.

Sống giữa vòng tay cộng đồng

.

Trong số 1.842 người gặp vấn đề về thần kinh - bao gồm tâm thần phân liệt và động kinh - đang được quản lý, chăm sóc tại cộng đồng, có nhiều người mải miết làm lụng trên con đường tìm kế sinh nhai. Sự san sẻ, chung tay và mở lòng từ gia đình, xã hội, trở thành cái phao giúp họ bấu víu, xoa dịu, tái hòa nhập cộng đồng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hành trình tìm lại chính mình

Nhiều năm nay, hình ảnh ông C., phường Hải Châu 2, quận Hải Châu cần mẫn trên chiếc xe ôm tại khu vực xung quanh chợ Cồn, trở thành câu chuyện cảm động về nỗ lực tìm lại chính mình của một bệnh nhân tâm thần sau thời gian dài chìm đắm trong bệnh tật. Lần đầu gặp ông, chẳng người nào tin được mình đang tiếp xúc với một “người điên”. Bởi ông vẫn luôn niềm nở, ân cần mời khách làm cuốc xe ôm, tỉnh táo hỏi số nhà, tên đường rồi lái xe chở khách đến đúng địa chỉ.

Những chuyến xe ôm ít ỏi không mang lại cho ông C. cuộc sống sung túc, không giúp ông đủ sức gánh vác kinh tế gia đình. Nhưng, với những người thân trong gia đình, chỉ cần ông tỉnh táo, ăn ngủ bình thường, làm được những công việc giản đơn như thế đã là phép mầu trong cuộc sống. Hơn ai hết, họ hiểu, chỉ cần một chút kích động, vài ngày quên uống thuốc, ông sẽ “lên cơn” đập phá, hò hét, hành hung người thân hoặc hàng xóm. Sau phút tức giận, ông không nói không cười, thu mình lại, vui – buồn, giận dữ thất thường, vô cớ.

Gần 20 năm sống chung với chứng bệnh tâm thần phân liệt, hầu như ngày nào cơ thể ông C. cũng dung nạp một lượng thuốc nhất định. Cả ngày phơi nắng, ông không quên mang theo từ 10 đến 20 viên thuốc được cán bộ Trạm Y tế phường cấp phát hằng tháng. Nhớ khi nào uống khi đó. Cẩn thận hơn, ông còn nhờ người thân gọi điện nhắc nhở để khỏi quên.

Dược sĩ Trần Văn Tập, cán bộ Trung tâm Y tế quận Hải Châu cho biết, trường hợp ông C. chỉ là một trong 38 bệnh nhân tâm thần đang được Trạm Y tế phường Hải Châu 2 chăm sóc, quản lý. Mỗi tháng 2 lần, gia đình đưa người bệnh đến Trạm Y tế tái khám và nhận thuốc về uống. Với những gia đình có người bệnh tâm thần thể nhẹ hoặc thuyên giảm như ông C., cán bộ y tế đều khuyến khích họ tham gia làm những công việc phù hợp nhằm giảm thời gian nhàn rỗi.

Công tác quản lý, chăm sóc người tâm thần tại cộng đồng gặp không ít khó khăn. Trong số 1.842 người bệnh tâm thần đang được chăm sóc tại 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thì quận Hải Châu có số bệnh nhân đông nhất: 642 người, trong đó, 350 trường hợp tâm thần phân liệt. Theo ông Tập, trong số ấy, không hiếm trường hợp bệnh nhân phủ nhận bệnh tật, tự ý bỏ thuốc, tái cơn cầm dao dọa dẫm không để người nhà đưa vào bệnh viện, cán bộ y tế khó tiếp cận. Ngoài ra, trung bình mỗi tháng, quận Hải Châu phát sinh từ 1 đến 3 trường hợp bệnh mới, có những hành vi bất ngờ gây nguy hiểm đến người xung quanh.

Hầu hết những bệnh nhân đang sống giữa cộng đồng đều có 1 đến 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Nếu bệnh thuyên giảm, sẽ được người thân đưa về nhà chăm sóc, thuốc thang theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế. Nếu may mắn nhận được sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ từ gia đình, xã hội, họ sẽ có những ngày tháng được-làm-người-bình-thường.

