Multimedia

Khởi nghiệp - con đường không trải hoa hồng

10:30, 01/11/2018 (GMT+7)

 

 

Nguyễn Văn Minh Đức sinh năm 1991, trở thành Giám đốc Công ty CP Công nghệ Hekate sau khi tốt nghiệp khoa Tin học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) 2 năm 6 tháng.

 

Thời sinh viên, Đức cùng 2 người bạn là Phạm Quốc Huy và Dương Văn Phước Thiện thường tích cực tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học. Thích mày mò, sáng tạo, cũng có máu kinh doanh nhưng lúc ấy Đức chưa dám nghĩ đến khởi nghiệp bởi thiếu tiền, thời gian cũng như kinh nghiệm.

Sau khi ra trường, 3 chàng trai được các công ty khác nhau tuyển dụng nhưng vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. Một ngày nọ, trong lúc đang ngồi “tám” chuyện qua Skype, cả 3 bỗng nảy ra ý tưởng làm một chú trợ lý ảo (chatbot - công cụ trò chuyện tự động trên nền tảng tin nhắn của Facebook, Skype, Zalo...) vui vui để “nhúng” vào cuộc trò chuyện cho thêm phần... thú vị.

 

Với tên gọi Sumi, chú "bot" này thi thoảng lại chen vào những dòng tin nhắn của 3 chàng trai để nói vài ba câu “ba láp ba xàm”, đủ để gây cười. Thấy hay hay, Đức đem Sumi “nhúng” tiếp vào một số group chat cộng đồng khác mà cậu bạn tham gia chỉ với mục đích giúp mọi người có những tràng cười sảng khoái.

Không ngờ, đó lại chính là cột mốc khiến sự nghiệp của Đức, Huy và Thiện thay đổi. Sumi bỗng được “hâm mộ”, số tin nhắn trò chuyện trực tiếp với chú "bot" này lên đến 1,3 - 1,4 triệu tin mỗi ngày. Đức nói: “Quá bất ngờ, nhưng chuyện đó cũng khiến bọn mình nghiêm túc nghĩ đến việc phát triển Sumi để làm thành một dự án khởi nghiệp - điều mà mình đã từng nghĩ khi còn sinh viên nhưng chưa dám thực hiện”.

Đức bỏ ra 6 tháng ròng rã, ban ngày làm việc công ty, đêm về phát triển chatbot. Huy và Thiện cũng giúp sức, mỗi người mỗi việc, người lập trình, người nghiên cứu sản phẩm, người tìm hiểu thị trường. Đến khi có nhà đầu tư thiên thần rót vốn, Đức quyết định nghỉ việc ở công ty, toàn tâm toàn ý cho dự án. Ít lâu sau, Huy và Thiện cũng “theo chân” Đức, Công ty CP Công nghệ Hekate ra đời.

Cuối năm 2017, Hekate liên tục được “nhắc tên” trên báo chí vì đã phát triển thành công ứng dụng chatbot Danang Fantasticity, được chính quyền thành phố quyết định triển khai trong lĩnh vực du lịch. Dự án khởi nghiệp này đã giúp Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng chatbot cho dịch vụ công, gây ấn tượng với rất nhiều quan khách khi đến thành phố tham dự các sự kiện của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Sumi có tiền của nhà đầu tư, có đội ngũ nhân sự “máu lửa”, nhưng không có nghĩa là đường phát triển bằng phẳng. Khởi nghiệp từ một chú chatbot vui nhộn, Đức phát triển dần thành một doanh nghiệp chuyên cung cấp công cụ tạo chatbot cho các doanh nghiệp khác.

Mạng lưới khách hàng của Đức có cả những “ông lớn” như Lotte, Trung Nguyên, Timo Bank… “Nhưng rồi chính những việc đó đã làm mình dần đi xa mục tiêu khởi nghiệp ban đầu của mình. Những dự án đó có thể làm trong ngắn hạn, nhưng không phải là mục tiêu dài hạn mà bọn mình hướng tới. Làm sao ra được sản phẩm là một chuyện, nhưng sản phẩm đó có đem lại đủ lợi nhuận hay không, có phù hợp với đam mê và khát vọng của mình hay không lại là một chuyện khác”, Đức nói.

Hiện Hekate đã quay lại với định hướng ban đầu là tập trung phát triển Sumi thành một trợ lý ảo cho giới trẻ. Sumi vẫn được “hâm mộ”, với khoảng 225.000 lượt người dùng mỗi tháng, tốc độ tăng trưởng đạt 30%/tháng. Đức cho biết, sau khi mở rộng ra thị trường cả nước, Sumi sẽ “tiến quân” sang Malaysia, Indonesia và Singapore, từ đó “đánh” ra toàn khu vực Đông Nam Á.

