.

"Thành phố Pháo hoa"

.

1. Hẹn nhau bàn chuyện gặp mặt bạn cùng lớp thời trung học, đến nơi thì thấy Trần Thắng đang nói chuyện qua điện thoại. Anh đưa tay vẫy chào, ý bảo chờ chút. Một phút sau, anh chàng Phó phòng Trả thưởng, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng này buông điện thoại, phân bua: Ông bạn trong Nha Trang hỏi thăm cái vụ bắn pháo hoa quốc tế năm 2017 ở Đà Nẵng mình.

Pháo hoa, ngôn ngữ của cái Đẹp và tình bạn quốc tế. Ảnh: V.T.L
Pháo hoa, ngôn ngữ của cái Đẹp và tình bạn quốc tế. Ảnh: V.T.L

Hai đứa kéo nhau ra quán nước trong hẻm nhỏ sát bên hông công ty. Sẵn đà, Thắng kể, đầu năm 2008, anh vào nhận nhiệm vụ ở Văn phòng đại diện của công ty tại hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đóng ở Nha Trang. Năm đó, công ty có tài trợ cho Cuộc thi bắn pháo hoa (nay là Cuộc thi trình diễn pháo hoa) quốc tế Đà Nẵng, tên tiếng Anh là Danang International Fireworks Competition – DIFC, nên anh được nhận một cặp vé mời thuộc diện cán bộ chủ chốt của công ty.

Về Đà Nẵng, anh “mắt chữ A mồm chữ O” khi lần đầu tiên biết đến thế nào là bắn pháo hoa nghệ thuật. Vào lại Nha Trang, ngay lần gặp lại nhau, bạn bè trong đó hỏi anh xem bắn pháo hoa ngoài đời thực ra sao, chứ xem trên ti-vi cũng “đã” lắm. Thắng bảo, cũng như nghe “nhạc sống”, xem “bóng đá sống”, thưởng thức “pháo hoa sống” bao giờ cũng hấp dẫn hơn, vừa xem hoa pháo nở bung khắp trời, vừa nhìn bao quát được toàn cảnh Đà Nẵng về đêm...

Thế là năm sau, DIFC 2009, bạn anh kéo nhau ra Đà Nẵng. Trên chuyến tàu về lại quê nhà, anh gặp thêm hai gia đình người Nha Trang ra Đà Nẵng xem pháo hoa. Chuyện trò với nhau một lát là thành bạn. Anh nhập vai “thổ công”, hướng dẫn mọi việc để họ có một chuyến đi thật thoải mái: ở khách sạn nào, chơi đâu, ăn gì, mấy giờ thì chuẩn bị đi xem pháo hoa...

Từ đó, cứ đến dịp bắn pháo hoa là họ lại gặp nhau. Lần này, DIFC 2017 sẽ diễn ra dài ngày hơn, cuộc hội ngộ của họ xem ra sẽ không kém hấp dẫn hơn so với cuộc hội ngộ của các anh tài pháo hoa quốc tế...

2. Nói chuyện bạn học, sực nhớ đến nhóm bạn của ông Mười Nhựt - Nguyễn Thanh Nhựt, người Hòa Nhơn, Hòa Vang. Trong nhóm, theo lời Mười Nhựt, nổi đình nổi đám nhất là ông Trần Văn Minh.

Mười mấy năm trước tôi có lần không giấu được ngạc nhiên khi nghe ông Minh hát trong buổi gặp mặt những người hoạt động ngành Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang trước năm 1975. Sau đó mới biết ông thỉnh thoảng cuối tuần ngược lên Hòa Nhơn, kéo anh em bạn bè thời trung học về nhà ông Mười Nhựt, làm với nhau vài ly nói chuyện trên trời dưới đất cho vơi đi áp lực công việc hằng ngày.

Mười bữa như chục, khi chớm đến “độ đã”, ông ôm cây ghi-ta nghêu ngao hát “Người ơi, người ở đừng về”. Bài “ruột” này ý chừng nhắc khéo anh em ngồi lại, đừng vội về. Sướng lên, ông còn hát một số bài dân ca của người Cơtu.

