.

Đà Nẵng, thành phố tôi yêu

.

Thiên nhiên ưu đãi

Một “thành phố đáng sống”, đó là đánh giá của nhiều người Việt trong nước và của cả những cơ quan truyền thông nước ngoài, khi nói về thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Biển Đà Nẵng. 														         Ảnh: NGỌC HỢI
Biển Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HỢI

Thật vậy, chưa xét đến những yếu tố phát triển về kinh tế-xã hội, chỉ kể riêng về mặt sinh thái thì Đà Nẵng đã có những ưu điểm rất rõ rệt.

Thứ nhất, đây là thành phố có cả núi, sông và biển. Ở nước ta, ít có nơi nào mà thiên nhiên ưu đãi như Đà Nẵng.         

Núi ở Đà Nẵng nằm ngay vùng ven nội thành, là dãy núi Phước Tường. Phía đông thành phố, giáp với biển, có núi Sơn Trà, nhô ra biển, tạo thành bán đảo. Phía tây bắc có núi Bà Nà, cao 1.487m, là nơi nghỉ mát lý tưởng. Về phía đông nam thành phố, là Ngũ Hành Sơn, người dân thành phố, từ nhiều đời nay, tự hào gọi là thắng cảnh Non Nước, nơi xây dựng công viên văn hóa tâm linh.

Đà Nẵng có con sông Hàn chảy ngang giữa lòng thành phố, chia thành phố thành hai khu vực đông - tây rất đẹp. Thật ra, dòng sông này, chảy qua ba vùng đất, nên có ba tên gọi khác nhau. Đoạn chảy qua An Trạch gọi là sông Yên; đoạn chảy qua Cẩm Lệ, giáp với ngã ba sông (sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Hàn), là sông Cẩm Lệ; từ ngã ba sông này chảy vào thành phố là sông Hàn. Đoạn sông Hàn sâu nhất 15-20m...          

Đà Nẵng có bờ biển với chiều dài khoảng 30km, với hệ thống bãi biển trong xanh, sạch đẹp mà tiêu biểu là bãi tắm Mỹ Khê, được tạp chí Forbes (Mỹ) đánh giá là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Đà Nẵng còn có huyện đảo Hoàng Sa, là bằng chứng sống động của chủ quyền biển, đảo của dân tộc Việt Nam.

Về giao thông, Đà Nẵng có đầy đủ đường hàng không, đường thủy, đường bộ, đường sắt. Sân bay quốc tế Đà Nẵng (sân bay được khởi công xây dựng từ năm 1926, hoàn thành năm 1928), nay là một trong ba sân bay quốc tế lớn của cả nước. Là hải cảng lớn thứ ba của nước ta (sau cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng), Đà Nẵng có thể đón nhận tàu 25.000 tấn ra vào bến cảng; trở thành điểm cuối của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây nối các nước tiểu vùng sông Mê-kông. Quốc lộ 1A và tuyến đường xe lửa xuyên Việt ngang qua thành phố góp phần nâng cao vai trò của cảng Đà Nẵng, tạo thế liên hoàn về giao thông. Đặc biệt, cho đến nay, Đà Nẵng có đến 9 cây cầu hiện đại, xinh đẹp bắc qua sông Hàn, chẳng những tạo cho giao thông thuận lợi mà còn tạo ra cảnh quan tuyệt mỹ, hiện đại không nơi nào có được.

Trong lòng thành phố Đà Nẵng có di tích Cổ viện Chàm – nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm, có hệ thống di tích lịch sử thành Điện Hải, Nghĩa trủng Hòa Vang, di tích văn hóa đình Hải Châu, Nại Hiên, Bồ Bản... Đà Nẵng lại nối với ba di sản văn hóa thế giới là thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An và cố đô Huế...