Sau 2 năm lăn xả với Hekate, Đức tự rút ra cho mình một bài học: “Phải vạch ra đích đến, đường đi, từng chặng từng chặng một phù hợp với nguồn lực. Người khởi nghiệp phải kiên định với con đường ấy, đừng sợ nếu có lúc cảm thấy đi lệch hướng, hoặc đi đúng hướng mà mãi không... ra tiền. Nếu sai thì phải chấp nhận, liên tục “cập nhật” bản thân và công ty. Nhưng cái kiên định đó không đồng nghĩa với bảo thủ, mù quáng. Phải lắng nghe thị trường. Nếu sản phẩm mình tạo ra chính là cái mình muốn, nhưng thị trường không muốn thì phải nghĩ hướng khác”.

 

 

Bạn bè, những người quen xem Ngô Võ Giang Trung (SN 1986) theo hình ảnh một người đa tài. Gọi Trung là kiến trúc sư, bởi đây là cái nghề mà anh đã theo đuổi suốt nhiều năm qua. Gọi anh là nhà thơ cũng không sai, bởi ngòi bút của anh đã cho ra đời những tập thơ như “Câu trả lời nằm ở cuộc yêu sau” hay mới đây nhất là “Người con gái ta thương” - tập thơ với bài thơ cùng tên chủ đạo đã được nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng cùng tên, do ca sĩ Hà Anh Tuấn thể hiện.

Sau những chặng đường lang bạt, chàng kiến trúc sư kiêm nhà thơ dừng chân ở điểm đến tâm huyết của mình với cái tên Zone Đà Nẵng - Dự án khởi nghiệp anh hằng ấp ủ.

Ý tưởng khởi nghiệp với Zone Đà Nẵng được manh nha từ nhiều năm trước. Khi ấy, chàng kiến trúc sư trẻ có dịp trải nghiệm không gian kỳ thú của Zone 9 - một tổ hợp đình đám của giới trẻ Hà Thành thời điểm bấy giờ với đầy đủ dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống… Thích thú với cách thức hoạt động của Zone 9, Trung ấp ủ, nuôi nấng ý tưởng về một không gian tương tự tại Đà Nẵng.

Trung được một người bạn kết nối, hỗ trợ để thuê đất và thực hiện dự án khởi nghiệp táo bạo “Zone Đà Nẵng” vào giữa năm 2018. “Mình có 3 tháng để thiết kế, định hình cho Zone Đà Nẵng từ viên gạch xây đầu tiên đến cuộc giấy vệ sinh cuối cùng đặt trong khu tổ hợp. Những ngày ấy, cứ “rạc” cả người vì áp lực thực hiện công việc và những lo lắng cho ngày Zone Đà Nẵng khai trương”, Trung nhớ lại.

Giang Trung tâm niệm: “Zone Đà Nẵng sẽ là một “mô hình mới bao gồm những dịch vụ cũ” như ăn uống, làm đẹp, ngủ nghỉ… và phải đáp ứng được nhu cầu của mọi thành phần khách hàng ở mọi lứa tuổi”.

Bước qua cánh cổng đính hoa giấy tại địa chỉ 38 Pasteur, những người lần đầu đặt chân đến Zone Đà Nẵng không khỏi tò mò, bởi đằng sau bức tường rào kín che khuất là một tổ hợp rộng lớn với quán cà phê, xe trà sữa “thuần Việt-100% nguyên liệu Việt”, quầy bar, cửa hàng thời trang, nhà hàng, hiệu giày, tiệm massage và khu lưu trú hostel xen lẫn giữa không gian xanh mát của cây cối.

 

Chia sẻ về quãng đường kinh doanh trong quá khứ, Trung kể về những tháng ngày anh cùng bạn bè xây dựng một không gian làm việc chung mang tên “4S House”. Đó là mô hình co-working (không gian làm việc chung-PV) đầu tiên tại Đà Nẵng vào 4 năm trước.

Thế nhưng, trong bối cảnh làn sóng khởi nghiệp khi ấy chưa mạnh, nhu cầu làm việc trong không gian chung chưa nhiều, mô hình mới mẻ ấy không nhận được sự đón nhận của mọi người và nhanh chóng “chết yểu” sau 3 tháng đi vào hoạt động. Trung gần như “mất trắng” nguồn tài chính sau thất bại ấy.

“4S House thất bại vì sai thời điểm và từ những quan điểm khác nhau trong điều hành giữa mình và những người đồng quản lý dự án. Đó cũng là hai bài học kinh nghiệm mình khắc cốt ghi tâm trong những ngày thử sức kinh doanh.