Hoặc lôi từ cốp xe ra cây kiếm, quà tặng trong một lần thăm Nhật, đi mấy đường cơ bản như trong phim cổ trang của đất nước Mặt trời mọc... Những lúc như thế, ông không là một Trần Văn Minh quan chức với cương vị Chủ tịch UBND thành phố mà là một Trần Văn Minh đình đám đời thường giữa thân tình bè bạn.

Với cái chất nghệ sĩ đó, ông trở thành người sốt sắng nhất trong những người đứng ra “lập bản vẽ thiết kế” cho DIFC, một sự giao hòa tinh tế của ánh sáng và âm nhạc. Vừa rồi, trao đổi với tôi qua thư điện tử, ông nhấn mạnh cái ý tưởng mới mẻ và đầy táo bạo của Đà Nẵng ngày đó khi chọn sự kiện tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế làm lễ hội để thu hút khách du lịch đến thành phố tham quan, vui chơi. Mới, bởi ở Việt Nam chưa có ai làm.

Táo bạo, bởi pháo hoa là vật liệu nổ liên quan đến quốc phòng – an ninh. Muốn “chơi với pháo” phải hoàn thành thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành Trung ương; phải “lập bản vẽ thiết kế” sao cho có tính khả thi, có sức thuyết phục thì Thủ tướng Chính phủ mới chấp nhận cho phép Đà Nẵng tổ chức thực hiện.

3. Lâu nay cứ thấy pháo nổ dưới đất rồi tung hoa rực một góc trời là... hoành tráng, chứ có ai để ý tới thuật bắn nó ra sao đâu. Để tiến hành lập đề án DIFC, ông Minh cùng Giám đốc Sở Ngoại vụ lúc bấy giờ là ông Lương Minh Sâm nhờ Bộ Ngoại giao giới thiệu gặp đại diện sứ quán các nước có tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế để tìm hiểu. Khi báo cáo đề án lên Ban Thường vụ Thành ủy, có nhiều ý kiến khác nhau lắm. Người thì bảo, đội nào bắn lên thật cao thì đội đó giành giải nhất, chứ cần gì nhạc, cần gì chủ đề. Người thì phân vân, vụ bắn pháo hoa này phức tạp quá, liệu Chính phủ có cho phép không?...

Nhưng rồi, quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố, nhất là Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, cùng với sự tư vấn của Công ty Global 2000 Sdn.Bhd - Malaysia đã làm cho mọi việc được rõ dần ra, đề án được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận.

DIFC lần đầu tiên năm 2008 được chuẩn bị chỉ gần 3 tháng. Quá ít, khi việc lại rất nhiều, từ kêu gọi các đội tham gia, đặt sản xuất pháo, cho đến thủ tục nhập pháo, vận chuyển, làm kho bảo quản, rồi đưa pháo ra hiện trường lắp đặt, tổ chức thi bắn… Mọi việc diễn ra trôi chảy. Trong hai đêm  27 và 28 tháng 3 năm đó, thành phố bên sông Hàn lộng lẫy sắc pháo của 3 đội quốc tế và đội chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam tham gia thi đấu với chủ đề “Vũ điệu Tiên Sa”.

Lần đầu tiên du khách trong nước và người dân Đà Nẵng biết thế nào là pháo hoa nghệ thuật được bắn trên nền nhạc theo chủ đề đặt ra. Khi khoan thai, dìu dặt, lúc thúc giục, dập dồn, âm nhạc và pháo hoa đan xen, hòa quyện nhau thành những cung bậc cảm xúc làm say đắm lòng người. Khán giả chừng như nghe được từng hơi thở, từng nhịp đập của dòng sông Hàn đậm chất sử thi âm vang đâu đó giữa đất trời. Khi những ánh chớp lóe trên nền trời cũng là lúc những nốt nhạc bùng vỡ trên dòng sông loang loáng sắc màu pháo hoa và khẽ chạm vào trái tim con người những giai điệu kỳ ảo.

4. Sự kiện DIFC 2008 được Sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận đạt kỷ lục quốc gia: Cuộc thi pháo hoa quốc tế đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Đà Nẵng có đội bắn pháo hoa nghệ thuật dự thi với tư cách đại diện nước chủ nhà Việt Nam.

