Đêm nguyệt bạch - Nhân vật và giọng điệu

.

Một chân dung thật đến run rẩy hé mở nỗi ẩn ức của người đàn ông - lời chú thích ở bìa ngoài dẫn người đọc đến với tập truyện Đêm nguyệt bạch bằng tâm cảm. Như có một dải lụa mềm quấn quanh tâm tưởng, cheo leo một níu với, đôi cánh tay thiên thần đang vẫy gọi một bất lực ở phía bên kia.

Tập truyện ngắn Đêm nguyệt bạch của Lê Trâm -  NXB Trẻ 2018.
Tập truyện ngắn Đêm nguyệt bạch của Lê Trâm - NXB Trẻ 2018.

Đêm nguyệt bạch là câu chuyện tình yêu mà như không phải là câu chuyện tình yêu. Đó cũng là đặc điểm truyện Lê Trâm, vừa là nó lại không là nó, như tự phá bỏ hình hài để nỗ lực đi tìm một đối thoại ngoài mình.

Và như thế, phần lớn các truyện ngắn của Lê Trâm dành một biên độ mở cho người đọc.
Chưa hoàn chỉnh trước hết xét từ góc độ nhân vật.

Đọc đi ngẫm lại hơn hai trăm trang viết, tôi ngờ ngợ như nhận ra rằng những nhân vật chính diện chưa bao giờ có cơ hội làm nhân vật chính trong truyện của Lê Trâm.  Tiếu (Chăn dê), thằng Cu (Ẩn), Tùng (Người đo nước), ông Dưỡng (Một trang giải phẫu sinh lý người) chỉ là nhân vật được nói đến, là những nhân vật chưa được phép có diễn ngôn dù họ là cái phần tốt đẹp mà chuỗi diễn ngôn của nhà văn hướng đến.

Ấy là khi nhân vật chính bỏ cuộc để nhận ra nhân vật chính của cuộc đời lẽ ra không phải là họ. Như có một ẩn ức phi lý trong xử lý nhân vật của nhà văn. Ẩn ức phi lý ấy còn được dẫn dụ bởi hình tượng nhân vật chính lắm khi cứ như kẻ ngốc giữa cuộc đời, chao đảo ngả nghiêng bên lằn ranh thiện-ác.

Người xưng tôi, chứng nhân cho câu chuyện của Tiếu, kẻ cao đạo tự phân định rạch ròi giữa tình người và tình dục lại là kẻ quan sát với một cảm nhận vừa rờn rợn vừa pha màu thích thú hoang dã cảnh đàn dê phục tùng kẻ chúa bầy đàn.

Rồi Tâm, người hùng dở hơi, sau khi hạ gục Sáu Sửu lại để cho Sáu Sửu hạ gục con bé Lam một cách không thương tiếc, gã (Tâm) đúng như lời nhạo báng: trí thức liệt dương (Ẩn). Đọc đoạn kết Đêm nguyệt bạch, tôi cứ thấy thương cho cô giáo Hạnh quá, cứ muốn ném trả Tuấn về cho rừng rú: Tuấn thức giấc khi trời rựng sáng.

Cô gái cong người nép sát vào anh, vẫn đang chìm trong giấc ngủ sâu. Và khỏa thân như đang múa. Lại nói như lời nhân vật: cô ấy cả tin đến dại dột. Đêm nguyệt bạch cứ như một tiếng thở dài của đời thực dù được huyền thoại đan cài nâng đỡ. Mà có lạ gì đâu, thủ pháp này là thủ pháp quen dùng của cổ tích, có khác nhau chăng là cổ tích chỉ dùng để ru giấc mộng trẻ thơ, còn bạn đọc của Lê Trâm thì đã qua thì mơ mộng.

Có lẽ một trong những phương diện mà người đọc vẫn dùng làm tiêu chí để “xếp hạng” nhà văn là giọng điệu. Đan cài trong tập truyện là hai chất giọng, một rất thơ một rất cáu kỉnh trần trụi. Mà chủ đạo cho chất giọng của tập truyện không phải là chất thơ mà là giọng điệu cáu kỉnh.

Ở trong Mong manh trước gió, Chìm dưới bụi thời gian... truyện của Lê Trâm mang ẩn ức của một đổ vỡ dịu dàng. Những mảnh đời sống bung ra trong cuộc va chạm giữa hai thiên thạch, trong hành trình hình thành sự sống mới, là tất nhiên. Cái đáng quý là nó dịu dàng.

Thiên chức nhà văn, người kiến tạo cuộc sống đã hãm đà, đã điều hướng để làm nên một chừng mực cần có cho những trang viết. Đó là lúc anh phả vào đâu đó những trang đời một chất thơ của tình yêu, trong Đêm dịu dàng, Lao xao bến đời. Đó là những chừng mực và đôn hậu ở anh như bạn bè từng biết.

Song có lẽ đó chỉ mới là nỗ lực ngoài văn mà chưa thực sự là sức sống nội tại của trang văn, nếu nhà văn nỗ lực hơn, để truyện tự nói lên tiếng nói của mình thì sức thuyết phục của tác phẩm sẽ tăng hơn rất nhiều.

Vượt qua con số mười trong danh mục tác phẩm đã in đã là một gia tài chữ nghĩa. Song, điều đáng nói là nhiệt huyết văn chương ở Lê Trâm hãy còn hừng hực lắm.  Đỗ Phủ ở buổi chưa chạm lục tuần mà đã thật thuyết phục khi ngẫm về nghiệp viết:

Cổ lai tồn lão mã/ bất tất thủ trường đồ (ngựa già xưa nay thế/ hà tất bận đường xa), song tôi ngẫm vó ngựa Lê Trâm hãy còn hăng hái bốc bụi mù. Dặm dài văn chương với Lê Trâm càng lúc càng trở nên ấn tượng.

NGUYỄN TẤN ÁI

;
.
.
.
.
.
.