Những bài học ấy, mình sẽ dành lại để phát triển Zone Đà Nẵng cho hôm nay và tương lai. Thôi thì, nếu khởi nghiệp, nếu bắt đầu việc gì đó, mình sẽ cố gắng làm hết lòng. Chuyện thắng hay bại nếu có cũng sẽ nhẹ nhàng hơn”, Trung nhấn mạnh. 

 

Từ Bụi, cho đến 4S House và bây giờ là Zone Đà Nẵng, tất cả đều là dấu mốc đáng nhớ trong hành trình cuộc sống của Trung. “Trong tương lai, mình hy vọng sẽ có thêm “Zone Đà Nẵng” thứ hai, thứ ba, thứ tư… để gắn kết, tạo sân chơi cho người Đà Nẵng và du khách gần xa”, Trung chia sẻ trong ánh mắt đầy hy vọng của một người trẻ, dám mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình, dù nó không hề dễ dàng.

 

Sáng sớm một ngày cuối tháng 10, Nguyễn Mai Ly gặp chúng tôi trong một quán cafe nhỏ ở trung tâm thành phố. Hẹn gặp vào sáng sớm là để Ly kịp giờ đi làm. Sau khi tạm dừng dự án khởi nghiệp iKids, Ly đầu quân cho một công ty khởi nghiệp khác cũng tại Đà Nẵng.

24 tuổi, Ly từng làm chủ một dự án của riêng mình trước khi chuyển sang làm nhân viên cho một dự án khác. Cách đây 2 năm, iKids là một trong những “hạt giống” của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) với đội ngũ nhân sự rất trẻ, nhiệt huyết và dám “khai đường mở lối”.

IKids được sinh ra với sứ mệnh giúp trẻ em tiếp cận kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học (STEAM) theo phương pháp tích hợp, gắn liền với thực tiễn - điều mà nhiều trường tiểu học lúc đó vẫn chưa làm được.

Lúc tham gia vào dự án, Ly vẫn đang là cô sinh viên năm cuối khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Luận văn cuối khoá, cô “bê” nguyên dự án vào để phân tích thị trường, bán hàng, tài chính, nhân sự… Có tấm bằng tốt nghiệp trong tay, Ly chuyển sang làm việc cho iKids toàn phần rồi dần lên làm trưởng dự án khi mới ra trường được vài tháng.

Từng bộ giáo trình cho các môn học, các bậc học lần lượt ra đời. Với sự hỗ trợ của DNES, iKids được 1 trường tiểu học tại Đà Nẵng đồng ý hợp tác để tổ chức lớp dạy thử. Được đà tiến tới, Ly tổ chức thêm 3 lớp dạy thử nữa. Song, dạy thử đồng nghĩa với... không thu học phí, lúc này, vốn liếng của dự án cũng đã cạn dần. Được 2 nhà đầu tư tiếp cận nhưng vì cảm thấy chưa phù hợp với nhu cầu mong muốn, Ly đành từ chối.

 

 

Các thành viên của iKids lần lượt tốt nghiệp rồi ra trường. Có người tiếp tục đeo đuổi dự án, nhưng cũng có người rời bỏ vì nhận được những công việc ổn định hơn trong các công ty khác. Không có tiền, không còn đủ nhân sự, Ly quyết định dừng lại. “Mình vẫn còn muốn làm tiếp, nhưng cứ cố như vậy mà chưa thấy sẽ đi đến đâu thì sẽ làm khổ cho mình và người khác. Không nghĩ cho mình thì thôi, nhưng vẫn phải nghĩ cho những thành viên khác trong iKids”, Ly tâm sự.

Cuối năm 2017, iKids dừng lại sau hơn 1 năm hoạt động. Nhìn lại chặng đường đã qua, Ly bảo cô rút ra được 2 bài học quý. Thứ nhất, khởi nghiệp khi vừa mới ra trường là lúc bản thân có nhiều nhiệt huyết, đam mê nhất, nhưng chỉ có đam mê thì chưa thể dẫn đến thành công, mà cần có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Thứ hai, iKids là một dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, nhưng trong đội ngũ nhân sự lại không ai có nền tảng về ngành đó.

“Cả nhóm đều là những người rất cầu thị, ham học hỏi, không hề ngại nghiên cứu một lĩnh vực mới, nhưng chừng đó là không đủ. Mình có thể nghiên cứu rộng, nhưng không đủ sâu, cũng không có được uy tín hay mạng lưới quan hệ của những người trong ngành. Khi khởi nghiệp, cần có một người nắm thật rõ sản phẩm mà mình đang xây dựng,” Ly chia sẻ.

Bắt đầu thực sự phát triển khởi nghiệp từ năm 2015, đến nay, sau hơn 3 năm, Đà Nẵng đã có nhiều dự án ra đời.