Tại DIFC 2008, đội Đà Nẵng – Việt Nam chỉ là anh chàng tí hon trước những người khổng lồ đầy đẳng cấp trong cuộc trình diễn bắn pháo hoa theo nhạc. Để người tí hon dần vươn mình lớn dậy, sau thành công của DIFC 2008, lãnh đạo thành phố quyết tâm phát triển đội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Thiếu tá Huỳnh Ngọc Chính, cán bộ Ban Tác huấn phụ trách pháo hoa, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, là một trong 7 thành viên của đội pháo hoa Đà Nẵng – Việt Nam được cử đi đào tạo, học kỹ thuật lập trình, trình diễn pháo hoa theo nhạc tại Malaysia.

12 ngày đêm “tầm sư học đạo” chẳng bõ công, thiếu tá Chính nhớ lại, mặc dù gặp không ít khó khăn do áp lực thời gian và bất đồng ngôn ngữ, nhưng anh em đã nắm bắt được kỹ thuật của hệ thống bắn FireOne – một trong những hệ thống bắn pháo hoa tiên tiến hàng đầu thế giới. Ngày cuối cùng của khóa đào tạo, anh em trực tiếp xem đội pháo hoa nước bạn biểu diễn như là một cách thực hành những gì mình đã học. Điều đáng mừng là không lâu sau khi họ về nhà, lãnh đạo thành phố đã quyết định đầu tư hệ thống bắn FireOne. Bản thân anh em thì qua nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố cách khắc phục về sự “lệch pha” giữa phần nhạc và pháo – một điểm yếu của pháo hoa Việt Nam.

“Chàng tí hon” đã vươn mình thành Phù Đổng. 4 năm sau đó, Thiếu tá Chính, trong vai trò đội trưởng, đã đưa đội Đà Nẵng – Việt Nam tham gia Lễ hội pháo hoa Ánh sáng Honda 2012 (Honda Celebration of Light 2012) diễn ra tại Vancouver cuối tháng 7 đến đầu tháng 8-2012. Không chỉ đạt giải nhì, xếp sau đội Italia, đội còn được ban giám khảo và người xem cho điểm cao nhất trong ba đội thi (Đà Nẵng – Việt Nam, Brazil và Italia) về phần kỹ thuật đồng bộ giữa nhạc và pháo.

5. Khi DIFC 2008 diễn ra cũng là lúc anh em làm báo chuẩn bị bài vở cho sự kiện 150 năm trận đầu đánh Pháp tại Đà Nẵng vào đầu tháng 9 năm đó. Đêm 27-3, khi những tiếng nổ đầu tiên bùng phát trên sông kéo theo những viên đạn pháo xé gió vút lên trời rồi mở ra những cánh hoa nhiều hình thể, sắc màu, một anh bạn làm ở báo Sài Gòn giải phóng bất giác buột miệng: Nghe như tiếng đại bác của liên quân Pháp – Tây Ban Nha ngày xưa.

150 năm trước đó, ngày 2-9-1858, với mưu đồ đánh chiếm Đà Nẵng, liên quân đến từ phương Tây này đã tập trung đại bác bắn tới tấp hàng trăm quả vào cửa sông Hàn và các đồn ở bán đảo Sơn Trà. Đêm đó, 3.000 quả pháo hoa của đội Đà Nẵng – Việt Nam biểu diễn khai mạc DIFC 2008 đã kết thúc nhưng âm hưởng từ mối liên hệ những tiếng pháo cách nhau một thế kỷ rưỡi làm tôi lặng người. Bên tai như còn văng vẳng “Văn tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng” qua giọng đọc sang sảng của NSƯT Nguyễn Ninh ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: Nước sông Hàn hai ba phen cuồn cuộn, tàu Tây Dương bắn phá lũy An Đồn. Mây Sơn Trà năm bảy lớp ùn ùn, súng Nghĩa sĩ vang rền thành Điện Hải...

Năm 2013, các nhà sản xuất hợp tác Nga - Mỹ cho ra đời bộ phim “Mật mã Dyatlov”, nói về 5 sinh viên Mỹ tái hiện toàn bộ hành trình của đoàn thám hiểm người Nga bị mất tích hơn nửa thế kỷ trước, đã đưa ra câu hỏi “Lịch sử luôn lặp lại?”. Điều này có vẻ đúng với tiếng đạn pháo ở cửa sông Đà Nẵng. Người Tây Ban Nha đã bắn pháo trên sông Hàn ở DIFC 2009 và người Pháp thì một năm sau đó, DIFC 2010. Sau 150 năm, người ta quay lại Đà Nẵng cũng với những ánh chớp lóe lên cùng với tiếng nổ đì đoàng trên sông nhưng không phải để gây hấn chiến tranh mà là thể hiện giấc mơ đẹp về tình bạn bè quốc tế, như lời đội trưởng Nicolas Morinet của Pháp phát biểu trước khi khai diễn DIFC 2010: “Trong vòng 20 phút, khán giả sẽ được chìm vào những giấc mơ đẹp qua những màn pháo hoa”.

