.

Một chỗ trong đời (*)

.

Đời người, có rất nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một nơi để trở về, ấy là nơi nương náu tâm hồn, là chốn an yên cho ai đó sau chuỗi ngày bão giông, đua chen mỏi mệt. Cho dù chốn về ấy có ồn ã hay lặng yên, thậm chí là một bầu không khí bình thường nhất, những câu chuyện thường nhật có phần nhàn nhạt thì ẩn sâu trong đó vẫn là một chốn về ấm áp. Một chỗ trong đời của Annie Ernaux chính là một nơi chốn như thế!

Cuốn sách Một chỗ trong đời mang về giải Renaudot cho Annie Ernaux năm 1984.
Cuốn sách Một chỗ trong đời mang về giải Renaudot cho Annie Ernaux năm 1984.

Annie Ernaux là một giáo viên dạy văn nhưng thay vì ngôn từ bay bổng, bà lại dùng lối viết văn trung tính để tường thuật tự truyện về cuộc đời của người cha. Tự truyện như những thước phim kể chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh thay vì lối diễn đạt dài. Người cha trong câu chuyện không một lần được nhắc tên gọi, chỉ có đại từ nhân xưng “cha tôi”. Ông xuất thân từ tầng lớp nông dân, không được học hành đến nơi đến chốn dù trong sâu thẳm ông vẫn mong muốn được học.

Cuộc đời của ông gắn với những tháng năm nhọc nhằn, đi qua cuộc chiến ông trở về đời thường phấn đấu trở thành công nhân, rồi bước chân vào giới tiểu thương trong vai trò một chủ tiệm một quán cà-phê và quầy tạp phẩm. Ông luôn cầu tiến, cố gắng làm mọi việc để rũ bỏ bản chất nông dân cố hữu của mình. Ông nỗ lực từng bước một để được công nhận là đã “bước chân ra khỏi cuộc sống bần hàn, thô kệch và bước vào thế gới trí thức, tư sản”.

Nhưng có một điều khó rũ bỏ- đó là xã hội Pháp lúc bấy giờ, ranh giới giai cấp còn thể hiện ở lối sống mà không phải ai bước ra từ một giai cấp nào có thể từ bỏ và đổi thay ngay được, trong đó ngôn ngữ là một điểm yếu không dễ đổi thay. Có thể người cha ấy kiếm được nhiều tiền, cẩn trọng từng tí một trong điều chỉnh lời ăn tiếng nói ở chốn đông người, học cách ứng xử tại bàn ăn hay cách phối đồ… nhưng ông khó có thể hòa nhập được bởi vốn ngôn ngữ nông dân đã ngấm sâu vào bản chất, vào mỗi cử chỉ lời nói bật ra từng giờ. Điều đó khiến cho người cha đôi khi thu mình lại, kể cả trước đứa con gái duy nhất của ông.

Người cha vẫn nỗ lực từng ngày mong cho con được ăn học, trở thành trí thức và ông âm thầm tự hào về điều đó. Dù ông không cùng con bước chân vào thư viện mượn sách lần thứ hai. Nhưng ông vẫn miệt mài chở con đi học bằng xe đạp, qua lại giữa hai bờ sông dù trời mưa hay nắng. Đôi khi ông xót con bằng thứ tình thương của một người cha hết mực yêu con khi thấy con suốt ngày cắm đầu vào sách vở. Ông tự hào về con khi con ông bước chân vào giới trí thức, thuộc về thế giới từng khinh miệt một người nông dân như ông. “Ông đã nuôi tôi khôn lớn để tôi tận hưởng thứ xa xỉ mà bản thân ông không hề biết đến”.  

Yêu con là vậy nhưng sự khác biệt về ngôn ngữ, ý nghĩ đôi khi vô tình tạo hố sâu ngăn cách sự thể hiện tình cảm giữa hai cha con. Cả hai khó tìm được tiếng nói chung hòa hợp giữa một bên xuất thân từ tầng lớp nông dân còn một bên lại được học trong một môi trường trí thức. Những cuộc trò chuyện vì thế đôi khi trở nên ngắn gọn quá mức cần thiết, khô khan thậm chí có khi còn xảy ra mâu thuẫn. “Trong các ký ức của tôi, tất cả những gì liên quan đến ngôn ngữ đều là nguyên nhân của sự oán hận, của những cuộc cãi vã đau lòng, còn hơn cả vấn đề tiền bạc”.

Hẳn trong lòng hai cha con đều có những niềm riêng, nỗi đau khi không tìm được tiếng nói chung thể hiện tình yêu, sự quan tâm. Tất thảy chỉ được diễn tả bằng hành động, việc làm lặng lẽ. Khoảng cách vô hình của ngôn ngữ, hay tính giai cấp vô tình ngăn cách ruột rà giữa họ. Cha và con gái đều sống một cuộc đời bình lặng, lặng lẽ quan sát, lặng lẽ quan tâm, lặng lẽ hy sinh. Ngay cả nỗi đau lớn nhất đời người - nỗi đau mất cha, cô con gái cũng lặng lẽ hồi tưởng về quá khứ và đặt bút viết tặng ông cuốn sách với tựa đề đủ đầy ý nghĩa như khẳng định tình yêu dành cho cha- một chỗ trong đời mà khó có gì thay thế được.

Cuốn sách không chỉ là một câu chuyện kể của người con gái về cuộc đời của người cha mình mà hơn thế, Annie Ernaux gửi cả ý nghĩ, nỗi lòng của mình về ước mong một lần được xóa bỏ khoảng cách giai cấp tồn tại giữa cha và con, giữa các tầng lớp trong xã hội, giữa các thế hệ thời bấy giờ.

“Một chỗ trong đời” là một tự truyện thay lời khẳng định về điểm tựa không có gì thay thế được trong cuộc đời mỗi con người. Đó cũng là cách để những người con nhớ đến cha mình- những người cha một đời nặng gánh, hy sinh, đánh đổi để mang lại những gì tốt đẹp nhất cho con. Đâu đó trong cuộc sống này, tình yêu ấy của những người cha dành cho con vẫn hiện hữu trong mỗi cuộc đời!

Thiên Lam

(*) Đọc Một chỗ trong đời-Annie Ernaux, Nguyễn Thị Thúy An dịch, NXB Gallimard và Nhã Nam liên kết ấn hành.
 

;
.
.
.
.
.