Còn tên Đà Nẵng do đâu mà có? Theo nhiều nhà nghiên cứu, địa danh Đà Nẵng bắt nguồn từ ngôn ngữ Champa, có nghĩa là Sông Lớn (Đà là sông, nước; còn Nẵng có nghĩa là ngày xưa; tức ngày xưa nơi đây là nhánh sông lớn, hoặc nơi đây là đất bồi lấp của con sông lớn). Còn theo thư tịch cổ thì ngay trong sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An (năm 1503), tên Đà Nẵng đã được ghi nhận.

Theo chúng tôi, chính trong ngọn nguồn văn hóa dân gian, với thần thoại, truyền thuyết suy nguyên (Mythologie étiologique) giải thích sự hình thành của năm ngọn núi Non Nước (Ngũ Hành Sơn) kể chuyện Rồng Vàng đẻ trứng trên bãi biển Đà Nẵng, rồi sau đúng một ngàn ngày đêm, trứng bỗng nứt ra, một cô gái xinh đẹp tựa như tiên nga ra đời. Nàng lớn nhanh như thổi. Giữa một mảnh vỏ trứng, có một cái hang như được dành sẵn cho nàng. Trong cái hang thoáng mát kia, có hai cái vú đá không ngừng tuôn chảy một dòng sữa trắng để nuôi nàng. Còn muôn chim thì đua nhau đến nhảy nhót, hát ca giúp vui cho nàng, lại tha bông vải đến dệt áo cho nàng mặc; tha sợi đay về dệt thảm cho nàng trải. Một hôm, nàng nhặt những viên đá nhỏ có năm sắc lấp lánh vương vãi bên chân nàng, ném ra chung quanh. Lạ thay, mỗi viên sỏi ngũ sắc rơi xuống đều mọc lên một loài hoa lạ, có năm cánh. Về sau, người dân tại nơi này đã dùng loại hoa tứ quý này để chữa bệnh thời khí và bệnh sốt rét. Còn nàng thiếu nữ xinh đẹp kia, vào một đêm trăng, đã được Rùa Vàng hiện lên đưa đi mất. Năm mảnh trứng Rồng nứt ra cứ lớn mãi, lớn mãi lên, thành năm ngọn núi. Ngày nay, năm ngọn núi đó vẫn còn, và do đá núi có năm sắc lấp lánh nên người dân nơi đây gọi núi này là Ngũ Hành Sơn. Người ở vùng đất Tiên Sa này còn cho rằng khi Rồng Vàng chuyển dạ, trong cơn quằn quại, vô tình đã làm lở đất thành dòng sông Hàn ngày nay.

Quan trọng hơn, hình tượng văn học ấy đã tạo nên tâm thế mới, tâm thế của Đất và Người Đà Nẵng, luôn hướng ra biển, hòa nhập với biển, với thế giới bên ngoài. Và đó cũng chính là tâm thức bảo vệ biển, đảo của người dân đất Quảng, mà việc tham gia vào Hải đội Hoàng Sa là một minh chứng lịch sử rõ ràng.   

Và phải chăng, chính với địa - văn hóa ấy mà người Đà Nẵng luôn có tính cách cương cường, thích mạo hiểm xông pha; trong chiến tranh đã “đi đầu diệt giặc”, còn trong thời bình là luôn muốn khởi nghiệp, luôn hướng tới sự hội nhập, hòa mình vào với dòng chảy của thế giới?

Mở rộng con đường tiến ra biển, hòa nhập với thế giới trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch mới là điều quan trọng có tính chiến lược hiện nay của thành phố Đà Nẵng, “thành phố đáng sống” như đã được thế giới ca ngợi về mặt sinh thái.   

 Thành phố hướng ra biển

Có thể nói như thế này chăng: dù cả hai đều nằm trên bờ biển xanh, nhưng nếu Hội An là một thành phố tĩnh, thì Đà Nẵng lại là thành phố động; nếu Hội An như thu biển vào với mình, kéo thế giới lại với mình, thì Đà Nẵng lại là thành phố mở ra với biển, với thế giới, để sánh bước cùng thế giới trên con đường vươn tới tương lai.

