Y tế - Sức khỏe

Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm

13:38, 11/03/2024 (GMT+7)

Việc kiểm soát thực phẩm từ nơi chế biến, sản xuất là một trong những cách làm hiệu quả để quản lý chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong những năm qua, dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm được Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, tạo sự yên tâm trong sử dụng thực phẩm của người dân.

Thanh tra về bảo đảm an toàn thực phẩm; tuân thủ các quy định về truy xuất hàng hóa tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Liên Chiểu. (Ảnh: Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố)
Thanh tra về bảo đảm an toàn thực phẩm; tuân thủ các quy định về truy xuất hàng hóa tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Liên Chiểu. (Ảnh: Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố)

Ban Quản lý An toàn thực phẩm vừa phối hợp với UBND huyện Hòa Vang tổ chức tập huấn triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn các xã. Tại buổi tập huấn, các thành viên Tổ vận hành truy xuất nguồn gốc, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố hướng dẫn cụ thể cho từng cơ sở thực phẩm cách thức đăng ký tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc trên điện thoại di động; cách thức cập nhật món ăn; đồng thời giải đáp những ý kiến thắc mắc của các cơ sở thực phẩm khi tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm thành phố.

Tổ vận hành cũng hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham dự buổi tập huấn cách thức đăng ký và đăng nhập để trải nghiệm hệ thống với vai trò là người tiêu dùng, theo đó hướng dẫn người tiêu dùng kiểm tra thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, cách tương tác với cơ quan quản lý, cách thức phản ánh tới cơ quan quản lý khi có vấn đề về mất an toàn thực phẩm. Việc tập huấn và hướng dẫn truy cập, sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đó là phương pháp hữu hiệu để nâng cao sự cạnh tranh, vị thế của cơ sở trên thị trường, giúp cơ sở dễ dàng quản lý sản phẩm bảo đảm uy tín cho người tiêu dùng.

Ngoài tổ chức tập huấn, triển khai tại nhiều địa phương, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng cho các cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố. Theo đó, thông qua sự phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, Ban giám hiệu các trường, các cơ sở giáo dục được phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học; giới thiệu, hướng dẫn cơ sở cách đăng ký tài khoản, sử dụng ứng dụng “Danang City Food” kiểm tra nguồn gốc sản phẩm...

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Tổ phó Tổ Quản lý vận hành truy xuất nguồn gốc, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm (giai đoạn 1) là hợp phần quan trọng trong đề án Xây dựng Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 tại thành phố. Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm buộc trách nhiệm từ cơ quan quản lý Nhà nước đến nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng phải tăng lên, nhất là doanh nghiệp phải bảo đảm an toàn thực phẩm.

“Chỉ tính trong năm 2023, Tổ Quản lý vận hành cấp 12 thẻ định danh chuồng trại, 10 thẻ mua hàng, 710 thẻ vận chuyển, thẻ xe hàng, 335.900 tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho các cơ sở thực phẩm tham gia vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Ngoài ra, Tổ Quản lý vận hành xây dựng và triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với chuỗi cung ứng thịt - trứng với sự tham gia của 13 cơ sở giết mổ, pha lóc, 12 cơ sở cung cấp thực phẩm và 4 siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ. Ngoài ra, Tổ Quản lý vận hành tiếp tục giám sát duy trì 3.500 cơ sở chiều rộng được triển khai trước đó; tổ chức hướng dẫn, cấp thêm mã định danh cơ sở cho các cơ sở thực phẩm trên địa bàn thành phố”, ông Phúc cho biết.

Để việc truy xuất nguồn gốc có hiệu quả, công tác truyền thông và tuyên truyền hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm được thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức như tổ chức các lớp tập huấn giới thiệu và hướng dẫn sử dụng hệ thống cho nhiều đối tượng như tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại các chợ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể các trường mầm non có bán trú, bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố... Lồng ghép nội dung giới thiệu, truyền thông về hệ thống truy xuất thực phẩm trong các hội nghị, hội thi cho tuyến quận, huyện, xã, phường.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm buộc trách nhiệm từ cơ quan quản lý Nhà nước đến nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng phải tăng lên, nhất là doanh nghiệp phải bảo đảm an toàn thực phẩm.

“Doanh nghiệp xác định muốn phát triển thì phải áp dụng công nghệ số trong sản xuất, phát triển kinh doanh là điều tất yếu. Đây là một khó khăn, thách thức mới nhưng doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực hết mình cùng các đơn vị thực hiện, để mục đích cuối cùng vừa tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp vừa đem lại lợi ích cho cộng đồng. Với sự phát triển hạ tầng công nghệ thông tin như hiện nay đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi số, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng những chuỗi sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”, ông Hải nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

.