.

Về cơ sở cách mạng đầu tiên ở Đà Nẵng

.
Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng năm nay, tự nhiên chúng tôi lại nhớ đến một người, bà là một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng hồi thập niên 30 của thế kỷ trước - đó là bà Phạm Thị Dung, mẹ của đồng chí Trần Hưng Thừa, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Hội nghị tọa đàm lịch sử Đảng tháng 3-1980 do đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì công bố chính thức ngày 28-3-1930 là Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.
 
Bà Dung là con của một vị quan, quê gốc làng Quy Lai, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Theo lời kể lại (vào năm 1978, lúc bà đã 92 tuổi) thì: “Năm 10 tuổi, tôi theo cha vào Tam Kỳ, ông làm Bang tá của phủ Tam Kỳ. Vào được mấy năm thì cụ Phan Bội Châu có đến nhà tôi, cụ là chỗ bạn thân với cha tôi. Năm 15 tuổi, tôi đi làm liên lạc cho cụ Phan cho đến 22 tuổi. Cụ thường giao vải đủ loại: vải lãnh... trong mỗi cuốn vải có thư từ gửi cho các cụ khác, tôi giả như người đi buôn vải rao hàng, cụ nào nhận hàng thì giao bạc cho tôi để tôi đem về trao lại cho cụ Phan.
 
Cụ thu số bạc này để gửi đi ngoại quốc cho số người xuất dương đang học tại Nhật. Mỗi lần cụ vào Sài Gòn thì mới đem bạc theo để gửi đi. Tôi đi Tiên Phước là nhiều hơn cả, tới các cụ Huỳnh Hanh (tức cụ Huỳnh Thúc Kháng), Phạm Liệu, Phan Châu Trinh… các chỗ khác cũng có đi nhưng cụ không giao vải bán, như đến tổng Chiên Đàn gần trên núi. Tôi chỉ học biết ít chữ nho, năm tôi 17, 18 tuổi thì không còn thi chữ nho, cha tôi lại không cho tôi học chữ quốc ngữ, nên bây giờ không biết chữ. Có lần, cụ Phan giao cho tôi giấy tờ bảo tôi chôn đi, gặp cơ hội thì đưa ra, nhưng Pháp lùng bắt quá nên tôi sợ mà đốt hết. Sau đó, ông thân tôi về hưu ở Huế, tôi theo về đến khi ông mất thì lại vào sinh sống ở Đà Nẵng!”.

Khi quay lại Đà Nẵng, lúc đó bà Dung khoảng 38 tuổi, có hai người con nhỏ, trong đó có đồng chí Trần Hưng Thừa sau này. Hai mẹ con đã mua một cái nhà tranh trị giá năm đồng bạc ở gần Trường Con Gái của Đà Nẵng. Từ độ đó, bà Dung nhận nấu cơm tháng cho nhiều công nhân, công chức của Đà Nẵng, rất nhiều người trong số họ là những người cộng sản, có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào cách mạng tại Đà Nẵng lúc đó như: Phan Văn Định (sau này là Bí thư Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng), Nguyễn Hữu Trợ, Hồ Sỹ Thiều…
 
Theo lời kể của cụ Dung: “Nhà tôi nấu cơm tháng, số người lui tới ăn cơm tháng đông, họ làm việc ở Tòa sứ, Staca, Lục lộ... số ăn ở lại nhà tôi có 5 người mà tôi nhớ tên là: ông Phan Văn Định - lái xe cho tên quan Tư làm ở Nhà thương Đà Nẵng, ông Tường làm Nhà Dây thép, ông Triệu người Bắc, ông Đức, ông Trợ làm Staca… Ăn thì đông nhưng tôi biết 5 người đó có hoạt động cách mạng vì thấy cách ăn ở, đối xử của họ khác với mọi người. Người bình thường thì ăn chơi, diện nhưng các anh có tham gia cách mạng thì ít ăn chơi, không diện, ăn nói nhỏ nhẹ nên tôi phân biệt được. Họ thường ăn mặc vải dù, vải trắng, trừ anh Định lái xe có mang giày, còn là đi guốc, đội mũ sứt ngã thì vá lại. Gạo lúc bấy giờ giá 1 thùng 60 lon là một đồng bạc. Làm thợ ở Staca mỗi tháng lãnh được 7,8 đồng, anh em lãnh về đưa hết cho tôi vì thấy nhà tôi quá nghèo. Anh Định lãnh việc dạy con tôi học. Con tôi (tức Thừa) rất sợ anh Định, tuy anh ta không hề đánh.

Họ làm cách mạng giữ bí mật không nói cho tôi biết nhưng tôi hiểu. Trong số người ăn ở trong nhà có anh Định là hay hỏi chuyện thôi. Có lúc anh bảo tôi: “Chị mua cho em một bó đông sương”. Tôi nói đùa: “Nấu chi thì nấu, chớ đừng nấu chè” (vì thường con tôi bắt gặp tôi mua rau câu, tọc mạch hỏi mẹ mua làm chi? tôi trả lời mua nấu chè). Anh Định vỗ vai tôi cười, có lần anh ta cho tôi xem một tờ truyền đơn có hình vẽ búa liềm in bằng đông sương và nói “Làm cái ni đây!”. Các anh mua cái ghè riêng, làm xong đem cất vào đó. Họ mua một cái nhà riêng ở gần sát gò mả cách nhà tôi không xa, để làm việc, hội họp hoặc có ai ở đâu tới thì về đó ở. Mỗi lần mấy anh in truyền đơn, con tôi (tức Bòng) được cử ra ngoài canh gác. Có lần truyền đơn rải các ngã đường, bọn lính gác đến sáng mới thấy bàn tán, tôi biết là các anh đi rải. Anh Định nói cho tôi biết rải ni là công việc của mình đây chứ anh em ở ngoài vô họ không làm cái này đâu”.

Ghi nhận về công lao đối với phong trào cộng sản đầu tiên của bà Phạm Thị Dung, nhân dịp quay lại thăm Đà Nẵng năm 1977, đồng chí Phan Văn Định - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đà Nẵng kể: “Bà Dung là cơ sở của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhà bà là nơi liên lạc từ Bắc vào Nam ra của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Các đồng chí Vương Thúc Oánh - Tổng hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội từng ở lại nhà bà có khi 5 ngày hay hơn nữa.
 
Đồng chí Dương Hắc Đính cũng đến nhiều lần… và được bà giúp đỡ ăn uống. Nhà bà là trụ sở để chúng tôi in truyền đơn và từ đây phát đi khắp nơi. Nhưng lúc có người là cán bộ trên về ở, bà sai bảo con theo dõi tình hình chung quanh nhà và xóm giềng có gì nghi thì báo, cả các cuộc họp tổ Đảng và ấn loát bà đều góp phần canh gác giúp đèn dầu và giúp đỡ ăn uống. Tài liệu có khi rơi rớt bà thu nhặt và cất giấu cẩn thận. Những năm 1930-1931 phong trào lắng xuống, bà không bị bắt và rất bình tĩnh giúp đỡ vợ con tôi là Phan Thị Hiếu tránh về quê nhà an toàn. Năm 1936, tôi ở tù về có ghé lại thăm bà, thấy bà vẫn niềm nở và giữ thái độ liên lạc như trước, vẫn đón tiếp đồng chí công tác!”.

Có thể nói, cụ Phạm Thị Dung là một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của Đà Nẵng, người đã góp phần quan trọng cho việc ra đời của Thị ủy Tourane vào năm 1930 và những hoạt động của tổ chức này trong thời gian đó.

LƯU HOÀNG GIANG
;
.
.
.
.
.