Chính trị - Xã hội

Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân

09:11, 31/03/2023 (GMT+7)

48 năm sau ngày giải phóng (29-3), Đà Nẵng phát triển vượt bậc, trở thành một thành phố đáng sống, năng động, thân thiện, an bình, được bạn bè, du khách trong nước và quốc tế biết đến.

Để có được sự thay đổi ngoạn mục về diện mạo của một đô thị khang trang như ngày hôm nay, nhất là sau khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã phải tập trung giải quyết hai vấn đề lớn và đầy khó khăn phức tạp đó là: giải tỏa đền bù, sắp xếp lại dân cư và xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Có thể nói, để thực hiện hai vấn đề nói trên là một cuộc “cách mạng” thật sự vì nó đụng chạm trực diện tới tâm tư, nguyện vọng của hàng vạn người dân thành phố. Bởi đó là ngôi nhà thân yêu họ từng gắn bó bao đời nay. Đó là thửa ruộng, mảnh vườn, khu đất do tổ tiên, ông bà để lại. Đó là nếp sống quen thuộc thường ngày của những người đi biển, của những người trồng rau, của những người làm công ăn lương, hay những người buôn bán nơi phố thị…

Theo số liệu chưa đầy đủ, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã triển khai khoảng 600 dự án, với gần 120.000 hộ gia đình giải tỏa, tác động trực tiếp đến hàng chục vạn người. Thành phố đã giải quyết bố trí tái định cư với gần 40.000 lô đất và căn hộ chung cư, với tổng giá trị đền bù lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Với mục tiêu quan trọng được đặt ra qua các kỳ đại hội, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo với nhiều cách làm hay, mạnh dạn đột phá tạo cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn, đáp ứng được tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị; đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động thuyết phục, tạo được lòng tin và được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thành phố.

Trong quá trình thực hiện, có những khó khăn xuất phát từ thực tế triển khai các dự án, những kiến nghị được người dân đặt ra, yêu cầu thành phố phải có những thay đổi phù hợp như: công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có những vướng mắc do một số văn bản quy định chưa phù hợp, chính sách về các vấn đề này cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung sát với giá thị trường; việc bố trí nhà chung cư, đất tái định cư có những trường hợp chưa hợp lý; việc đào tạo nghề, tạo việc làm cụ thể để giúp các hộ nghèo thoát được nghèo, người lao động nông nghiệp có điều kiện chuyển đổi nghề… đã được lãnh đạo từ thành phố đến các quận, huyện, phường, xã dành nhiều thời gian trực tiếp gặp người dân, lắng nghe nhân dân phản ánh nhằm có hướng xử lý kịp thời.

Hay nói cách khác, lãnh đạo thành phố đã thấm nhuần bài học “lấy dân làm gốc” trên cơ sở phát huy quyền dân chủ của người dân, nêu ra mục tiêu của việc giải tỏa đền bù, sắp xếp lại dân cư và xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị là nhằm làm cho Đà Nẵng ngày càng phát triển, ngày càng văn minh, hiện đại cũng chính là làm cho mọi người dân thành phố có cuộc sống tốt đẹp hơn, giàu có hơn, văn minh hơn, thân thiện hơn mà thôi. Đồng thời, thành phố cũng kịp thời xử lý những bất hợp lý trong quá trình thực hiện để hài hòa giữa lợi ích chính đáng của người dân cũng như của cộng đồng.

Cũng có những trường hợp xảy ra khiếu kiện kéo dài, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng khai thác dưới vỏ bọc “dân chủ, nhân quyền” để kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết, nhưng Đảng bộ và chính quyền thành phố đã dựa vào những công cụ pháp lý và quá trình kiên trì vận động, thuyết phục nên một vài “điểm nóng” đã từng bước được hóa giải, tạo nên một không khí thuận lợi cho sự phát triển bền vững của Đà Nẵng.

Nhìn lại một chặng đường đã qua trong quá trình thực hiện việc giải tỏa đền bù, sắp xếp lại dân cư; xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã giải quyết hài hòa giữa quyền lợi của người dân và của cộng đồng trên cơ sở phát huy tối đa tính dân chủ chính đáng để xây dựng Đà Nẵng văn minh, hiện đại nhằm làm cho mọi người dân được sống an lành trên mảnh đất thân yêu của mình.

TUYẾT MINH

.