Chúng ta biết rằng, dân tộc Việt trên con đường Nam tiến đã dựa vào các dòng sông để lập nghiệp. Điều này cũng dễ hiểu, vì phần lớn các nền văn hóa cổ của nhân loại đều hình thành ở lưu vực các dòng sông lớn: văn hóa Ai Cập ở lưu vực sông Nil; văn hóa Lưỡng Hà ở lưu vực hai dòng sông Tigris và Euphrates; văn hóa Ấn Độ ở lưu vực sông Indus; văn hóa Trung Hoa ở lưu vực sông Hoàng Hà; còn văn hóa Hy Lạp - La Mã cổ thì ở ven biển Địa Trung Hải... Xem thế, văn hóa sông biển đã là nguồn gốc hình thành và phát triển của rất nhiều dân tộc. Với dân tộc Việt Nam, đặc biệt là người Việt ở Trung Bộ, thì văn hóa miền Trung là văn hóa biển. Và phải chăng, chính địa - văn hóa của miền Trung đã thể hiện tinh thần văn hóa biển, mà ngay từ xa xưa, các đội ghe bầu của người Quảng đã chuyên chở hàng hóa đi khắp nơi, ra Bắc vào Nam, kể cả sang các cảng biển Đông Nam Á. Cũng phải chăng, chính với địa - văn hóa ấy mà tính cách của con người miền Trung, nói chung, và của con người  Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng, là luôn luôn kiên cường, mạo hiểm, thích xông pha, ưa khám phá...

Chúng ta cũng không quên là dòng sông Hàn là một trong rất hiếm hoi những dòng sông chảy song song với bờ biển, chảy qua thành phố Đà Nẵng; hay nói đúng hơn là chảy trong lòng thành phố Đà Nẵng (thành phố vốn được gọi là thành phố sông Hàn!) là dòng sông lịch sử đã thấm đẫm dòng máu yêu nước của ông cha ta từ ngay trận thủy chiến oanh liệt, dưới chân thành Điện Hải vào ngày 1-9-1885, với danh tướng Nguyễn Tri Phương trong trận đầu chống Pháp xâm lược.

Còn trong đời sống hiện thực hôm nay, thành phố Đà Nẵng, với bước xây dựng nhanh chóng và vững vàng, đầy tinh thần sáng tạo, đang hướng ra biển, mở ra con đường tiến ra biển; đồng thời, cũng muốn kéo thế giới đa cực lại với mình, trong các lĩnh vực kinh tế-chính trị và văn hóa - du lịch mới là bước đi quan trọng, mang tầm chiến lược. Chúng ta vui mừng vì Đà Nẵng được đánh giá cao, như báo New York Times đã từng nhận định Đà Nẵng là “điểm đến lý tưởng trên thế giới” trong năm 2015, với những bãi biển vào loại đẹp và trong xanh nhất thế giới; hay như mới đây, trang tin điện tử The Richest (Canada) đã xếp Đà Nẵng vào hàng thứ 6, trong Top 10 thành phố tiến bộ nhất thế giới mà du khách nên tham quan.

Và mùa xuân đang đến

Nhắc đến Đà Nẵng, trong suy nghĩ của mọi người gần như luôn có chung cảm nhận: Đà Nẵng là thành phố mà gần như lúc nào cũng cho người ta cái cảm giác nơi ấy luôn có cái mới, luôn chuyển mình về phía trước, phía của tương lai, của sự tốt đẹp.

Như ngay từ đầu chúng tôi đã khẳng định, không có thành phố nào ở nước ta vừa có sông, vừa có biển, mà lại vừa có cả núi, ngay trong lòng mình, như là Đà Nẵng.

