.

Lộc biển

.

Chiều ra khơi, sáng đã cập bờ. Khoảng 200 ghe thuyền mỗi đêm làm việc chừng 10 - 12 tiếng trên biển, nhặt lộc từ biển, tạo nên một bến cá Thọ Quang, quận Sơn Trà sôi động lúc trời vừa tảng sáng, cung cấp cá, tôm tươi roi rói cho các chợ Đà Nẵng.

Phút nghỉ ngơi sau chuyến đánh bắt trên biển đêm của những ngư dân làng cá Thọ Quang. Ảnh: H.L
Phút nghỉ ngơi sau chuyến đánh bắt trên biển đêm của những ngư dân làng cá Thọ Quang. Ảnh: H.L

Anh Phan Văn Hai là một trong những ngư dân trẻ ở phường Thọ Quang. Gọi là trẻ mà tuổi cũng đã trên 40. Anh thừa hưởng chiếc ghe của cha, khi ông không còn đủ sức đi biển. Trước, có thời anh làm thợ xây. Công việc nặng nhọc, cũng chẳng dư dả được bao nhiêu. Từ ngày thay cha ra biển, bao nhiêu cá anh đánh bắt được, vợ anh đem ra chợ bán "tại ngọn" nên thu nhập cũng khá, ngày trúng thu vào vài trăm nghìn sau khi trừ chi phí xăng dầu, cũng bù cho những ngày trở về tay không.

Từ 4-5 giờ sáng ghe cập bến. Cá, tôm tươi rói, mắt cá còn lấp lánh. Dù giá cá cao mấy người ta cũng hỏi mua. Cá lưới thường nhỏ con, nhiều lúc rổ cá đủ các loại, người bán vừa bán vừa phân loại cá, nhiều khi chỉ vài chục phút là rổ cá đã trống trơn.

Những ngày trời êm, biển lặng, với kinh nghiệm của ngư dân thì biển êm vào cuối mùa cá đèn (dùng đèn để thu hút cá) như thế này, ra khơi chẳng kiếm được bao nhiêu. Chờ trời chuyển, sóng lớn, cá vô gần bờ nhiều, ghe nào ra biển cũng trúng.

Gặp tiết trời như vậy, lão ngư Nguyễn Tiếp, 65 tuổi, kéo ghe lên bờ cát sơn sửa lại ghe, chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới. Mỗi năm ông Tiếp bỏ thêm chừng 3 triệu đồng để sơn mới ghe, sắm thêm lưới. Giờ có keo hóa chất dán vào mặt ngoài chiếc ghe, độ bền hơn hẳn việc quét dầu rái. Chiếc ghe 9 sức ngựa (CV) này ông sắm được 15 năm rồi, giá cỡ ba chục triệu đồng. Đó là tất cả tài sản chắt bóp được của những người đánh bắt gần bờ.

Họ không hề được tiếp cận với công nghệ đánh bắt mới như máy dò luồng cá, máy định vị. Họ ra khơi mỗi đêm, cách bờ chừng 3-5 hải lý. Anh em bạn biển vốn là hàng xóm của nhau trên bờ, hỗ trợ nhau khi cần, gặp luồng cá nhiều cũng rủ nhau đến bủa lưới cùng. Kinh nghiệm đi biển có được từ hàng nghìn đêm mưu sinh trên mặt biển, biết lúc nào trời sắp bão, lúc nào có gió to, lúc nào cá vào gần bờ.

Trước đây, nhà ông Tiếp ở trên khu Lộc Phước, sau chuyển xuống Thành Vinh, cùng phường Thọ Quang. Nhà thì chuyển mà việc vẫn vậy suốt nửa thế kỷ qua. Ông chỉ chiếc ghe, bảo “làm cũng được, thong thả, bữa không có, bữa 300-400 ngàn. Mùa săn tôm hùm có đêm kiếm cả chục triệu. Nó nuôi cả nhà tui, 6 đứa con chớ ít mô. Con cái học cũng cái ni đây”.

Được biết chính sách của thành phố không cho ngư dân sắm mới những chiếc ghe nhỏ vài chục sức ngựa, vì đánh bắt gần bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Ngư dân cũng biết là các loại lưới rê, lưới quét của họ khiến cá, tôm rất nhỏ cũng bị bắt. Nhưng cái nghề này theo bao đời nay, bảo bỏ cũng khó mà bỏ được.

Ông Nguyễn Năm, 52 tuổi, kể “hồi nhỏ mới tập đi biển thì đi thúng nhỏ, dùng mái chèo. Khi có vợ, tui chuyển sang đi bạn cho tàu lớn được vài năm, để dành sắm được cái thúng máy. Từ hồi đi biển đến chừ tui sắm 4 cái ghe rồi. Xưa trét dầu rái, cứ 3 năm là phải thay thúng một lần. Ngày xưa kiếm cũng được lắm, cá gần bờ rất dồi dào. Nhưng chừ thì ghe nào cũng dùng máy lớn, đủ các loại lưới, cá nhỏ không kịp lớn, khai thác cạn kiệt nên nhiều đêm đi lỗ tiền dầu”.

Trung bình mỗi đêm mỗi ghe cần 12 lít dầu, cộng thêm chi phí ăn uống khoảng 300.000 đồng. Mùa này đánh cá, tôm, mực lá. Qua tháng 10 ngư dân chuyển sang đi mành, đánh bắt tôm hùm giống. Mỗi con tôm hùm bé xíu giá 200.000 đồng. Từ tháng 10 đến tháng Chạp, nhiều người làm giàu nhờ tôm hùm. Lúc đó những người dân làng biển vốn làm thợ xây, xe thồ được rủ đi bạn…

Tùy theo thời tiết và ngư trường, người đi biển hằng đêm có thể linh động trong cách đánh bắt như giã cào, rê cản, câu mực khơi, lưới vây, lưới kéo, mành chà, rớ giã ruốc. Họ bắt các loại cá nổi trên mặt nước như cá nục, cá cơm, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá chim, cá trích… đến các loại cá ở tầng đáy và gần đáy như cá hố, cá mú, cá phèn, tôm sú, tôm chì, mực nang, mực ống.

Mỗi chuyến ra khơi là niềm hy vọng của bao người ở trên bờ. Rạng sáng, đoàn thuyền trở về là lúc những người mẹ, người vợ đón người đàn ông của gia đình, đón những mẻ cá đầy khoang, hết lo âu, trông ngóng, bởi dẫu có gần bờ thì những nhọc nhằn, hiểm nguy giữa biển cả vẫn không vơi bớt…

Toàn thành phố hiện có 532 chiếc thúng chai lắp máy và 354 tàu có công suất dưới 20CV chuyên khai thác gần bờ. Trong đó, quận Sơn Trà có 271 tàu dưới 20CV, 266 thuyền thúng máy; quận Hải Châu có 41 tàu dưới 20CV; quận Liên Chiểu có 27 tàu dưới 20CV, 159 thuyền thúng máy; quận Thanh Khê có 15 tàu dưới 20CV, 107 thuyền thúng máy.

(Nguồn: Chi cục Thủy sản Đà Nẵng)

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.