.

Về thăm nhà anh Ba

.
Tình cờ theo chân một đoàn khách du lịch của một tỉnh phía Bắc, chúng tôi xuôi về con đường ven sông Thạch Hãn cách quốc lộ 1A khoảng 3km và cách Thành cổ Quảng Trị khoảng 2km. Nhà anh Ba Lê Duẩn nằm yên bình quay mặt ra phía sông Thạch Hãn thơ mộng ở thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Anh Ba là tên gọi thân thương mà đồng bào và đồng chí cả nước dành cho cố Tổng Bí thư Lê Duẩn-một trong những học trò tiêu biểu, xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một nhà chiến lược sáng tạo, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Mô tả ảnh.
Ngôi nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn giữ được nét mộc mạc và giản dị như xưa.
 
Sau khi những vị khách thắp nhang, cô hướng dẫn viên giọng nói đặc trưng Quảng Trị nhỏ nhẹ giới thiệu về từng kỷ vật gắn bó một thời khó khăn gian khổ của gia đình đồng chí Lê Duẩn. Đây là di tích lưu niệm danh nhân duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và cũng là nơi gắn bó với đồng chí gần 20 năm trước khi đồng chí ra đi tham gia cách mạng vào năm 1927. Là người sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, đồng chí Lê Duẩn là lớp người đầu tiên hưởng ứng và đi theo con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Trong suốt cuộc trường chinh đầy thử thách của quá trình 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã thể hiện rõ là một nhà lý luận có tầm cỡ chiến lược của cách mạng Việt Nam với một tư duy sáng tạo lớn, đã có những cống hiến xuất sắc về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Những tác phẩm như “Đề cương cách mạng miền Nam”, “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”... và đặc biệt là việc lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn cách mạng Việt Nam đã thể hiện rõ tầm vóc nhà lý luận Lê Duẩn.

Từ dãy hàng rào dâm bụt trước ngõ nhà là bờ sông Thạch Hãn có hệ thống kè chống xói lở, phía bên là đường liên thôn, cuối đường là bến nước Hậu Kiên, chính bến đò này đã gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn trong thuở thiếu thời cũng như giai đoạn hoạt động cách mạng đầu tiên của đồng chí Lê Duẩn. Trái với khoảng sân thoáng đạt và lộng gió trước hiên, ngôi nhà lưu niệm ấm cúng pha lẫn một chút gì đó thiêng liêng như vẫn còn in dấu chân, hơi thở của anh Ba thời niên thiếu.

Nằm trên một khuôn viên có diện tích 2.000m2, nguyên trước đây là nhà vườn của cụ thân sinh Lê Hiệp, ngôi nhà được làm bằng gỗ khang trang. Trải qua hai cuộc kháng chiến tàn khốc, ngôi nhà bị bom đạn địch đốt phá nhiều lần. Sau khi đất nước thống nhất, tháng 2 năm 1976, Huyện ủy, UBND huyện Triệu Hải và bà con địa phương đã xây dựng lại ngôi nhà. Lúc đó, nhà được lợp bằng tranh, xung quanh che chắn bằng gỗ, ván. Cuối năm 1977, do mưa bão, mái tranh bị hư hỏng nặng, UBND huyện đã cho lợp lại bằng ngói. Từ đó đến năm 1994, ngôi nhà vẫn giữ nguyên hiện trạng. Cấu trúc của ngôi nhà theo dạng ba gian 2 chái, toàn bộ chiều dài 9 mét, rộng 4,5 mét, bao quanh nhà là bốn dãy chè tàu được cắt tỉa cẩn thận, phía trong khuôn viên trồng cây cảnh và cây ăn quả.

Với tư cách là người con của quê hương Quảng Trị và cũng là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đồng chí Lê Duẩn đã nhiều lần về thăm quê nhà vào các năm 1978, 1981, 1983 và 1985. Chính tại ngôi nhà lưu niệm này đã diễn ra những cuộc gặp gỡ ấm cúng, gần gũi, thân tình giữa đồng chí và nhân dân, Đảng bộ địa phương. Sau khi đồng chí Lê Duẩn qua đời, cùng với nỗi đau thương mất mát của cả nước, UBND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), huyện Triệu Hải và bà con địa phương đã tổ chức tang lễ đồng chí trong ngôi nhà này.

Bên trái ngôi nhà lưu niệm, UBND tỉnh Quảng Trị cũng xây dựng Nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khang trang và trưng bày nhiều hiện vật quý liên quan đến thân thế và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn. Bộ ấm trà được đồng chí sử dụng trong phòng làm việc tại số 6 Hoàng Diệu (Hà Nội) từ năm 1960 đến năm 1986 vẫn còn tinh tươm, sạch sẽ. Đặc biệt, bộ bàn ghế được đồng chí sử dụng làm việc và tiếp khách tại nhà số 8 khu biệt thự Tây Hồ (Hà Nội) cũng được đặt ở vị trí trang trọng như đồng chí vẫn còn đang sống và làm việc. Tại ngôi Nhà trưng bày, chúng tôi thật sự xúc động khi được nhìn thấy những tấm ảnh tư liệu ghi lại những năm tháng hoạt động cơ cực và gian khổ của đồng chí, cùng với những trích dẫn của đồng chí và của các đồng chí lãnh đạo viết về đồng chí Lê Duẩn. “Đồng bào, đồng chí nhớ anh. Người con của làng nghèo chợ Sãi. Xác xơ mấy túp lều tranh. Nóng bỏng cát đồi Triệu Hải. Bữa cháo, bữa rau, đùm bọc nhau lá rách, lá lành. Lòng vẫn đậm tình thương và lẽ phải”. (Tố Hữu, trích “Nhớ về anh”).

Hiện nay, ngôi nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được coi là di tích lịch sử cách mạng quý giá trong toàn bộ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa ở Quảng Trị. Ngôi nhà là nơi biểu hiện lòng kính cẩn, biết ơn của nhân dân ta đối với đồng chí Lê Duẩn.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
;
.
.
.
.
.