.

Những trái tim phục sinh những trái tim

.

1. Cách nhau gần nửa vòng trái đất, nhưng suốt 10 năm nay, bà Irene Lejeune - Chủ tịch Hội từ thiện Quả tim vì Quả tim  (Heart for Heart - Đức) vẫn miệt mài tìm đến và tích cực hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh tim bẩm sinh. Việc làm âm thầm của bà dành cho những người chưa từng biết mặt xuất phát từ trái tim rung cảm trước nỗi đau, bất hạnh ở đời, như bà từng chia sẻ: Mỗi sáng thức giấc, tôi lại cảm thấy ấm áp bởi biết rằng ở Việt Nam xa xôi đang có thêm những số phận được cứu chữa kịp thời…

Bà Evi Brandl và bà Irene Lejeune (lần lượt từ phải sang) cùng đại diện Bệnh viện Đà Nẵng tại khu đất khởi công xây dựng Trung tâm Tim mạch. 				(Ảnh chụp năm 2015, do Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp)
Bà Evi Brandl và bà Irene Lejeune (lần lượt từ phải sang) cùng đại diện Bệnh viện Đà Nẵng tại khu đất khởi công xây dựng Trung tâm Tim mạch. (Ảnh chụp năm 2015, do Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp)

Là chủ một công ty đa quốc gia chuyên kinh doanh thiết bị bán dẫn, hoạt động kinh doanh lớn mạnh, phát triển mang lại nguồn lợi lớn cho bà Irene Lejeune. Thế nhưng, từ đầu năm 2003, bà Irene Lejeune có một quyết định gần như thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình, đó là bán công ty và dồn sức vào làm từ thiện. Chính thức rút khỏi thương trường, với mạng lưới kinh doanh có sẵn, bà Irene Lejeune đứng ra kêu gọi, thành lập Hội Quả tim vì Quả tim. Thời điểm đó, bà quan niệm, vì cuộc đời mình đã có nhiều thành công và may mắn nên hôm nay muốn chia sẻ may mắn đến với mọi người, không phân biệt quốc tịch, màu da.

Từ lúc thành lập, Hội từ thiện Quả tim vì Quả tim phối hợp với GS Heinrich Netz - Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trường Đại học Munich (Đức) đưa nhiều trẻ em bị bệnh tim từ khắp nơi trên thế giới như: Kosovo, Palestine, Nam Phi và Việt Nam cũng như các quốc gia còn khó khăn khác lần lượt sang Đức điều trị và lo toàn bộ chi phí.

Công việc thiện nguyện của bà Lejeune tưởng chừng sẽ tiếp diễn như thế nếu không có cuộc gặp gỡ đầy “nhân duyên” giữa bà và TS.BS Lê Trọng Phi - Trưởng khoa Bệnh bẩm sinh và cấu trúc tại Trung tâm Tim mạch tiểu bang Bremen (Đức), một bác sĩ dành cả cuộc đời nghiên cứu khoa học để tìm phương pháp tối ưu nhất điều trị bệnh tim cho trẻ em…

2. Bác sĩ Lê Trọng Phi sang Đức từ năm 15 tuổi và trở về tham gia các hoạt động tại Việt Nam từ năm 2000. Trước đó, vài bác sĩ tim mạch Việt Nam đến thăm ông tại nhiệm sở ở Đức và mời ông về nước dự hội nghị tim mạch tại TP. Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ hội nghị ấy, bác sĩ Lê Trọng Phi điều trị cho vài bệnh nhân tim bẩm sinh bằng các phương pháp can thiệp qua đường da hiện đại nhất. Kể từ đó, ông về Việt Nam hằng năm để hoạt động chung với các đơn vị tim mạch tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và vài địa điểm khác ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như miền Trung. Các bác sĩ đồng nghiệp tại Đức biết hoạt động của ông nên thường cung cấp cho ông dụng cụ y tế để tặng bệnh nhân nghèo. Và nhân dịp Hội từ thiện Quả tim vì Quả tim có chương trình đặc biệt tài trợ điều trị bệnh nhân thuộc các nước nghèo, Khoa Tim bẩm sinh của Trường Đại học Munich đã giới thiệu ông đến với Hội từ thiện của bà Irene Lejeune.

