.

Lang thang... tìm cán bộ

.

Ý nghĩ phải chịu khó lang thang… tìm cán bộ là do chính “kiến trúc sư trưởng” của Đà Nẵng đang từng ngày đổi mới - cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh - đề xướng. Tôi nhớ trong một cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh giao cho tôi một nhiệm vụ: “Chiều chiều, khi mọi người vào quán uống bia thì Trưởng ban Tổ chức Thành ủy phải chịu khó đi lang thang ngoài đường để tìm cán bộ”.

Lúc đó tôi ngồi cuối phòng họp, nghe vậy liền quay sang nói nhỏ với Bí thư Quận ủy Hải Châu Nguyễn Mạnh Hùng: “Thiên hạ đã vào hết trong quán thì còn ai đi ngoài đường để mà tìm, một mình Trưởng ban Tổ chức Thành ủy lang thang không khéo người ta lại tưởng tôi… không bình thường”.

Tôi nói khẽ thế mà Bí thư Thành ủy vẫn nghe được. Rồi anh gằn giọng bảo tôi: “Đúng là đi một lần hay một vài lần thì ông chưa tìm được ai, nhưng đi nhiều lần ông sẽ tìm được một người lúc đó cũng lang thang như ông và trông có vẻ… không bình thường, có điều chính cái người trông không bình thường ấy lại là người mà chúng ta cần tìm, cần phát hiện hơn cả, bởi đàng sau dáng vẻ… ngơ ngơ đó là những ý tưởng đầy sáng tạo và đầy trăn trở nhằm góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố này, đưa thành phố này đi lên đi tới”.

Tất nhiên ở đây tôi hiểu anh chỉ mượn chuyện tìm người để nhắc nhở tôi rằng làm tổ chức không được hời hợt, mặc dầu hời hợt mấy rồi cũng xong việc - bởi lúc nào mà chẳng đúng quy trình: phiếu thăm dò tín nhiệm cao, tập thể lãnh đạo rất đồng thuận…  

Từ việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, thu hút... cán bộ trẻ, Đà Nẵng có một thế hệ cán bộ kế cận năng động, dám nghĩ, dám làm. TRONG ẢNH: Nguyên  Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gặp gỡ Câu lạc bộ Cán bộ trẻ tháng 9-2010.   (Ảnh tư liệu)
Từ việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, thu hút... cán bộ trẻ, Đà Nẵng có một thế hệ cán bộ kế cận năng động, dám nghĩ, dám làm. TRONG ẢNH: Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gặp gỡ Câu lạc bộ Cán bộ trẻ tháng 9-2010. (Ảnh tư liệu)

Càng ngày tôi càng thấm thía câu nói gan ruột chiều hôm ấy của người đứng đầu Đảng bộ thành phố về nghề tổ chức, càng thấy làm tổ chức đúng nghĩa thì công phu lắm, tinh tế lắm. Thật vậy, nếu chỉ thực hiện đúng quy trình mà không chọn đúng người để giao đúng việc vào đúng lúc thì đấy mới chỉ là làm hành chính tổ chức chứ chưa phải làm tổ chức. Làm hành chính tổ chức cho chỉn chu, cho chuyên nghiệp không dễ - chẳng hạn soạn thảo và trình ký một quyết định bổ nhiệm không đúng thể thức văn bản hoặc sai sót về nội dung thì khó mà được chấp nhận. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì hoàn toàn có thể sáp nhập ban tổ chức cấp ủy vào văn phòng cấp ủy! Làm tổ chức đúng nghĩa là không để xảy ra tình trạng đáng buồn là người làm được thì không được làm, còn người được làm thì làm không được, là phải biết đánh giá và lựa chọn cán bộ để tiến cử với cấp có thẩm quyền… Đánh giá và lựa chọn cán bộ là việc khó, nhiều lúc danh không đi đôi với thực - trong khi đó người hữu danh vô thực thì dễ gặp, dễ thấy hơn là người hữu thực vô danh. Và cho nên mới phải cất công đi tìm... Có điều lựa chọn được cán bộ theo yêu cầu đúng người, đúng việc, đúng lúc cũng chỉ mới đi được nửa đoạn đường, vì quyền quyết định đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là của tập thể Thường trực cấp ủy, của Ban Thường vụ cấp ủy, của tập thể cấp ủy. Việc đi tiếp nửa đoạn đường còn lại là cả một thách thức mà người làm tổ chức phải vượt qua để không tự thu hẹp nội dung tác nghiệp của mình vào lĩnh vực hành chính tổ chức.