Từ khi sinh ra, chị Võ Thị T. H. (1972), tổ 36A, phường Mân Thái, quận Sơn Trà là một người hoàn toàn khỏe mạnh. Như bao cô gái khác, chị cũng đi học, lớn lên rồi lấy chồng. Số phận nghiệt ngã bắt đầu xảy đến khi chị tròn 26 tuổi. Lúc đầu là những tháng liền trằn trọc mất ngủ, đau váng vất nửa đầu. Chị luôn có cảm giác rằng suy nghĩ của mình bị người khác đọc được. Mỗi khi trời tối, chị luôn nghe thấy ai đó nói vào tai mình những điều khủng khiếp, chị bất chợt khóc, bất chợt cười hoặc gật gù đồng ý với những lời nói mơ hồ từ đâu đó giữa bốn bức tường lạnh lẽo. Gia đình thương, mang chị đi bệnh viện chữa trị nhiều lần nhưng không dứt hẳn, gia cảnh thiếu trước hụt sau.

Trở về giữa vòng tay gia đình, suốt ngày chị H. ngẩn ngẩn ngơ ngơ, thu mình vào một góc nhà như sợ ai đó phát hiện. Cuộc sống của một con người nửa tỉnh, nửa điên tưởng chừng đi vào ngõ cụt nếu không có một ngày, H. được chị Huỳnh Thị Thủy, Trạm phó Trạm Y tế phường Mân Thái thủ thỉ trò chuyện, tỉ tê xoa dịu những nỗi đau vô hình. Khi đầu óc có phần tỉnh táo hơn, H. chăm uống thuốc, sức khỏe cải thiện thấy rõ. Thấy bệnh nhân của mình có những biểu hiện tích cực, chị Huỳnh Thị Thủy kêu gọi tài trợ giúp H. một triệu đồng làm vốn buôn bán tại chợ Mân Thái. Những ngày đầu, chị Thủy thỉnh thoảng ghé chợ trò chuyện, động viên H. mua giúp H. một vài món hàng trong quang gánh nhỏ. Cứ như thế, từ lúc nào không rõ, chị H. ngày một tiến bộ, có thể ra chợ một mình, mua bán, trao đổi như một con người lành lặn.  

Công tác chăm sóc gặp khó

Từ năm 1999, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, đặt ra mục tiêu cụ thể 100% số tỉnh/thành trên cả nước được triển khai dự án. Trong đó, 70% số xã, phường triển khai mô hình lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng (CSSKTTCĐ) vào hoạt động của Trạm y tế cơ sở; phát hiện và quản lý điều trị tại cộng đồng cho 50% số bệnh nhân tâm thần (tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh); điều trị ổn định cho 70% số bệnh nhân tâm thần được phát hiện, hỗ trợ người bệnh sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng.

Dựa vào nguồn kinh phí từ dự án, công tác CSSKTTCĐ tại Đà Nẵng những năm gần đây chuyển biến rõ rệt. Hằng tháng, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tổ chức giao ban với 7 Trung tâm Y tế quận, huyện để theo dõi, nắm bắt kết quả cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình chăm sóc sức khỏe người tâm thần tại cộng đồng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2015, có khoảng 24.000 lượt người được truyền thông về cách chăm sóc cũng như phòng chống bệnh, 900 lượt người được tư vấn qua điện thoại, cán bộ phụ trách tại các Trạm Y tế tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chăm sóc sức khỏe người tâm thần.

Trong số 10 loại bệnh lý tâm thần thường gặp tại Việt Nam, chỉ có 2 loại bệnh được đưa vào diện quản lý, điều trị theo chương trình mục tiêu quốc gia là tâm thần phân liệt và động kinh. Bác sĩ Trần Thiện Thanh, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến và CSSKTTCĐ, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, công tác chăm sóc người bệnh tại cộng đồng gặp không ít khó khăn do đa số người bệnh chỉ biểu lộ suy nghĩ, hành vi thất thường khi “lên cơn”, còn lại vẫn có tư duy, sinh hoạt, nói năng tương đối bình thường.

Vì thế, chỉ cần người đối diện kích động, nói năng thiếu chuẩn mực, họ rất dễ nổi nóng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các loại thuốc chống động kinh thường xuyên thay đổi, chất lượng kém, ảnh hưởng đến công tác điều trị. Tuyến xã, phường chủ yếu là y sĩ, y tá, đôi khi nữ hộ sinh làm công tác chuyên trách tâm thần, thường xuyên thay đổi vị trí nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Trong quá trình điều trị tại cộng đồng, hơn 85% người bệnh ổn định về tâm lý, còn lại vẫn có những hành vi gây rối, đập phá đồ đạc, đánh người, gây thương tích, thậm chí tự sát. Có thể thấy rằng, công tác chăm sóc sức khỏe người tâm thần tại cộng đồng hiện nay người ta còn quan tâm nhiều đến việc dùng thuốc hằng ngày mà quên đi việc sử dụng các liệu pháp về tâm lý. Chỉ khi được quan tâm sát sao và thường xuyên, họ mới có hy vọng trở về một con người bình thường, có ích cho xã hội.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.