.

Ký ức mùa sim

.

Đến bây giờ, mỗi khi nghĩ đến mẹ, lòng tôi lại nghèn nghẹn niềm xúc động rưng rưng. Hồi đó, cái làng nho nhỏ ven sông Thu Bồn quê tôi hầu như không nhà nào đủ lúa gạo giáp hạt. Cha tôi rời lũy tre làng tham gia kháng chiến, hy sinh, một mình mẹ phải oằn lưng, tần tảo nuôi mấy anh em loắt choắt. Chỉ chừng mươi ngày, nửa tháng được bưng chén cơm trắng vào mùa gạo mới rồi cái nồi đất nung được dọn từ trong bếp ra mỗi bữa cũng chỉ toàn khoai lang xắt lát khô cõng cơm. Thương con, bà lấy đũa lựa tất cả những lát khoai bỏ vào chén của mình, để phần cơm trắng cho con. Thiếu thốn, đói khổ đã đeo bám lũ trẻ trong làng như cái bóng đen vây kín tuổi ấu thơ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tuy còn nhỏ nhưng tôi rất thích đến mùa đom đóm lập lòe trong vườn đêm đêm, cây gạo trước sân đình trút bỏ hết những bông  hoa đỏ thắm cuối cùng, tiếng chim tu hú kêu ở bãi bồi rời rạc đến nao lòng, bởi đây là thời điểm của đất trời ban tặng nhiều hoa quả dại cho lũ trẻ đồng quê, trong đó có trái sim tím. Tôi thường dậy thật sớm dắt trâu vào gò thả cho chúng gặm cỏ xung quanh triền đồi, còn mình cùng với đám mục đồng đầu trần, chân đất đi lùng để tìm hoa quả dại. Còn nhớ, cứ vào độ trái chà là hườm hườm thì hoa sim mới bắt đầu bung nở tím ngắt cả vạt đồi rồi mãi tới cuối tháng 7 quả sim mới chín. Cây sim  có dáng lấp xấp, cao lắm cũng chỉ đến thắt lưng người lớn nên lũ trẻ chăn trâu, cắt cỏ hái quả cũng khá dễ dàng. Hoa sim 5 cánh màu tím sẫm, đằm thắm, dịu dàng và trái sim chín mọng nâu đen, bóng mượt, ngọt ngào vẫy gọi, rủ rê lũ trẻ chúng tôi  quanh quẩn trong suốt cả mùa nắng rát cho đến tận cuối thu. Điều lạ kỳ của quả sim, hễ sau một cơn mưa giông thật lớn vào buổi chiều thì sáng hôm sau các chùm sim chín nhiều hơn, quả không còn màu tím đậm nữa mà chuyển sang hơi nâu, phơn phớt chút phấn trắng tươi tắn, ngọt chát...

 Thế rồi một ngày giữa đông, mưa phùn rắc bụi mịt mờ, tôi phải xa mái tranh nghèo, xa cái làng èo uột thân thương, xa con trâu hiền lành, quanh năm chung thủy với ruộng đồng để đi xa học hành và lớn lên tham gia công tác xã hội cho đến tận ngày nay… Trong lần về quê gần đây nhất, tôi bước ra trước ngõ nhìn về phía gò đồi ăm ắp bao kỷ niệm khó phai trong những tháng ngày chăn trâu, cắt cỏ. Nghĩ cũng lạ, lẽ ra thấy lại cảnh xưa phải vui  mới đúng, song lòng mình bỗng chùng xuống, rơm rớm nỗi buồn vời vợi, xốn xang. Tôi lấy xe chạy theo con đường thảm bê-tông phẳng lì băng qua cánh đồng lúa vụ hè thu xanh mướt mà đầu cứ miên man về những tháng ngày xa vắng. Cái gò quen thuộc ấy hiện nay là nơi dành riêng cho người từ biệt dương gian, thi thoảng cũng bắt gặp vài bụi sim còi cọc lưa thưa quả. Tôi bứt mấy trái đưa vào miệng ngấu nghiến. Vẫn cái mùi ngan ngát, nồng nàn, vẫn vị ngọt chát như thuở xưa đang được nếm thử lại mà chẳng hiểu sao tất cả những gì bị vùi lấp trong ký ức cứ ùa về bao nỗi bâng khuâng, nhung nhớ. Xế chiều, gò càng hiu hắt, chỉ có những cơn gió đồng nhè nhẹ thổi qua, cây lá rì rào, xào xạc. Phía xa xa, tiếng chim tu hú vọng lại đều đều càng làm cho không gian nơi đây thêm tĩnh mịch. Tiếng kêu của loài chim “không có tình mẫu tử”  sao mà u uất, nặng nề quá. Nghe tiếng kêu của loài “bạc tình” này, tôi chợt nhớ câu ca: “Uổng công cà cưỡng tha mồi/Nuôi con tu hú lớn rồi bay đi” mà thương cuộc đời lam lũ của mẹ quá! Tôi rời khỏi gò đồi lúc mặt trời sà thấp xuống dãy núi phía tây, lòng ngồn ngộn bao nỗi nhớ về thời thơ  ấu  đã đi qua, nhớ những trái sim hoang dại chín mọng của miền quê nghèo hây hẩy gió.

Thái Kiều Vy

;
.
.
.
.
.