Trong những ngày diễn ra cuộc thi tầm cỡ quốc tế tại Đà Nẵng, mọi người đã nói với nhau cùng một ngôn ngữ, đó là Pháo hoa, ngôn ngữ của cái Đẹp và tình bạn quốc tế. Nhà văn Nga F.M.Dostoyevski từng nói “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Những giấc mơ đẹp sẽ đưa con người trên khắp hành tinh gần lại nhau hơn.

6. DIFC là một cuộc chơi nhiều chương hồi mà chỉ một chút khập khiểng, chông chênh giữa hai thành tố ánh sáng và âm thanh thì sẽ như một bản trường ca lạc vần, thất tứ. Cùng với đó, cần lắm yếu tố chung lòng, góp sức của người dân trong sự thành công của “khúc giao hòa của ánh sáng và âm nhạc” qua 7 kỳ lễ hội qua.

Ông Trần Văn Minh sau một thời gian ra Hà Nội làm Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Tổ chức Trung ương, giờ có thể nhàn nhã nghêu ngao hát cùng bạn bè. Trong thư điện tử ông gửi cho tôi, có đoạn nói về DIFC: “Để có được một Đà Nẵng – thành phố sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á, trải qua 20 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có quyết tâm lớn của đội ngũ cán bộ thành phố, sự đồng thuận của người dân... Bạn bè quốc tế luôn mong muốn và ghi nhận một Đà Nẵng thân thiện, chính quyền thân thiện, người dân thân thiện”.

Đêm pháo hoa Đà Nẵng đã trở thành nỗi nhớ và mọi người lại háo hức mong chờ DIFC 2017 với nhiều đổi thay hấp dẫn hơn, hoành tráng hơn, nhất là khi thành phố kỷ niệm 20 năm trực thuộc Trung ương. Để khẳng định hơn nữa tầm cỡ của lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Thiếu tá Huỳnh Ngọc Chính đề nghị nên thành lập một công ty hoặc một trung tâm có thể gọi là “Trung tâm Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng”. Bên cạnh đó, hằng tháng nên tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm nào đó để khẳng định Đà Nẵng là “Thành phố Pháo hoa”.

“Thành phố Pháo hoa”? Một ý tưởng đáng để công dân Đà Nẵng suy ngẫm. Đó sẽ là một cái níu áo, tựa như “Người ơi, người ở đừng về”, đối với du khách đến thăm “Thành phố sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”.

Một bút ký có nghề. Văn Thành Lê thư thả kể chuyện lễ hội pháo hoa thường niên của Đà Nẵng, cũng chính là kể chuyện lịch sử và con người thành phố này. Tác phẩm báo chí mà phảng phất không khí văn chương “hậu hiện đại” với những “tiểu tự sự”. Từ chàng công chức xổ số quảng bá không công ngày hội, anh thiếu tá lo làm sao bắn pháo khớp nhạc nền, đến ông chủ tịch thành phố bôn ba thủ tục khai sinh festival … là những mảnh ghép làm nên chuyện. Cũng không thiếu “ngã rẽ” bất ngờ. Người đọc rồi sẽ nhớ hình ảnh ông Trần Văn Minh thỉnh thoảng cuối tuần về quê Hòa Nhơn lai rai cùng đám bạn thời trung học, rồi đi vài đường kiếm Nhật hoặc ôm đàn ghi-ta hát “Người ơi, người ở đừng về” xả stress... Tác giả hẳn không có ý định “tranh chấp” danh hiệu “Thành phố đáng sống” khi đề đạt ý tưởng “Thành phố pháo hoa”. Góp thêm cái tên đẹp cho Đà Nẵng là làm giàu thêm nội hàm “đáng sống”.

Nhà báo VĨNH QUYỀN

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.