Nhưng cho tới thời điểm này, đã có thể khẳng định, Đà Nẵng không phải chỉ là nơi đáng nhớ, là thành phố đáng sống vì có nhiều công trình xây dựng, vì đẹp đẽ, hiện đại. Vâng, quả như vậy! Dù với những công trình lần lượt xuất hiện trong những năm gần đây, như: Bà Nà Hills - khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại, với cáp treo cao và dài vào bậc nhất châu Á; cầu Rồng, phun nước và phun lửa vào mỗi cuối tuần - cây cầu được xếp vào một trong 30 cây cầu lạ trên thế giới, và là công trình đầu tiên ở Việt Nam, do chính người Việt thiết kế và chiếu sáng, đạt được giải thưởng của IALD (Hội của những nhà thiết kế và chiếu sáng thế giới). (Ở đây, chúng tôi muốn mở một dấu ngoặc để nói rõ điều này: Theo phong thủy và theo văn hóa dân gian, Rồng phun lửa là chiến tranh, và gây mối bất hòa, xào xáo cho cư dân địa phương; còn Rồng phun nước là mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Cho nên, đặc biệt cụ thể nhất là vì lý do môi trường, có lẽ chỉ nên để Rồng phun lửa một năm vài lần, chẳng hạn vào dịp mừng Ngày giải phóng thành phố 29-3, hay ngày Quốc khánh 2-9, còn ngoài ra, mỗi cuối tuấn chỉ nên cho phun nước mà thôi!). Hay như Khu nghỉ dưỡng sang trọng vào bậc nhất trên thế giới InterContinental Danang Sun Peninsule Resort; hoặc là Vòng quay Mặt trời; hình tượng Cá chép hóa Rồng, nặng gần 200 tấn ở bờ đông sông Hàn, nằm giữa cầu sông Hàn và cầu Rồng; và ngay bên cạnh đó là “Cầu Tình yêu”, mà đáng nói hơn, Đà Nẵng còn có những công trình mang đầy tính nhân văn như Bệnh viện Ung bướu - một bệnh viện hiện đại, đẹp đẽ và sạch sẽ bóng ngời, nơi chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân nghèo; hay như khi Đà Nẵng phát động Chương trình “Thoải mái như ở nhà - Confort as home”, với những nhà vệ sinh từ mỗi nhà hàng, khách sạn hay nhà dân. Hoặc với những sự kiện ngoài trời thú vị mà chẳng phải thành phố nào cũng có được, như: lễ hội pháo hoa quốc tế, các liên hoan âm nhạc, sự kiện thể thao mang tầm quốc tế... Ngoài tất cả những công trình, sự kiện đó, chính cái thái độ và cách sống, phong thái của người dân Đà Nẵng mới là yếu tố quan trọng thu hút du khách khắp nơi, để lại niềm cảm mến trong lòng mọi người xa gần, và luôn khiến những người biết Đà Nẵng, đến Đà Nẵng luôn muốn quay trở lại trong lòng Đà Nẵng để còn được sống, được đón nhận và sẻ chia mọi cảm nhận thú vị trong bối cảnh xã hội vốn đã lắm khi trở thành vô cảm trong nhịp sống hiện đại hôm nay.

Gần đây, báo chí và truyền thông nhiều nước còn ca ngợi cách làm việc và thái độ niềm nở, cởi mở và vô cùng thân thiện, nhiệt tình phục vụ và giúp đỡ của toàn thể những nhân viên trong ngành hàng không tại phi trường Đà Nẵng, mà ngay cả đồ ăn, thức uống nơi đây cũng rẻ không ngờ, chứ không “chặt chém” như ở một số sân bay khác. Mỗi dịp lễ lớn hay ngày Tết cổ truyền, trong khi các địa phương khác tha hồ tăng giá dối với du khách, thì tại thành phố, giá cả vẫn bình ổn như ngày thường trong năm.

