.

Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành

.

Sinh năm 1964 tại Hà Nội, hiện đang công tác tại Hà Nội.

Học viên văn xuôi khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du

Tác phẩm: Giấc mơ sông Thương (thơ), NXB Hội Nhà văn, 9-2018.

Từ văn xuôi, Nguyễn Phúc Lộc Thành đến với thơ, anh coi đó là sự ẩn dật, như là mình đang đi tu, đang thiền định vậy. Với 108 bài lục bát sắp xuất bản trong tập Giấc mơ sông Thương thể hiện nhiều cung bậc khác nhau.

Từ nỗi đau của người mẹ thời chiến, chịu đựng bao cuộc chia ly, Nguyễn Phúc Lộc Thành ký thác trái tim mình vào từng con chữ được chắt lọc tươi rói, để cả một chuỗi giấc mơ sông Thương trở nên lung linh trong thơ lục bát, một nguồn cảm hứng vô tận về dòng sông bất tử này.

( Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn & giới thiệu)

Giấc mơ sông Thương 13

Mẹ giặt
chiếc áo nâu sòng
Mồ hôi giũ mặn
cả dòng sông Thương
Ráng đỏ
ngân ngấn mười phương
Chiều rươm rướm
máu
vô thường lạnh môi
Mẹ già
giặt tiếng ru nôi
Giặt luôn
cả tuổi thơ tôi giữa dòng
Chiều nay
Nắng trắng mòn sông
Bến Chia Ly trắng
Trong trong
Nhàu nhàu
Năm xưa
mẹ giặt thương đau
Cha đi trận.
Trắng chiều màu khăn tang
Mẹ vịn
mòn đá cổng làng
Lưng chờ
võng cả mấy hàng cau cong
Mẹ giặt
chiếc áo nâu sòng
Tay cào mười ngón
xuống lòng sông quê

Chiều nay
con đã trở về
Chiều sim tím
đã tái tê lưng đồi
Thiên thu
giặt mộ mẹ tôi
Trầu như nhỏ máu
dập dồi xuống cơi
Nắng chiều
Kinh Bắc
phơi phơi
Rưng rưng ngọn bấc.
Đầy trời gió lay...

Giấc mơ sông Thương 2

Ngón cầm
vạt yếm ngọc ngà
Chiều thoai thoải xuống
khúc ca mời trầu
Sông Thương
mắt mẹ nông sâu
Khua chèo Kinh Bắc,
đò câu dùng dằng
Hoàng hôn
non nõn chờ trăng
Bờ em khem khép
mắt vằng vặc đêm
Sợ đau
cả dải yếm tiên
Tay hờ buộc
để cõi thiền
phân vân
Em nhìn
phai bớt mùa xuân
Cuốc kêu giã bạn
cũng tần ngần im
Mắt người
vớt chút xuân chìm
Dưới bờ côi cút
đợi chim khách về
Sông Thương
ngủ một dáng quê
Trăm năm
chảy lẫn
tóc thề, cỏ may
Câu quan họ
khóc cuối ngày
Tiễn chiều vào chết
dưới bầy nắng thưa
Tôi về
nước mắt cạn chưa
Mà trời Kinh Bắc
chiều mưa lưng tròng
Bến Thương
trắng đục đôi dòng
Chiều Sim
quành quạnh
chong chong
đợi đò...

N.P.L.T




 

;
.
.
.
.
.