“Vào năm 2005, tôi tới Munich để điều trị cho 3 em nhỏ đến từ Việt Nam qua sự tài trợ của Hội từ thiện Quả tim vì Quả tim. Sau khi hoàn thành việc chăm sóc cho các bệnh nhân này, tôi đề nghị nên lập chương trình giúp đỡ ngay tại Việt Nam để sử dụng ngân sách hiệu quả tối đa có thể, thay vì chuyển các em từ khắp nơi sang Đức sẽ tốn kém rất nhiều chi phí kèm theo. Khi Ban chấp hành Hội từ thiện đồng ý với đề nghị trên, tôi đã thảo dự án viện trợ các trang thiết bị cơ bản cần thiết và tôi sẽ là người kết nối giữa Hội từ thiện Quả tim vì Quả tim với các bệnh viện tại Việt Nam trong lĩnh vực chuyên môn bằng cách điều trị cho bệnh nhân và huấn luyện bác sĩ tại chỗ”, bác sĩ Lê Trọng Phi cho biết.

"Mỗi sáng thức giấc, tôi lại cảm thấy ấm áp bởi biết rằng ở Việt Nam xa xôi đang có thêm những số phận được cứu chữa kịp thời"

Bà Irene Lejeune

3. Thành phố Đà Nẵng được bác sĩ Lê Trọng Phi chọn làm nơi thí điểm cho dự án này, vì sau chuyến tham quan, ông được thuyết phục bởi cách quản lý rất chuyên nghiệp của Ban Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng. Bên cạnh đó, dẫu chưa có trang thiết bị và cơ sở kỹ thuật dồi dào, các bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã thực hiện những chương trình khám tầm soát và thống kê bệnh tim bẩm sinh rất ấn tượng.

Khoảng 6 tháng sau khi có đề án chi tiết, máy thông tim đầu tiên và máy siêu âm tim đã được Hội từ thiện chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2006. Cứ mỗi 3 tháng, đơn vị Tim bẩm sinh của Bệnh viện Đà Nẵng lại chuyển cho bác sĩ Lê Trọng Phi thống kê kết quả điều trị để báo cáo với Ban chấp hành Hội từ thiện. Những thành quả rất tốt trong việc chăm sóc bệnh nhân tim bẩm sinh trở thành yếu tố có sức thuyết phục cao để Hội từ thiện tiếp tục viện trợ bổ sung nhiều trang thiết bị tân tiến. Vào năm 2013, Bệnh viện Đà Nẵng được nhận dàn máy thông tim thứ hai, tối tân nhất thế giới để tăng cường việc điều trị tim mạch. Bà Lejeune, GS Netz và bác sĩ Phi đều hài lòng trước các thành quả đã gặt hái trong chuyên môn cũng như phong cách làm việc của đội ngũ điều trị tim bẩm sinh tại Đà Nẵng. Bác sĩ Phi tin rằng, chỉ còn ít năm nữa, “các bạn đồng nghiệp tại Đà Nẵng” (cách ông trìu mến gọi những bác sĩ do mình trực tiếp đào tạo) có thể điều trị tim bẩm sinh ngang hàng về chất lượng so với các trung tâm tim mạch tân tiến tại Đông Nam Á.