Sau ngần ấy năm làm trưởng ban tổ chức cấp ủy, tôi nghiệm ra một điều: phải biết hỏi! Người đầu tiên và quan trọng bậc nhất để hỏi chính là Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Có một chức danh cán bộ cần được bổ nhiệm, vậy trưởng ban tổ chức sẽ hỏi bí thư câu gì để mà đi trọn nửa đoạn đường còn lại? Tôi cho rằng trong trường hợp này sẽ thiếu khôn ngoan nếu hỏi: “Anh ơi, theo ý anh thì cái ghế ấy bây giờ bố trí cho ai?”. Thiếu khôn ngoan vì lập tức sẽ nhận được câu trả lời nêu đích danh một người mà người đó rất hiếm khi trùng hợp với nhân sự mình định tiến cử. Qua vài lần thiếu khôn ngoan, tôi liền thay đổi câu hỏi: “Anh ơi, theo ý anh thì một người như thế nào là phù hợp với cái ghế ấy?”. Câu trả lời của Bí thư Thành ủy có thể khiến nhiều người làm tổ chức tự ái: “Ông làm tổ chức già đời mà không biết người ngồi vào cái ghế ấy phải được đào tạo thế này, kinh nghiệm trong lĩnh vực ấy phải thâm niên thế kia, uy tín cá nhân ở địa phương/cơ quan/đơn vị ấy phải được suy tôn thế nọ”. Nhưng với tôi thì được lời như cởi tấm lòng vì như vậy tôi sẽ có cơ hội vận dụng các tiêu chí như bí thư hình dung để giành thế thượng phong trong việc đề xuất nhân sự mình định tiến cử, rằng người ấy đáp ứng tốt nhất cả ba đòi hỏi về đào tạo, về kinh nghiệm và về uy tín cá nhân. Đương nhiên, nếu bí thư vẫn muốn giới thiệu một người khác, với sự vượt trội rõ ràng về đào tạo, về kinh nghiệm và về uy tín cá nhân, thì có khi tôi phải chấp nhận thay đổi phương án tham mưu. Nhưng dẫu là trường hợp nào thì cả hai cũng đều là sản phẩm của một cách “dùng người” thật sự chuyên nghiệp và thật sự… đúng quy trình.  

Đà Nẵng là một trong những địa phương có chính sách thu hút người giỏi tương đối sớm và cũng khá hấp dẫn. Đáng chú ý là Đà Nẵng đã nỗ lực đổi mới cách tìm người giỏi, từ cách thụ động trông chờ người giỏi đến với mình - là cách mà cùng lắm chỉ có thể đáp ứng mục tiêu tìm được người nói chung chứ khó lòng tìm được người giỏi, càng khó lòng tìm được người giỏi nhất - sang cách chủ động phát hiện người giỏi, chủ động thuyết phục người giỏi chấp nhận cộng tác, hợp tác với mình. Việc này đòi hỏi người đi tìm phải có “con mắt xanh”, phải có tấm lòng chân thật và đôi khi phải có cả sự kiên trì kiểu như Lưu Bị ba lần đến lều cỏ để mời gọi Khổng Minh.

Tất nhiên, thời buổi này bản thân người giỏi cũng có nhu cầu tự khẳng định tài năng của họ và do thế cả người đi tìm lẫn người được tìm vẫn có thể chủ động tìm đến nhau, người đi tìm không đến nỗi phải tam cố thảo lư như Lưu Bị ngày xưa, chỉ cần gõ cửa đúng cái lều cỏ ở đó có người giỏi, người hiền là được. Đà Nẵng cũng đã nỗ lực xử lý thật hài hòa mối quan hệ giữa người-giỏi-tại-chỗ với người-giỏi-vừa-thu-hút. Đây cũng là điểm nhấn trong quá trình đổi mới cách tạo hấp lực chiêu hiền đãi sĩ ở Đà Nẵng.

