.

Bánh mì Tí Hon của chàng trai trẻ

.

Lấy ý tưởng kinh doanh từ những gánh hàng rong, anh Phạm Thanh Tuấn không ngần ngại từ bỏ vị trí Giám đốc Phòng Marketing Công ty CP. Cát Bình Minh (TP. Hồ Chí Minh) để lên kế hoạch kinh doanh những chiếc Bánh mì Tí Hon.

Mô tả ảnh.
Điểm bán Bánh mì Tí Hon của Phạm Thanh Tuấn tại đường Ngô Sĩ Liên.

Từ ý tưởng đến hành động
Sinh năm 1985 tại huyện Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), tốt nghiệp Đại học Thương mại chuyên ngành Quản trị Kinh doanh cùng tấm bằng chứng nhận khóa đào tạo chuyên ngành PR&Quảng cáo tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, Phạm Thanh Tuấn ra trường dễ dàng tìm được cho mình một công việc ổn định với mức lương phù hợp.

 

Đang là giám đốc Marketing Công ty Tổ chức sự kiện ở TP. Hồ Chí Minh, mức thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/tháng, một vị trí được khá nhiều người mơ ước, song anh lại khát khao làm chủ công việc… kinh doanh những chiếc Bánh mì Tí Hon.

Hằng ngày, trên đường đi làm, anh luôn quan sát các hoạt động kinh doanh và nhận thấy những người bán hàng rong chính là những nhà marketing, nhà kiếm tiền lẻ dễ dàng hơn nhiều so với tiền chẵn và chính họ là “cỗ máy in tiền” hiệu quả nên anh quyết tâm nộp đơn xin nghỉ việc tại công ty để đi bán hàng rong với số vốn ban đầu chỉ 27 triệu đồng.

Anh Tuấn chia sẻ: “Khi quyết định nghỉ việc và phát triển dự án Bánh mì Tí Hon, gia đình và bạn bè mình cũng không đồng tình lắm. Bởi, họ không nghĩ rằng mình có thể nghỉ việc ở một công ty với thu nhập khá ổn định để đi bán bánh mì (!). Nhưng vì mong muốn được làm một cái gì đó cho riêng mình, nên đã quyết tâm bắt tay vào kinh doanh Bánh mì Tí Hon”. Được người quen mách nước ở Đà Nẵng có bánh mì ngon, tháng 4-2011, anh Tuấn khăn gói lên đường ra Đà Nẵng học hỏi các phương pháp làm bánh mì, tìm hiểu thị trường và các nhà đầu tư nơi đây. Vừa qua, nhân sự kiện Đà Nẵng tổ chức Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, anh Tuấn đã quyết định thuê địa điểm, tiến hành làm xe bán hàng, thiết kế logo, đồng phục, namecard, tuyển nhân viên… và bắt đầu công việc kinh doanh mới của mình tại Đà Nẵng.

Đưa gánh hàng rong trở thành thương hiệu

Bánh mì Tí hon là một loại bánh mì có nguồn gốc tại Hải Phòng, Quảng Bình và Đà Nẵng. Tại Hải Phòng, người ta gọi là bánh mì cay, Quảng Bình gọi là bánh mì xíu và ở Đà Nẵng gọi là bánh mì que… Với kích thước chỉ bằng 2 ngón tay, dài chừng 20cm - 30cm được làm thủ công bằng tay và nướng theo phương pháp tiên tiến nhất với lò nướng hiện đại.

Anh Tuấn cho biết, “Bánh mì Tí Hon của mình sẽ được phát triển theo mô hình kinh doanh chuỗi điểm bán hàng. Theo đó, tại các điểm bán, xe Bánh mì Tí Hon của mình sẽ có những nét đặc trưng về màu sắc, kiểu dáng xe hàng, bao gói sản phẩm và trang phục nhân viên… Khác với bán hàng rong, các điểm bán của mô hình Bánh mì Tí Hon là điểm bán cố định trên các vỉa hè của nhà hàng, khách sạn, cửa hiệu... Có thể hiểu nôm na là bán hàng rong có thương hiệu và được nhận diện đồng bộ cả hệ thống. Toàn bộ mô hình chuỗi gồm 1 bếp trung tâm và 10 điểm bán lưu động. Trong đó, việc làm nhân bánh, sản xuất bánh cũng như thành phẩm cuối cùng đều được giám sát bởi quy trình quản lý chất lượng và được đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, có chất lượng tốt và chứa hàm lượng dinh dưỡng phù hợp”.

Vì vậy, với thương hiệu này, anh Tuấn mong muốn tạo ra một sản phẩm phù hợp, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Anh Tuấn nhẩm tính: “Chỉ cần tại mỗi điểm bán, một ngày bán được 100 ổ bánh mì, mỗi ổ lời 2.000 đồng (tức một ngày lời 200.000 đồng/1 điểm bán). Nhân số đó với 10 điểm bán và nhân với 30 ngày mình có lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/tháng. Như vậy, khả năng thành công của dự án là rất cao. Song, để làm được điều đó, mình đang cố gắng tìm nguồn vốn đầu tư và từng bước chuẩn hóa mô hình kinh doanh chuỗi Bánh mì Tí Hon này”.

Hiện, Phạm Thanh Tuấn đang tổ chức một điểm bán gần Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để tích vốn phát triển sản phẩm. Trong tương lai gần nhất, anh Tuấn dự kiến sẽ đưa thương hiệu Bánh mì Tí Hon phủ kín thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Nai, Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc… Không những thế, sau khi kinh doanh bánh mì thành công, anh Tuấn sẽ bắt tay vào phát triển các mô hình khác như khoai lang nướng, ngô luộc, sắn nướng, sắn luộc… để khai thác các sản vật đặc trưng của từng địa phương.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.