Chọn Việt Nam, chọn Đà Nẵng triển khai dự án từ thiện không chỉ có ý nghĩa đối với bà Irene Lejeune, TS.BS Lê Trọng Phi mà với GS Heinrich Netz, người đồng hành với Hội từ thiện Quả tim vì Quả tim từ buổi đầu, điều này có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Bằng ánh mắt và giọng nói đong đầy cảm xúc, GS Netz tâm sự, trong ý niệm thời thanh niên của ông, Việt Nam là một quốc gia từng chịu tổn thất nặng nề bởi những cuộc chiến. Hòa bình lập lại nhưng hậu quả chiến tranh vẫn dai dẳng với nhiều hệ lụy.

Thâm tâm của GS Netz, từ khi còn là một người trẻ đã luôn mong ngày nào đó có thể làm được việc hữu ích giúp Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, dù việc giúp đỡ ra sao, bằng cách nào thì tại thời điểm ấy ông chưa định hình được. Quen biết bà Lejeune từ năm 1994 và cùng tham gia nhiều hoạt động từ thiện khắp năm châu, đến khi nghe bà Lejeune đề cập ý định chuyển hẳn dự án từ thiện sang Việt Nam, GS Netz ủng hộ ngay lập tức. Bà Lejeune và GS Netz cùng chia sẻ rằng, họ không chọn nơi nào khác ở Việt Nam ngoài Đà Nẵng, bởi họ tin với đội ngũ y tế, cơ sở hạ tầng khang trang đã và đang được đầu tư, nâng cấp sẽ thực sự mang lại những giá trị tốt đẹp, nhân văn.

Từ năm 2006 đến nay, bà Lejeune và Hội từ thiện của bà viện trợ cho Bệnh viện Đà Nẵng các máy thông tim, máy thở, siêu âm tim, máy theo dõi tim mạch với tổng giá trị khoảng 2,5 triệu Euro. Theo bà, ấn tượng đẹp sẽ đến rất nhanh và được nuôi dưỡng, duy trì bằng thành tích từ phía đối tác. Không chỉ hỗ trợ về mặt thiết bị và kỹ thuật cho Bệnh viện Đà Nẵng, thông qua GS Netz, hiện Đại học Đà Nẵng cũng có được chương trình hợp tác đào tạo với Trường Đại học Munich trong lĩnh vực y tế. Các khóa huấn luyện giảng viên, xây dựng đề án đưa sinh viên Việt Nam sang Đức làm luận án tiến sĩ nhờ đó tổ chức thường xuyên.

4. Để có nguồn quỹ duy trì hoạt động thiện nguyện, nhiều lần trong năm và đặc biệt hằng năm cứ vào mùa đông, bà Lejeune lại đứng ra tổ chức chương trình nghệ thuật, mời các nhà hảo tâm cùng tham gia, ủng hộ. Số tiền góp được sẽ làm quỹ giúp đỡ những mảnh đời ở Việt Nam.

Quá trình hoạt động của bà, ngoài GS Netz, bác sĩ Phi, còn có rất nhiều sự chung tay của mạng lưới tình nguyện viên, những người cùng quan điểm, suy nghĩ và cùng nhịp đập yêu thương từ trái tim nhân ái. Chẳng hạn như bà Evi Brandl, một mạnh thường quân vừa đến với Hội vào năm 2015 và cùng năm đó thông qua tổ chức này trao tặng Bệnh viện Đà Nẵng máy siêu âm tim. Đó cũng là lý do khiến bà Lejeune cảm thấy không lẻ loi trong việc trao đi những yêu thương cho người xa lạ.

Bà từng chia sẻ vui mà rất thật rằng, làm kinh doanh thiết bị bán dẫn hay tổ chức “bầu show” đều để kiếm tiền và vất vả như nhau, nhưng kiếm tiền vì mục đích từ thiện hạnh phúc hơn nhiều. Điều đó có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần. Hình ảnh một em bé bị bệnh tim nặng trong khi người cha cụt tay với đôi mắt ngấn lệ không ngừng lo lắng cho con cứ ám ảnh bà mãi.