Không ít người giỏi trước khi quyết định nhận lời bước lên thảm đỏ của một địa phương đã quan tâm đến sự đãi ngộ và tôn vinh mà địa phương ấy đang dành cho số đông người-giỏi-tại-chỗ hơn là chú mục vào sự đãi ngộ và tôn vinh sắp dành cho chính mình. Có lần những người quan tâm đến chính sách trải thảm đỏ của Đà Nẵng đánh giá cao sự đãi ngộ theo tinh thần biệt nhãn liên tài của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh dành cho một người giỏi dẫu người này không trực tiếp đầu quân về thành phố: bố trí căn hộ chung cư cho một thầy giáo dạy Đại học Đà Nẵng mắc bệnh hiểm nghèo đang cần chỗ ở trong khu vực nội thành để kịp vào bệnh viện mỗi khi cần cấp cứu.

Rõ ràng qua hai mươi năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tìm người, dùng người, nhưng để có thể vươn lên trở thành một thành phố động lực thực sự của khu vực miền Trung và Tây Nguyên như hằng mong đợi, Đà Nẵng vẫn đang rất cần những người chịu khó lang thang… tìm cán bộ.

Tôi còn nhớ trong Chương trình “Đối thoại tháng Ba” với chủ đề “Vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế-xã hội” tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26 tháng 3 năm 2014, khi trả lời ý kiến của một đoàn viên thanh niên cho rằng, Đà Nẵng đang quá chú trọng việc trải thảm đỏ chiêu hiền đãi sĩ nhưng chỉ thu hút toàn là “thầy” chứ không có “thợ”, tôi đã thừa nhận rằng đó là thực trạng đáng lo ngại hiện nay không riêng gì ở Đà Nẵng, đồng thời nhấn mạnh: “Mình đừng quá tự hào về việc nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, bởi các bạn biết không, họ lựa chọn Việt Nam là bởi nước ta giá lao động đang rẻ.

Đây là nỗi nhục, là nỗi đau các bạn à. Chỉ khi nào họ vào đây đầu tư mà chất lượng nguồn nhân lực của mình cao, giá lao động của mình đắt thì mới đáng tự hào. Kiểu đào tạo, tuyển dụng thu hút quá chú trọng đến “thầy” mà xem nhẹ “thợ” là một điều đáng báo động của nền giáo dục và công vụ nước ta. Tuy nhiên, điều mà tôi lo ngại hơn là đến một lúc nào đó chúng ta đào tạo thầy cũng không ra thầy mà thợ cũng chẳng ra thợ, dẫn đến chỉ có thể thu hút tuyển dụng những người dở thầy dở thợ, thậm chí hữu danh vô thực”. Nhớ lại chuyện này, càng thấy rất cần những người chịu khó lang thang… tìm cán bộ.

Nhiều chuyện cười ra nước mắt về công tác cán bộ được các báo chí đăng tải gần đây ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương; ở Bộ Công thương; ở Hà Giang xa xôi và trước đó ở Thanh tra Chính phủ... Nhiều, nhiều lắm chuyện người ta mua quan, bán chức. Nó diễn ra hằng ngày, ở nhiều nơi, nhiều chốn khiến lòng người không khỏi xót xa về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước bị những kẻ vụ lợi, tha hóa làm lệch đi. Giữa ồn ào những chuyện mua quan, bán chức đó, Đà Nẵng kiên định chủ trương coi cán bộ là chìa khóa để đi đến tương lai. Ký sự “Lang thang... tìm cán bộ” của tác giả Bùi Văn Tiếng phản ánh chủ trương, cách thức làm công tác cán bộ “chẳng giống ai” của Đà Nẵng và chính kết quả của công tác cán bộ đã góp một tiếng nói trọng lượng làm nên thương hiệu “thành phố Đà Nẵng an bình, đáng sống”. Đề cao “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, với chính sách chiêu hiền đãi sĩ suốt 20 năm qua, Đà Nẵng đã tạo được đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân; là động lực thúc đẩy con tàu Đà Nẵng tiến lên phía trước.

Đề tài nhạy cảm, khó viết nhưng tác giả đã thành công khi chuyển đến người đọc thông điệp của mình, đó là dấu ấn 20 năm của công tác tổ chức, cán bộ.

Nhà báo Quý Lâm

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.