Chính trị - Xã hội

PHẢN HỒI TUYẾN BÀI "CÁC TRUNG TÂM BẢO TRỢ TRẺ EM TẠI ĐÀ NẴNG: MẠNH AI NẤY LÀM!"

Mái ấm phải thật ấm!

08:59, 08/03/2016 (GMT+7)

Sau khi đăng tải tuyến bài “Các trung tâm bảo trợ trẻ em tại Đà Nẵng: Mạnh ai nấy làm” trong các số báo ra ngày 3, 4, 5 và 7-3, Báo Đà Nẵng đã nhận thêm nhiều ý kiến về vấn đề hoạt động của các đơn vị này.

* Bà Nguyễn Thị Luôn, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Trung Nghĩa 2, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu: Mái ấm nhiều nhưng trẻ vẫn... bơ vơ!

Tại tổ 7, Trung Nghĩa 2, phường Hòa Minh, nơi tôi sinh sống và làm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ, có một gia đình rất đáng thương. Tên các cháu lần lượt là Tân (20 tuổi), Thanh (15 tuổi), Tấn (12 tuổi), Tú (6 tuổi). Trừ anh cả không còn là trẻ em, 3 đứa nhỏ còn lại đều đang trong độ tuổi cần được chăm sóc, đùm bọc, thế nhưng ba mất, mẹ bỏ nhà đi nên các cháu không được học hành, không có chỗ ở.

Anh lớn nhất làm thợ hồ, cháu gái thứ hai bỏ học làm nghề gì không rõ, 2 cháu út cũng không đến trường, không giấy tờ tùy thân. Căn nhà 30m2 bốn bề che tôn gỉ sét với nền gạch ẩm ướt của cặp vợ chồng nghèo hàng xóm tốt bụng trở thành chỗ ngả lưng cho các cháu.

Trước đây, 1 trong 4 cháu được đưa vào Làng Hy vọng nhưng sau đó cháu nhớ nhà, đòi về nhà ở cùng anh chị. Với các cháu khác, tôi rất muốn tìm mái ấm nâng đỡ các cháu miếng ăn, giấc ngủ và cả chuyện học hành nhưng không biết tìm đâu.

Bởi lẽ, muốn vào trung tâm bảo trợ phải có người bảo lãnh. Mà các cháu thì nội không có, phía ngoại chỉ có người dì nhưng không đủ trình độ hiểu biết, thành ra các cháu bơ vơ. Nhìn các cháu nhà không, mái ấm cũng không, cuộc đời không biết đi đâu về đâu, tôi rất đau lòng và cảm thấy mình bất lực. Tết vừa rồi, tôi xin được địa phương cho các cháu phần quà 300.000 đồng. Tôi mong mỏi các cấp lãnh đạo thành phố quan tâm đặc biệt đến những đứa trẻ này.

* N.T.T.N (15 tuổi, ở quận Liên Chiểu): Em muốn sống với mẹ dù còn khó khăn

Em ở với ngoại từ nhỏ. Khi ngoại mất, em được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. Sau một thời gian, em được mẹ đón về và sống với mẹ. Cuộc sống của hai mẹ con quá khó khăn nhưng em vẫn muốn ở nhà, sống bên mẹ.

Trung tâm bảo trợ xã hội Đà Nẵng đã cho em 1 chiếc xe đạp, tổ chức Hoft hỗ trợ áo quần và học phí để giúp em tiếp tục đến trường. Bây giờ, cuộc sống của mẹ con em đã ổn định. Ở trung tâm, em được chăm lo đầy đủ nhưng em vẫn muốn sống với mẹ dù cuộc sống còn khó khăn.

* Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng: Không đâu bằng mái ấm gia đình

Giúp trẻ một mái ấm gia đình vẫn tốt hơn là sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội tập trung. Nhà nước cũng có Nghị định 136, các gia đình nhận trẻ về chăm sóc sẽ được hỗ trợ nhưng số tiền này hiện còn thấp. Mình tập huấn cho trẻ kỹ năng để hòa nhập tốt vào gia đình mới.

Mình làm quy trình ngược bởi không đâu bằng mái ấm gia đình, phải tiến tới vận động trẻ về gia đình và hỗ trợ tại gia đình thì mình lại đưa vào trung tâm. Nếu gia đình có vấn đề như cha mẹ ly hôn, có vấn đề về tâm lý, không nuôi được thì có thể áp dụng “chăm sóc thay thế” hoặc đưa vào trung tâm bảo trợ của Nhà nước.

Với mô hình “chăm sóc thay thế”, chúng tôi giúp những gia đình đang gặp khủng hoảng về sinh kế, tiền học phí cho trẻ…, để giúp các em và gia đình vượt qua khó khăn. Đưa vào trung tâm bảo trợ chẳng qua là phương án cuối cùng khi không thể giúp đỡ được tại cộng đồng.

Hiện nay, chúng tôi đã đưa 5 em (Đà Nẵng có 2 em, còn lại là ở tỉnh, thành khác)  từ Trung tâm Bảo trợ xã hội về tại cộng đồng để giúp đỡ với sự hỗ trợ của tổ chức Holt. Đến nay, các em đã ổn định cuộc sống, được lớn lên trong chính vòng tay yêu thương của những người ruột thịt.

* Đào Quốc Thánh (24 tuổi, ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam): Em trưởng thành từ mái ấm

Em sinh ra trong gia đình có ba nghiện rượu nặng, mẹ bị tâm thần. Năm lớp 6, em được đưa vào Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi huyện Đại Lộc cho đến khi đậu đại học thì được chuyển ra sinh sống tại mái ấm Hải Châu, thành phố Đà Nẵng do tổ chức Trả lại tuổi thơ tài trợ toàn bộ chi phí ăn ở, học hành.

Sau đó, nhà nam của Hội Từ thiện Đà Nẵng thành lập nên em đến nhà nam ở cho đến khi tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp. Hiện nay, em là giáo viên cộng đồng dạy 3 môn Toán, Lý, Hóa tại mái ấm của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Đà Nẵng (12 Thanh Huy 2). Cuộc đời em được như bây giờ là nhờ bàn tay nâng đỡ của cộng đồng, xã hội. Thực sự nhờ có các mái ấm, chúng em đã được hỗ trợ rất nhiều để học tập, trở thành người có ích...

PHƯƠNG TRÀ - THU HOA thực hiện

.