn phiền, cuộc sống dần cân bằng trở lại và tập trung vào học tập

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết đơn vị đã tiếp nhận và tư vấn 30 trường hợp tại văn phòng và thông qua điện thoại 0236.2214668. Đồng thời can thiệp, trợ giúp 5 trẻ gặp khó khăn về giao tiếp, trí tuệ, vận động, 8 trường hợp hỗ trợ tư vấn tham vấn tâm lý tại trung tâm.

Tổng đài vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đến thời điểm báo cáo đã tiếp nhận 1935 cuộc gọi và qua email, gồm: 1829 ca tư vấn và 98 ca can thiệp hỗ trợ liên quan tới các vấn đề về trẻ em. Trong đó, riêng địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận 145 cuộc, gồm: 136 ca tư vấn và 8 ca can thiệp hỗ trợ liên quan tới các vấn đề về trẻ em.

Trung tâm cũng triển khai các dự án giúp đỡ trẻ em như: Dự án Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (HOLT) hỗ trợ 7 trường hợp với số tiền hơn 47 triệu đồng. Đồng thời phối hợp với địa phương rà soát 107 trẻ em có gia đình gặp khó khăn, khủng hoảng để thực hiện đánh giá; hoàn thành 35 tranh thư và 96 báo cáo định kỳ; tiếp đón và làm việc với đoàn lãnh đạo tổ chức HOLT làm việc tại thành phố Đà Nẵng.

“Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin, đánh giá và đề xuất các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, can thiệp, trị liệu trẻ có rối nhiễu tâm trí; trẻ em bị xâm hại để các em trở lại cuộc sống bình thường”, ông Châu nói.

HOA HẠ

;
;
.
.
.
.
.