Hay giây phút chứng kiến những người mẹ thấp thỏm ngoài hành lang chờ con đang phẫu thuật, tuy không thể giao tiếp bằng lời nói, nhưng qua ánh mắt họ, bà Lejeune cảm nhận được sự biết ơn, sự cần thiết từ những con người tội nghiệp này dành cho bà. Những đôi mắt biết nói ấy càng lay động tấm lòng bao la mà bà đã “mở” ra suốt 10 năm nay chưa bao giờ khép lại.

Chia sẻ một chút về bản thân sau những gì đã làm, bà Lejeune nói rằng, dù không mong muốn đền đáp, cuộc sống có vất vả cuốn đi, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, bà, GS Netz, TS.BS Phi và những người đồng hành với Hội từ thiện Quả tim vì Quả tim vẫn mong nhớ đến những hình ảnh này. Đó không phải là sự ban ơn mà đúng hơn là sự sẻ chia, giúp mọi người hiểu rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng không được bỏ cuộc khi bên cạnh mình luôn có những người sẵn sàng dang tay giúp đỡ.

Nói về hành trình hợp tác giữa bà Lejeune với Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, sự hỗ trợ của Hội từ thiện Quả tim vì Quả tim đã giúp đội ngũ bác sĩ trau đồi tay nghề và có thêm các trang thiết bị hiện đại, kịp thời chữa trị cho nhiều trường hợp hiểm nghèo. Thật hiếm có bởi sự giúp đỡ này không chỉ diễn ra ngày một, ngày hai, hay ở vài trường hợp mà kéo dài suốt 10 năm qua và vẫn đang tiếp tục với rất nhiều hy vọng.

Thành lập từ năm 2006 đến nay, khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng khám và điều trị cho hàng chục ngàn bệnh nhân tim mạch; phẫu thuật và can thiệp tim mạch cho hơn 3.342 bệnh nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đak Lak, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An… Trong đó, hàng ngàn trường hợp được cứu chữa kịp thời nhờ sự hỗ trợ trang thiết bị với trị giá hơn 50 tỷ đồng từ Hội từ thiện Quả tim vì Quả tim.

Ký sự Những trái tim phục sinh những trái tim không dài nhưng khiến tôi cả buổi trưa không ngủ. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần để lý giải, để hiểu được con đường đi của những trái tim thiện nguyện, những trái tim hiến dâng. Những trái tim hồng từ phương Tây xa xôi đến Việt Nam, đậu lại Đà Nẵng hẳn có nhân duyên. Nhưng chắc bạn đọc cũng như tôi sẽ đặt ra câu hỏi, tại sao những trái tim hồng đó không chọn nơi nào khác hơn Đà Nẵng – dù những năm đó Đà Nẵng không phải là nơi điều trị tốt các bệnh về tim mạch; dù những trái tim hồng đó đã đến nhiều nơi xinh đẹp và quyến rũ hơn Đà Nẵng. Họ chọn Đà Nẵng là nơi triển khai dự án bởi theo các tác giả, họ đã tin vào đội ngũ thầy thuốc thành phố biển này, họ tin vào cách đi của thành phố và họ tin vào tình người Đà Nẵng.

Cách đây mấy năm, tình cờ tôi đọc được một ấn phẩm do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh xuất bản với tựa đề “Những trái tim hòa nhịp”. Hàng trăm trái tim bệnh tật mà những trẻ em nghèo bất hạnh mắc đã được những trái tim thiện nguyện cứu chữa. Rồi những người già không nơi nương tựa, những phụ nữ nghèo, những mảnh đời bất hạnh được thành phố chăm sóc, cưu mang…

Với lối viết nhẹ nhàng, rất tự nhiên nhưng các tác giả muốn chuyển đến bạn đọc một thông điệp lớn, “Đà Nẵng ơi! Tình người” (Lời một bài ca).

Nhà báo Quý Lâm

PHAN CHUNG-THU HOA

;
.
.
.
.
.