.
Chuyện tổ, chuyện thôn

"Cánh tay nối dài" của chính quyền

.

“5 năm qua, năm nào tổ 47B cũng được nhận giấy khen dành cho tổ dân phố xuất sắc cuối năm. Có năm, tôi đề nghị “nhường” cho tổ khác nhưng cuối cùng bỏ phiếu kín thì tổ 47B vẫn được chọn”, ông Đặng Diệu, tổ trưởng tổ dân phố 47B, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu bày tỏ.

Hơn 3 năm nay, tổ 47B có vài chục hộ dân mà quá nửa số nhà có công nhân, sinh viên thuê trọ, nên ông nghĩ cách đơn giản hóa việc đăng ký tạm trú, tạm vắng. Muốn đăng ký buộc phải đến Công an phường trong giờ hành chính, nhưng giờ đó thì hầu hết các cháu đang ở trong lớp học hoặc làm việc tại nhà máy, tôi đề xuất với cảnh sát khu vực đưa hồ sơ đăng ký tạm trú về nhà và thông báo tiếp dân vào tối thứ ba hằng tuần, từ 19-21 giờ. Tôi kiểm tra thủ tục rồi chuyển cho cảnh sát khu vực ký, đóng dấu; xong thì bà con ghé nhà tôi nhận. Nhờ đó, mình giúp dân làm đủ thủ tục ở địa phương, Công an cũng quản lý được con người để bảo đảm an ninh trật tự, hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con”, ông Diệu chia sẻ.

Từ một tổ dân phố áp dụng đơn giản thủ tục hành chính trong đăng ký tạm trú, tạm vắng, nay cả khu vực Đa Phước 1/1, 1/2 gồm 12 tổ dân phố với 362 hộ dân, trong đó có 145 người thường trú, 3.108 người tạm trú (con số này thường xuyên thay đổi) có tình hình an ninh ổn định, một phần nhờ cách quản lý khoa học và đầy tình người khi quan tâm đến hoàn cảnh từng nhóm đối tượng cụ thể. Ngoài ra, mỗi tháng một lần, ông Diệu còn làm biểu mẫu ngày đăng ký tạm trú của người dân, rồi chuyển cho tổ trưởng 11 tổ dân phố thuộc khu vực để ai cũng có thể quản lý tốt nhân khẩu ở tổ của mình.

Nhờ lúc nào cũng có mặt ở nhà, nên ngoài thời gian tiếp dân theo quy định, ông Diệu có thể giải đáp thắc mắc, tiếp nhận phản ánh của bà con về mọi vướng mắc ở khu dân cư. Việc gì quá tầm giải quyết, ông chuyển kiến nghị của bà con, chủ yếu là vấn đề an ninh trật tự, cho cảnh sát khu vực. Ông như “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương và cách làm đơn giản hóa thủ tục hành chính đó trở thành phong trào điển hình, được nhân rộng ra toàn phường, với 8 điểm tiếp dân do Công an phường Hòa Khánh Bắc triển khai suốt những năm qua.

Lúc rảnh rỗi, ông đọc và nghiên cứu các bộ luật, sách báo về chính sách mới. Hơn nữa, ai có nhu cầu tìm hiểu về luật, hay các thủ tục hành chính, thì đến nhờ ông chỉ dẫn giùm. Ông bảo: “Nếu tính toán thiệt hơn thì sẽ không làm được gì đến nơi đến chốn. Khi mình làm ở tổ dân phố sẽ biết được nhiều người, gần gũi với bà con thì việc quản lý cũng dễ dàng hơn và tăng sự đoàn kết của bà con ở khu dân cư, điều đó mới quan trọng”. Cũng từ sự gắn kết cũng như hiệu quả trong vấn đề quản lý an ninh trật tự, người dân khu vực Đa Phước đã quyên góp được hơn 40 triệu đồng xây dựng một điểm tiếp dân dành cho cảnh sát khu vực, tổ dân phố… tiếp dân, giải quyết vướng mắc giúp bà con gần 2 năm nay.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.