Riêng tôi, một đứa con xứ Quảng đi xa trở về, thú thật, lòng cảm thấy nhẹ nhàng, hãnh diện, khi một buổi chiều lang thang bên bờ sông Hàn, trên đường Bạch Đằng, tình cờ đọc thấy tấm bảng nhỏ bên vệ đường, với dòng chữ: “Xin lỗi vì đã làm phiền quý khách, đoạn đường này đang được sửa chữa”; hay khi ghé vào quán cà-phê ngay chỗ Cầu Tình yêu, thấy tấm bảng “Giữ xe miễn phí”, lòng vui không phải vì không mất 2.000 đồng tiền gửi xe, mà vui vì thấy cuộc đời vẫn đẹp, vì quanh ta vẫn còn những hành vi nhân bản, những cung cách cư xử thấm đẫm tình người.

Mà không chỉ trong cuộc sống hiện nay đâu bạn, với người Đà Nẵng, ngay từ xa xưa, ý thức tôn trọng con người, tôn trọng mọi thành phần xã hội, dẫu đó có là những đứa trẻ nghèo khó cơ hàn, cũng đã được đề cao, mà minh chứng hùng hồn nhất là tại làng Phong Lệ (huyện Hòa Vang), mỗi năm vẫn diễn ra “Lễ hội Mục đồng”, là ngày lễ dành cho những đứa bé chăn trâu, ngày mà mọi người trong làng, kể cả Hội đồng hương mục, cùng đóng góp để cho các trẻ em chăn trâu có điều kiện tổ chức lễ rước mục đồng, vừa đầy lòng nhân ái, vừa biểu hiện tinh thần trọng nông và tôn trọng mọi kiếp người, dù giàu nghèo, sung sướng hay cực khổ khác nhau. Chính cái tinh thần nhân văn ấy, phải chăng hôm nay vẫn còn thấm đậm trong mọi người dân Đà Nẵng khi đang ra sức làm đẹp cho thành phố quê hương, một Đà Nẵng ngày càng hiện đại và xinh đẹp bên bờ biển xanh.

Và mùa xuân đang tới...

Tần Hoài Dạ Vũ, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - người có bộ sách nghiên cứu về văn hóa dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng 4 tập, gần 2.000 trang viết sẽ ra mắt bạn đọc sắp tới đây, tham gia cuộc thi với ký sự rất “dễ thương”: Đà Nẵng, thành phố tôi yêu. Là người con quê hương, có gần 50 năm nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Quảng, Tần Hoài Dạ Vũ hiểu tường tận mảnh đất này, dù có thời gian dài ông làm báo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua tác phẩm Đà Nẵng, thành phố tôi yêu, ông gửi đến bạn đọc ấn tượng mà ông cảm nhận được về Đà Nẵng bằng những tư liệu hết sức chắt lọc nhưng rõ ràng, định hướng người đọc đến điều mình muốn nói. Từ đặc điểm địa lý, văn hóa, ông đã dẫn dắt người đọc đến tính cách người Quảng và cách bứt phá của Đà Nẵng 20 năm qua. Đối với ông, dấu ấn 20 năm Đà Nẵng đổi mới là thay đổi được tập quán từ quay lưng lại với biển đến hướng ra biển lớn để hội nhập, để phát triển. Ông cũng dành nhiều tâm trí để minh chứng tính đúng đắn của sự lựa chọn đó, rằng Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng trên thế giới; rằng Đà Nẵng xếp hàng thứ 6, trong Top 10 thành phố tiến bộ nhất thế giới mà khách du lịch nên đến tham quan. Đó là ý thức tôn trọng con người, tôn trọng mọi thành phần xã hội; rằng Đà Nẵng luôn chuyển mình về phía trước, phía của tương lai, của sự tốt đẹp…

Phải chăng vì Đà Nẵng đáng sống, vì tình yêu của mình về thành phố này, sau hơn 30 năm xa xứ, ông bày tỏ nguyện vọng trở về úp mặt xuống dòng Hàn giang quê…

Nhà báo Quý Lâm

TẦN HOÀI DẠ VŨ

;
.
.
.
.
.