Chủ tịch DNES, cũng là người sáng lập và cố vấn Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC) Võ Duy Khương nhận định, Đà Nẵng đã cơ bản có đủ các thành tố của một hệ sinh thái khởi nghiệp, gồm: Vườn ươm Doanh nghiệp; các trung tâm, câu lạc bộ ươm tạo của tư nhân hoặc của các trường đại học, cao đẳng; các tổ chức trong và ngoài hỗ trợ, mạng lưới nhà đầu tư, nhà tư vấn, và quan trọng nhất là sự vào cuộc của bộ máy chính quyền. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước có một hội đồng điều phối riêng cho khởi nghiệp, có một vườn ươm khởi nghiệp theo hình thức công - tư hợp tác.

Sau khi xây dựng nền tảng, bây giờ là thời điểm để khởi nghiệp Đà Nẵng nhìn nhận những cái được, chưa được và xây dựng định hướng để phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng điểm yếu hiện nay của Đà Nẵng là con người, là tư duy và kiến thức về khởi nghiệp. Chính điều này dẫn đến thực trạng nhiều dự án dù đã được ươm tạo, hay giành giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp nhưng vẫn “chết yểu” khi mới… “mon men” đặt chân vào thị trường.

Ông Võ Duy Khương cho rằng, trong thời gian tới, Đà Nẵng cần lan toả tinh thần và tư duy khởi nghiệp. Các khóa đào tạo về khởi nghiệp không chỉ dừng trong phạm vi các vườn ươm, mà mở rộng ra cho các học sinh, sinh viên và toàn xã hội. “Phải làm sao để các sinh viên hiểu rằng khởi nghiệp là một lựa chọn và đổi mới sáng tạo là một điều bức thiết”, ông Khương nói.

 

Anh Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc DNES thẳng thắn chia sẻ: “Ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, khởi nghiệp không thiếu vốn mà là thiếu người, đặc biệt là thiếu một đội ngũ sáng lập viên (founder) giỏi, có năng lực thực thi, có kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực.”

Theo anh Trung, nếu những đợt ươm tạo trước đây, DNES chú trọng tuyển chọn dự án thì bây giờ, DNES chuyển sang tuyển chọn founder, đào tạo trực tiếp vào con người. Có thể những dự án đầu của founder này không thành công nhưng với tố chất của một nhà khởi nghiệp giỏi, họ sẽ tiếp tục bước đi trên hành trình của mình. Các vườn ươm cần giúp họ kiểm nghiệm dự án một cách hiệu quả, nếu có thất bại sẽ thất bại một cách ít tổn hại nhất.

Anh Trung nói: “Các sự kiện one-shot (chỉ diễn ra một lần rồi thôi) không có hiệu quả. Nếu tổ chức ra một cuộc thi khởi nghiệp chỉ để tìm đội thắng cuộc rồi trao giải thì sẽ không giúp cho đội đó tiếp tục phát triển được. Cần biến những cuộc thi đó thành những sự kiện dài hơi, có mục đích rõ ràng, lặp đi lặp lại".

Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn cho rằng, muốn phát triển lên tầm cao mới, các nguồn lực chính quyền, nhà trường và doanh nghiệp cần phải được kết nối theo chiến lược và thông qua những công việc cụ thể. “Phải có sự phân vai rõ ràng để xây dựng mạng lưới nhà đầu tư, chuyên gia, các chương trình ươm tạo. Hiện nay, chúng ta cũng đã kết nối được nhưng chưa sâu sắc”, ông Quân nói.

Môi trường khởi nghiệp của Đà Nẵng bây giờ đã khác nhiều so với 3-4 năm về trước. Người khởi nghiệp giờ đây có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ hơn. Tuy nhiên, con đường đổi mới sáng tạo, tự thân lập nghiệp vẫn chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là một con đường bằng phẳng. Đã đi trên con đường này, đồng nghĩa với việc người khởi nghiệp chấp nhận chịu các “chi phí cơ hội” như sự ổn định, thảnh thơi, thậm chí là cả sức khoẻ hay hạnh phúc bên gia đình.

Trò chuyện cùng những người khởi nghiệp, có thể thấy rằng, việc bước đi trên con đường không trải hoa hồng đó, dẫu lắm chông gai nhưng cũng nhiều thú vị. Nếu tạo ra được một sản phẩm tốt, nó có thể làm thay đổi lối sống của cả xã hội - điều mà Facebook, Grab, Airbnb… đã làm. Bằng không, nó vẫn có thể thay đổi lối sống, lối nghĩ của chính bản thân người khởi nghiệp theo hướng tích cực, thúc đẩy người ta lớn lên.

Con đường khởi nghiệp không trải hoa hồng, nhưng nếu đã quyết tâm đi thì càng đi, ta sẽ càng nhận được nhiều đoá hồng - kết tinh từ sự nỗ lực của chính mình.

 

.