Y tế - Sức khỏe

Đột quỵ do lạm dụng chất kích thích

12:38, 13/03/2024 (GMT+7)

Sau dịp Tết Nguyên đán, số bệnh nhân đến khám, điều trị đột quỵ tiếp tục gia tăng. Thói quen sinh hoạt, nhất là lạm dụng các chất kích thích là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này. Đáng chú ý, số bệnh nhân trẻ tuổi, khỏe mạnh bỗng dưng “đổ bệnh” đang ngày càng tăng.

Tình trạng lạm dụng bia rượu đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.  Trong ảnh: Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Tình trạng lạm dụng bia rượu đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. TRONG ẢNH: Điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Bệnh nhân L.A.D. (35 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) được người nhà chuyển vào cấp cứu vào đầu tháng 3 trong trạng thái lơ mơ, méo miệng và một nửa bên phải cơ thể không cử động được. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị đột quỵ và chuyển Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Đà Nẵng) điều trị.

Người nhà chia sẻ, anh D. là người hoàn toàn khỏe mạnh, chơi thể thao, thỉnh thoảng chạy bộ và cũng thường xuyên gặp gỡ, giao lưu tiệc tùng với bạn bè các ngày trong tuần. “Buổi chiều trước khi nhập viện anh kêu đau đầu, cũng nghĩ là cơn đau thông thường do thời tiết nên sau khi ăn tối xong thì mua thuốc uống. Đến sáng hôm sau thì thấy anh không dậy theo thói quen, nên gia đình hốt hoảng chuyển đến bệnh viện”, chị S., vợ anh D. cho biết.

Sau 1 tuần điều trị tại bệnh viện, anh D. đã phục hồi gần 70%. Các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi, điều trị, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các bài tập phục hồi cho bệnh nhân, người nhà để áp dụng sau khi xuất viện.

Nặng hơn là bệnh nhân H.Q.X. (42 tuổi, trú quận Liên Chiểu). Anh X. có tiền sử tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, đi kèm theo đó là thói quen sử dụng rượu, bia, thuốc lá. Theo người nhà chia sẻ, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, anh X. sử dụng nhiều rượu bia hơn bình thường.

“Sau khi Covid-19 được kiểm soát, sức khỏe của anh ấy yếu hơn trước. Đặc biệt là trước và sau Tết, anh uống quá nhiều bia rượu vì dự nhiều bữa tiệc... Giờ gia đình rất lo lắng vì đã nhập viện hơn 2 ngày rồi nhưng vẫn còn hôn mê”, người nhà bệnh nhân X. cho biết.

Theo các bác sĩ điều trị, bệnh nhân X. là trường hợp đột quỵ nặng, nhập viện khi đã qua “thời gian vàng”, nên việc điều trị cũng như khả năng hồi phục khó hơn những trường hợp khác. Trước khi rơi vào hôn mê, bệnh nhân không thể tự di chuyển, tay không thể cầm nắm, miệng ú ớ, đầu đau dữ hội. Các bác sĩ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để đánh tan cục máu đông trên não cho bệnh nhân.

Theo số liệu từ Bệnh viện Đà Nẵng, Khoa Đột quỵ hiện đang tiếp nhận, điều trị hơn 120 bệnh nhân ở nhiều lứa tuổi. Trước và sau Tết Nguyên đán hoặc thời tiết chuyển nóng, lạnh đột ngột... là những thời điểm bệnh nhân đột quỵ nhập viện nhiều hơn so với những dịp khác.

Bác sĩ Dương Quang Hải, Phó Trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, có không ít người bị đột quỵ, nhập viện điều trị trong tình trạng nguy kịch vì chủ quan, nhập viện muộn hoặc nhầm lẫn triệu chứng đột quỵ với say rượu bia.

Nhiều trường hợp sau khi uống bia rượu trong thời tiết lạnh thì xuất hiện cảm giác tê yếu tay chân, nhưng không đi bệnh viện ngay mà cố chịu đựng trong 2-3 ngày. Lạm dụng rượu bia sẽ gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính cho cơ thể, với những người có tiền sử cao huyết áp thì đẩy huyết áp tăng lên. Khi nồng độ cồn trong  máu cao sẽ làm tăng thể tích tuần hoàn gây loãng máu. Sự kết hợp giữa loãng máu và tăng huyết áp sẽ khiến cho những vi mạch trên não có thể bị vỡ, xuất huyết não.

Đáng nói là khi đột quỵ xảy ra với những dấu hiệu nhẹ bệnh nhân thường ít quan tâm, đến khi tình trạng bệnh diễn tiến nặng, người bệnh mới nhập viện thì thời gian vàng đã qua. Dù các bác sĩ đã rất cố gắng nhưng vẫn để lại tàn tật hoặc không thể cứu được.

“Thói quen sử dụng chất kích thích, nhất là rượu bia, kèm theo đó là tâm lý chào mời, cả nể nhau là một trong những thực tế dẫn đến việc số bệnh nhân bị đột quỵ ngày càng nhiều. Điều đáng nói, tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ đang trẻ hóa, xảy ra ở những người tuổi trên 30, dù thường xuyên vận động nhưng có thói quen sử dụng rượu bia. Người uống rượu bia có nồng độ cồn cao trong cơ thể sẽ gây tăng huyết áp, chất cồn tác động lên gan thận, các tế bào não bị thoái hóa, gây biến chứng não. Đột quỵ xảy ra khi lượng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm đi, ngăn không cho mô não nhận được oxy và chất dinh dưỡng. Các tế bào não bắt đầu chết trong vài phút. Với tần suất sử dụng bia rượu ngày càng nhiều trong xã hội hiện nay thì số lượng bệnh nhân đột quỵ trẻ hóa ngày càng tăng”, bác sĩ Hải cảnh báo.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Lạm dụng bia rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể chính là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp đột ngột và đột quỵ. Người bị đột quỵ do bia rượu dễ nhầm lẫn các triệu chứng giống say rượu như không có phản ứng, không cử động chi dù tác động lực mạnh.

“Dự phòng về đột quỵ, nhất là ở người trẻ thì có rất nhiều biện pháp kết hợp, trong đó có việc hạn chế sử dụng thuốc lá và bia rượu, có lối sống lành mạnh như vận động thể lực, vừa tập cho những hoạt động của cơ thể, tim của chúng ta hoạt động mới ổn định hơn. Đặc biệt, ngoài những vấn đề như vậy, chúng ta cũng nên tầm soát các bệnh lý về tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, bệnh lý về tim mạch để có những phòng ngừa tốt hơn”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

.